Kon Tum: Tăng cường quản lý động vật hoang dã

Tài nguyên - Ngày đăng : 13:55, 31/08/2020

(TN&MT) – UBND tỉnh Kon Tum vừa có văn bản số 3125 gửi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị yêu cầu tăng cường các biện pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.

Một cá thể chồn hương bị nuôi nhốt trái quy định

Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum yêu cầu các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố tích cực tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt là cán bộ, công chức, viên chức không tham gia săn, bắt, mua bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo động vật hoang dã trái pháp luật và không sử dụng động vật hoang dã; tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Trong công tác kiểm tra, kiểm soát hàng nhập khẩu, tỉnh Kon Tum yêu cầu dừng nhập khẩu và không cho phép quá cảnh động vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài động vật hoang dã qua địa bàn tỉnh; mọi trường hợp nhập khẩu động vật hoang dã phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật như đối với động vật hoang dã bất hợp pháp. 

Ngoài ra, ngành chức năng tỉnh Kon Tum cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã và tăng cường các biện pháp giám sát bệnh dịch, vệ sinh thú y tại các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã. Việc nuôi động vật phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Các ngành chức năng phải tổ chức kiểm tra trên diện rộng các cơ sở nuôi động vật hoang dã, đảm bảo nguồn gốc động vật nuôi hợp pháp, điều kiện an toàn đối với vật nuôi, con người, vệ sinh môi trường và an toàn dịch bệnh. Lập cơ sở dữ liệu về cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loại động vật thuộc danh mục quý hiếm.

Tại văn bản này, tỉnh Kon Tum cũng yêu cầu cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng trên địa bàn tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, kiểm soát chặt chẽ cửa khẩu, lối mở biên giới để ngăn chặn, phát hiện và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã.

UBND các huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, mua bán, vận chuyển, tàng trữ động vật hoang dã; kiên quyết loại bỏ các cửa hàng, tụ điểm mua bán, kinh doanh động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn quản lý.

Cùng với đó, tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn trên địa bàn ký cam kết về không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu động vật hoang dã không đảm bảo nguồn gốc hợp pháp và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Quế Mai