Để Vị Xuyên giữ mãi màu xanh
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 13:59, 31/08/2020
1. Trên bản đồ, Vị Xuyên là huyện lớn nằm ở vùng lõm miền biên giới Bắc - Tây Bắc tỉnh Hà Giang. Diện tích rộng gần 1.600 cây số vuông, rừng núi dày đặc ở biên cương Vị Xuyên tạo thành hệ thống phòng thủ tự nhiên khá lợi hại. Với vị địa thế như vậy, nơi đây đã ghi dấu những trận đấu tranh bảo vệ Tổ quốc kiên cường của quân và nhân dân ta.
Hơn 40 năm đã trôi qua kể từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc kiên cường và vĩ đại của dân tộc. Trong những năm 1984 -1989, Điểm cao 468, thuộc thôn Nậm Ngặt, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang từng là chiến trường khốc liệt, nổi danh với những “đồi thịt băm”, “lò vôi thế kỷ” hay “thung lũng gọi hồn” nay đã sừng sững một đài hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ ngã xuống để giữ gìn từng tấc đất nơi biên cương Tổ quốc.
Trung tâm huyện Vị Xuyên (Hà Giang) |
Đường lên Đài hương trên điểm cao 468 dốc chênh vênh vòng quanh núi, một bên là vách đứng, một bên là vực thẳm, với những khúc cua gấp chóng mặt. Trong không khí linh thiêng tại Đài tưởng niệm 468, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã thành kính thắp hương và gióng hồi chuông tưởng niệm anh linh các liệt sĩ đã bỏ mình vì nước trong cuộc chiến đấu năm xưa.
Tại điểm cao lịch sử này, phóng tầm mắt ra xa, một màu xanh trải dài bao trọn sự bình yên cho đồng bào các dân tộc anh em sinh sống tại nơi xa xôi nhất của đất nước. Nơi đây hơn 30 năm trước là vùng đồi núi trơ trụi, cây cỏ không thể sống vì đạn pháo của chiến tranh,
Ngước mắt lên bầu trời, những cánh chim sải rộng bay lượn trên không gian bao la của đất trời miền biên viễn. Trong khung cảnh thiêng liêng, bao la ấy, chúng tôi càng thêm tự hào về thế hệ cha, anh đã kiên cường chiến đấu bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
2. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc, với tinh thần quả cảm “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, hàng nghìn chiến sỹ đã anh dũng hy sinh.
Nghĩa trang liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang) được khởi công xây dựng từ năm 1990. Nơi đây trở thành "ngôi nhà chung" của hơn 1.700 liệt sỹ trong cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc và các liệt sỹ thuộc 32 tỉnh, thành từ Bình Trị Thiên trở ra. Nhiều ngôi mộ chưa có tên, trên tuyến biên giới huyện Vị Xuyên còn nhiều liệt sĩ vẫn chưa được quy tập vẫn là nỗi niềm đau đáu.
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Vị Xuyên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác đã dâng hoa, dâng hương tưởng nhớ công lao to lớn của các liệt sĩ. Viết những dòng lưu niệm tại đây, Bộ trưởng bày tỏ lòng biết ơn vô hạn với những anh hùng, liệt sĩ đã dâng hiến tuổi trẻ, cuộc sống, anh dũng hy sinh bảo vệ nền độc lập, tự do, chủ quyền của Tổ quốc.
3. Hà Giang đang trên đà đổi mới. Hơn 30 năm qua, biên giới đã ngưng tiếng súng, người dân sơ tán từ khắp nơi đã trở về, dựng lại những mái nhà, trồng lại những khoảng nương để hồi sinh vùng “phên giậu” của Tổ quốc.
Trên đà phát triển bền vững, hướng đến tăng trưởng xanh, Hà Giang rất cần những giải pháp để giảm thiểu thiệt hại thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ những cánh rừng như giữ vùng cương thổ của đất nước. Thực tế, thiên tai tại đây đã gây thiệt hại rất lớn. Thống kê của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trận mưa lũ mới đây đã khiến Hà Giang bị thiệt hại khoảng 500 tỷ đồng, trong đó, Vị Xuyên thiệt hại khoảng 80 tỷ đồng, chưa kể thủy điện.
Trên cương vị tư lệnh ngành Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: Bộ sẽ luôn đồng hành với Hà Giang trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương cách mạng thực sự đổi mới và phát triển bền vững.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục hỗ trợ, hướng dẫn các hộ dân sửa chữa xây dựng nhà ở mới, tránh những vùng có nguy cơ sạt lở, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; đồng thời tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của thời tiết, kịp thời cảnh báo cho người dân ở những vùng có nguy cơ sạt lở, lũ ống, lũ quét di chuyển người, tài sản khi có dự báo mưa lớn xảy ra.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khẳng định, sẽ quan tâm bảo vệ hệ sinh thái không chỉ cho các thế hệ mai sau của Hà Giang mà còn cho đất nước; phát triển rừng và kinh tế rừng; nghiên cứu các giải pháp ưu đãi đặc biệt về thuế, đất đai để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với các đặc sản có giá trị cao của Hà Giang; phát triển hệ thống hạ tầng giao thông; thực hiện tốt chương trình xóa đói giảm nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới.
Đoàn công tác Bộ TN&MT tạm biệt Hà Giang trở về Hà Nội. Sau những cơn mưa bất chợt, trời biên cương lại xanh ngắt một màu…