Bước tiến đáng kể trong thực thi pháp luật về động vật hoang dã

Môi trường - Ngày đăng : 14:14, 31/08/2020

(TN&MT) - Với những quy định nghiêm khắc hơn, Bộ luật Hình sự 2015 hứa hẹn là căn cứ pháp lý vững chắc và công cụ hữu hiệu để xử lý, ngăn ngừa tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) nếu được áp dụng nghiêm túc tại các địa phương trên cả nước.

Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2020, số lượng các vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù (không được hưởng án treo) đã tăng lên đến 67,9%

Nâng mức xử phạt về ĐVHD

Bộ luật Hình sự (BLHS) số 100/2015/QH13 năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có hiệu lực từ ngày 01/01/2018, đã khắc phục nhiều vấn đề pháp lý còn tồn tại trong giai đoạn trước và nâng mức xử phạt với tội phạm về động vật hoang dã (ĐVHD).

Theo BLHS 2015, tất cả các hành vi săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm và vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của chúng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở các mức độ khác nhau trên cơ sở số lượng hoặc giá trị của ĐVHD bị xâm hại.

Bộ luật mới cũng bổ sung quy định xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ trái phép cá thể, bộ phận cơ thể hoặc sản phẩm của các loài ĐVHD nguy cấp, quý, hiếm. Trước đây, hành vi tàng trữ ĐVHD, thậm chí là cá thể hổ đông lạnh, sừng tê giác hay các loài nguy cấp, quý hiếm khác và sản phẩm của chúng chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, BLHS 2015 còn bảo vệ các loài không thuộc những danh mục nêu trên nhưng tang vật vi phạm có giá trị lớn. Điểm mới này của BLHS 2015 đã tạo căn cứ pháp lý vững chắc để cơ quan chức năng xử lý triệt để các hành vi vi phạm về ĐVHD. Công tác xử lý đối với vi phạm liên quan đến các loài không thuộc những danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được bảo vệ ở mức độ cao như một số loài rắn hay rùa nước ngọt cũng nhờ vậy mà được thắt chặt.

Mặt khác, mức hình phạt dành cho tội phạm về ĐVHD theo BLHS 2015 đã tăng lên đáng kể với mức phạt tiền tối đa lên đến 2 tỷ đồng và mức phạt tù tối đa lên đến 15 năm đối với cá nhân. Mức phạt tương ứng ở BLHS cũ là 500 triệu đồng và 7 năm tù.

Nhiều chuyển biến tích cực

Sau hơn hai năm kể từ khi Bộ Luật Hình sự (BLHS) có hiệu lực, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong nỗ lực đấu tranh với các tội phạm về ĐVHD của các cơ quan chức năng có liên quan. Các cơ quan thực thi pháp luật đã nhận thức được tầm quan trọng của công tác ngăn chặn loại tội phạm này. Nhiều Tòa án cũng đã đưa ra những bản án nghiêm khắc đối với các đối tượng phạm tội về ĐVHD.

Có sự chuyển biến quan trọng trong công tác điều tra, bắt giữ và khởi tố các vụ án về ĐVHD của cơ quan chức năng

Đơn cử, ngày 20/11/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã xử phạt đối tượng Phạm Bá Kim 13 năm tù vì hành vi nuôi, nhốt, tàng trữ, buôn bán trái phép 145 cá thể tê tê Java, 7 kg vảy tê tê Java và 71,4 kg da voi. Ngày 28/11/2019, Tòa án nhân dân TP.Móng Cái (Tỉnh Quảng Ninh) cũng phạt Nguyễn Cao Tùng 12 năm tù do Vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ con đông lạnh, 42 kg sản phẩm/bộ phận không thể tách rời của hổ, 50 kg vảy tê tê đất, 3 cá thể khỉ đuôi lợn và nhiều sản phẩm động vật hoang dã khác. Đầu tháng 1/2020, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) cũng tuyên phạt 3 đối tượng từ 10-12 năm tù do vận chuyển và tàng trữ trái phép 207,3 kg ngà voi…Đây là những minh chứng cho thấy, sự kiên quyết của các cơ quan chức năng trong cuộc chiến ngăn chặn tội phạm về ĐVHD tại Việt Nam.

Theo thống kê của EVN, từ thời điểm BLHS 2015 có hiệu lực (đầu năm 2018) đến cuối năm 2019, số lượng các vụ án hình sự về ĐVHD đã tăng 44%. Tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD và đối tượng có liên quan bị bắt giữ không có nhiều biến động trong giai đoạn từ năm 2015 đến cuối năm 2019, chiếm khoảng 86,7%. Tuy nhiên, chỉ trong nửa đầu năm 2020, tỉ lệ này đã tăng lên đáng kể, với 97,2% trong tổng số 37 vụ án hình sự về ĐVHD có đối tượng bị bắt giữ.

Trong vòng 5 năm (2015-2019), tỷ lệ các vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử không biến động nhiều, trung bình mỗi năm chiếm khoảng 73%. Trong đó, công tác xử lý tội phạm về ĐVHD năm 2018 có kết quả khả quan nhất với 82/98 vụ án hình sự về ĐVHD được đưa ra xét xử, tương ứng với tỉ lệ 83,6% (gần 84%). Nhiều khả năng tỉ lệ số vụ được xét xử năm 2019 còn cao hơn năm 2018 (có thể lên đến 88%) nếu cả 19 vụ án hình sự còn lại về ĐVHD được phát hiện trong năm 2019 có kết quả xử lý trong thời gian tới.

Về hình thức xử phạt, khoảng 48% các vụ án hình sự về ĐVHD trong các năm 2018 và 2019 được đưa ra xét xử có đối tượng bị áp dụng hình phạt tù (không được hưởng án treo). Nghĩa là các đối tượng trong 52% các vụ án còn lại được hưởng án treo, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tiền.

Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng đầu năm 2020, số lượng các vụ án có đối tượng bị tuyên án phạt tù (không được hưởng án treo) đã tăng lên đến 67,9%. Kết quả này cho thấy lập trường cứng rắn hơn của các cấp tòa án khi xét xử tội phạm về ĐVHD so với những năm trước đó.

Từ năm 2018, mức án tù giam trung bình đối với tội phạm về ĐVHD cũng cao hơn rõ rệt. Trước khi BLHS 2015 có hiệu lực, thời hạn tù giam trung bình áp dụng với các đối tượng buôn bán ĐVHD trái phép là 1,25 năm. Tuy nhiên, mức phạt tù trung bình cho một đối tượng tội phạm về ĐVHD đã tăng lên hơn gấp đôi là 3,04 năm trong năm 2018. Đến năm 2019, con số này lại tiếp tục tăng lên 4,66 năm. Trong nửa đầu năm 2020, mức án tù giam trung bình một đối tượng tội phạm về ĐVHD phải đối diện là 4,49 năm.

Những kết quả ngày càng tích cực này cho thấy, lập trường cứng rắn hơn và quyết tâm đẩy lùi tội phạm về ĐVHD của cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan thực thi pháp luật trên cả khía cạnh bắt giữ và xử lý vi phạm.

Tống Minh