Khuất tất vụ cấp phép san ủi 1.700,9m2 ngọn núi đá dưới chân cổng chào TP. Điện Biên Phủ

Tiếng dân - Ngày đăng : 16:36, 31/08/2020

(TN&MT) - Nhiều ngày qua, người dân TP. Điện Biên Phủ thấy “chướng mắt” khi ngọn núi đá cả nghìn khối nằm bên dưới cổng chào, (đoạn đường đôi đầu thành phố) thuộc tổ dân phố 1, phường Him Lam đã bị máy cuốc, đào bới để “bứng đi” làm mặt bằng, phục vụ lợi ích cho một nhóm người “tranh thủ” lúc lãnh đạo thành phố này còn vài tuần nữa nghỉ hưu.

 

Mặt bằng lô đất đang san ủi bám dọc QL 279 (đầu đường đôi thành phố đoạn Võ Nguyên Giáp) tổ 1, phường Him Lam, tổng diện tích được cấp phép là 1.700,9m2.

Nhiều khuất tất cần làm rõ 

Được biết, ngày 23/3/2020, UBND TP. Điện Biên Phủ đã cấp phép cải tạo mặt bằng cho 3 hộ dân (lần 1), tổng diện tích là 419,9m2, gồm: Phạm Văn Xuân tổng diện tích là 231,6m2, trong đó đất ở là 131,6m, số còn lại đất trồng cây hàng năm. Hộ ông Nguyễn Trọng Minh tổng diện tích là 94,15m2, đất ở là 50m2, số còn lại đất trồng cây hàng năm. Hộ ông Trịnh Xuân Bình tổng diện tích là 94,15m2, đất ở 50m2, số còn lại đất trồng cây hàng năm. Vị trí đất của cả 3 hộ kể đều nằm ở tổ dân phố 1, phường Him Lam (đất liền thổ, chung một ngọn núi đá đầu thành phố).

Ngày 5/6/2020, Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ Nguyễn Đức Đuyện (trước ngày nghỉ hưu 2 tháng) đã ký tiếp cho 3 hộ (trong đó có 2 hộ mới phát sinh là hộ ông Nguyễn Văn Chuyển xin cải cạo mặt bằng diện tích 191,7m2 đất trồng cây hàng năm khác (không có đất ở) và hộ ông Nguyễn Trọng Hồng xin cải tảo mặt bằng tổng diện tích là 911,2m2 đất trồng cây hàng năm, (không có đất ở) và hộ ngông Phạm Văn Xuân (hộ đã xin cấp lần 1), diện tích là 177,7m2. Cả 3 hộ trong giấy phép  cấp lần 2 không có diện tích đất ở, 100% là đất trồng cây hàng năm khác; tổng diện tích đất xin cải tạo là 1.281m2.

Nghĩa là, chỉ có 1 hộ là ông Phạm Văn Xuân là xin cải tạo lần 2, trong giấy phép cải tạo mặt bằng kí ngày 5/6/2020 còn hộ ông Nguyễn Văn Chuyển và hộ ông Nguyễn Trọng Hồng là 2 hộ mới không nằm trong giấy xin cải tạo lần 1, UBND TP. Điện Biên Phủ kí ngày 23/3/2020.

Việc lấy tên của 1 hộ là ông Phạm Văn Xuân (có đất ở 131,6m2 trong lần cấp giấy lần 1) gắn với 2 hộ là ông Nguyễn Văn Chuyển và ông Nguyễn Trọng Hồng (trong giấy phép cải tạo mặt bằng lần 2, kí ngày 5/6/2020) thực chất 2 hộ này cải tạo lần 1, nhưng được gắn “mác” xin cải tạo lần 2, là hành vi có dấu hiệu  tiếp tay cho các hộ dân trốn thuế, không làm nghĩa vụ tài chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với Nhà nước...

Như vậy, có tất cả 5 hộ dân được UBND TP. Điện Biên Phủ cấp phép san ủi, cải tạo mặt bằng, tại tổ 1, (khu cổng chào đầu đường đôi TP. Điện Biên Phủ) phường Him Lam, kí ngày 23/3/2020 và ngày 5/6/2020; tổng diện tích là 1.700,2m2, trong đó diện tích đất ở chỉ có 231,6m2; 3 hộ cấp giấy phép cải tạo lần 2, tổng diện tích là 1.281m2 không hộ dân nào có đất ở, 100% là đất trồng cây hàng năm khác.

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Phó trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Điện Biên Phủ, cho biết: mục đích san ủi cải tạo mặt bằng của các hộ dân ở tổ 1, phường Him Lam (vị trí san ủi đầu đường thành phố, đoạn đường Võ Nguyên Giáp) tránh làm sạt lở đất, đá xuống mặt đường Quốc lộ 279 gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 279 (đoạn đường Võ Nguyên Giáp).

Mặt cạnh của lô đất đang san ủi phía đầu đường, lối rẽ vào Khu du lịch sinh thái Him Lam. Đây có thể coi là vị trí đất vàng của thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. 

Bức xúc về vấn đề này, ông B.V.T, tổ 1, Cựu chiến binh, phường Him Lam, nói: “Năm nay tôi ngoài 70 tuổi, chưa bao giờ thấy người dân Điện Biên nào lại bỏ tiền tỷ đi san núi, bạt đồi chống sạt lở đồi cho Nhà nước nếu không vì mục đích cá nhân. Thử tính đi..! Mỗi một ca máy xúc hiện nay là 600 nghìn đồng/tiếng, ngày làm 9 tiếng cũng mất gần 6 triệu đồng. Nếu thuê theo tháng rẻ cũng phải mất 80 triệu đồng tiền máy xúc. Trong khi đó, để bứng hết ngọn núi này cũng phải mất vài tháng; chưa kể tiền thuê xe ô tô chở đất, đá đi đổ nơi khác. Trong khi hộ giáp ranh với ngọn núi này chỉ có 1 hộ duy nhất là bà Nguyễn Thị Lệ (nhận chuyển nhượng đất của hộ ông Phạm Văn Xuân), nên việc cải tạo mặt bằng tránh sạt lở cho hộ liền kề cũng không đến mức phải đào cả quả núi đá. Càng không có chuyện các hộ dân góp tiền tỷ cậy cục xin cấp phép san ủi cải tạo mặt bằng để chống đất đá lở gây nguy hại cho người đi đường. Điều này chắc chắn không thể xảy ra... mà mục đích chính là để chia lô bán nền đất ở.” – Ông T bức xúc.

Trong khi, kế hoạch sử dụng đất năm 2020 của TP. Điện Biên Phủ không có diện tích đất tại vị trí đang sản ủi của các hộ kể trên nằm trong kế hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng đất hàng năm.

Một vấn đề nữa dư luận quan tâm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các hộ có diện tích đất tại vị trí đang cải tạo mặt bằng đều ghi đất trồng cây hàng năm khác. Trong khi ngoài thực địa đó là ngọn núi đá nguyên khối màu đen (lớp trên của bề mặt cũng là đá).

Việc chính quyền TP. Điện Biên Phủ cấp phép cho người dân san ủi cải tạo mặt bằng cần phải xét đến 2 yếu tố: Kế hoạch sử dụng đất hàng năm và mục đích của việc cải tạo mặt bằng để làm gì? (điều này ghi rõ trong giấy cấp phép). Nếu việc san ủi cải tạo mặt bằng làm đất ở thì người dân phải nộp thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với Nhà nước. Trong khi, đơn xin phép cải tạo mặt bằng của 3 hộ dân này chỉ để "tránh đất lở, đá rơi..."

Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ thẳng thắn thừa nhận: Các hộ dân sẽ phải chuyển đổi mục đích sử đụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước khi sử dụng đất vào mục đích đất ở. Trước mắt chúng tôi sẽ yêu cầu các hộ dân tạm dừng việc cải tạo mặt bằng ở tại vị trí đầu đường đôi thành phố...

Cần “liều thuốc” cực mạnh xử lí vi phạm trong quản lí đất đai

Trước thông tin phản ánh của Báo Tài nguyên và Môi trường về những vi phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, ông Hà Quang Trung, Bí thư Thành ủy Điện Biên Phủ đã rốt ráo chỉ đạo các cơ quan chuyên môn của TP. Điện Biên Phủ kiểm tra, làm rõ vụ việc vi phạm để rộng đường dư luận.

Ngày 27/8, PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã có buổi làm việc ông Phạm Văn Sỹ, Phó Chủ tịch UBND TP. Điện Biên Phủ. Ông Sỹ cho biết: Thực tế, tình trạng vi phạm đất đai trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ thường xuyên diễn ra. Trước những vụ việc vi phạm cụ thể mà Báo Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, chúng tôi đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn, trưc tiếp là Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Quản lý đô thị tiến hành kiểm tra, xử lý những vụ việc vi phạm.

Nhiều quả đồi thuộc địa phận phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ là đất nông nghiệp bị san ủi trái phép

Trước đó, ngày 25/8, Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng tải bài viết “TP. Điện Biên Phủ: Tràn lan tình trạng chuyển nhượng, san gạt đất nông nghiệp”. Trong đó có phản ánh vụ việc ông Vũ Thế Duy trú tại tổ 8, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ đổ đất, cát san gạt tạo lập mặt bằng và xây dựng nhà xưởng sản xuất gạch bloch. Ngày 10/7/2020, UBND TP. Điện Biên Phủ đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Duy số tiền 25 triệu đồng về hành vi chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị mà không được cơ quan có thẩm quyền cho phép và buộc khôi phục lại hiện trạng đất trước khi vi phạm. Tuy nhiên, sau khi bị xử phạt đến nay, đơn vị này vẫn hoạt động sản xuất kinh doanh gạch bình thường…

Đối với vụ việc trên, ông Phạm Văn Sỹ cho biết: Việc công dân vi phạm trong sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền xử lý vi phạm, UBND thành phố sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan yêu cầu công dân thực hiện đầy đủ nội dung quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong quý 3 năm 2020.

Còn với các vụ việc vi phạm trong mua bán, chuyển nhượng và tự ý san ủi đất nông nghiệp trái phép và việc xây dựng, lấn chiến hành lang an toàn cầu, vỉa hè… UBND TP. Điện Biên Phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với các xã, phường thường xuyên kiểm tra để phát hiện và yêu cầu dừng các hoạt động vi phạm theo đúng quy định pháp luật.

Thực tế, các vi phạm về quản lý, sử dụng đất không phải diễn ra trong một sớm, một chiều mà đã kéo dài nhiều năm qua. Từ kết quả của việc xử lý, khắc phục sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai tại một số xã, phường của TP. Điện Biên Phủ, chưa triệt để nên các hộ dân “nhờn luật”. Đặc biệt các vụ yêu cầu khôi phục lại hiện trạng có phần tháo rỡ vật kiến trúc xây dựng trên đất trái quy định của Nhà nước.

Các cơ quan chức năng của TP. Điện Biên Phủ, chính quyền các xã, phường vì chưa quyết liệt, trong xử lý vi phạm nên nhiều sai phạm và cách xử lí nửa vời đã trở thành “tiền lệ” cho các hộ dân khác làm theo?

Trần Hương - Hà Thuận