Vốn FDI: Động lực phát triển kinh tế địa phương
Đầu tư - Tài chính - Ngày đăng : 21:53, 30/08/2020
Khu công nghiệp Sóng Thần, một trong những khu công nghiệp lớn nhất của Bình Dương và cả nước - Ảnh minh họa |
Những điểm sáng
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm cho biết, thông qua việc thực hiện có hiệu quả chủ trương “Trải chiếu hoa mời gọi đầu tư” và “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”, đến nay, Bình Dương là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Tính đến tháng 4/2020, Bình Dương đã tiếp nhận trên 34,7 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký với hơn 3.800 dự án còn hoạt động, đứng thứ 3 cả nước, chỉ sau TP.HCM và Hà Nội.
Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài đang đóng vai trò là nguồn động lực chính thúc đẩy sự phát triển cả về kinh tế và xã hội của tỉnh. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài duy trì từ 47% đến 50% tổng vốn đầu tư xã hội trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn 2012-2017, góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP qua các năm trên 8%, đưa Bình Dương trở thành một trong những địa phương phát triển năng động của cả nước.
Bình Dương hiện có hơn 3.300 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 25,48 tỷ USD, chiếm hơn 73% tổng vốn đầu tư.
Cùng với Bình Dương, trong những năm qua, Đồng Nai cũng là tỉnh luôn nằm trong nhóm các địa phương thu hút đầu tư nước ngoài cao nhất cả nước. Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, với đặc thù là tỉnh có Khu công nghiệp đầu tiên cả nước và hiện nay có 35 khu công nghiệp được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch đến năm 2020. Hiện đã có 32 Khu công nghiệp được thành lập và đi vào hoat động, thu hút nhiều dự án đầu tư trong nước và nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tính đến 31/12/2019, tổng số dự án FDI còn hiệu lực trên địa bàn tỉnh là 1.478 dự án, với tổng vốn đăng ký 30,22 tỷ USD, trong đó 1.260 dự án đang hoạt động sản xuất kinh doanh, các dự án còn lại đang được đầu tư xây dựng. Vốn đầu tư thực hiện lũy kế ước đến 31/12/2019 là 20,05 tỷ USD (đạt 70,3% tổng vốn đầu tư đăng ký). Các nhà đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai đến từ 47 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Riêng trong năm 2019, tổng vốn FDI đăng ký của Đồng Nai đạt 2,3 tỷ USD, tăng 120% so với cùng kỳ năm 2018 (1,91 tỷ USD) và tăng 230% kế hoạch năm (1 tỷ USD). Vốn đầu tư thực hiện năm 2019 ước đạt 1,493 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2018.
Hoạt động của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng 37% so với tổng giá trị gia tăng toàn tỉnh, 62% giá trị sản lượng công nghiệp, 91% kim ngạch xuất khẩu, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 612.687 lao động và đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách với hơn 500 triệu USD năm 2019.
Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, thu hút FDI của TP. Hải Phòng trong những năm qua cũng đạt được kết quả lớn. Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng cho biết, nếu như trước đây, mỗi năm số vốn đầu tư nước ngoài thành phố thu hút được chỉ đạt khoảng dưới 500 triệu USD thì từ năm 2011 trở lại đây, thành phố đã có những bước ngoặt lớn đáng tự hào.
Theo đó, 10 năm trở lại đây, gần 600 dự án đầu tư nước ngoài đã được cấp mới với tổng vốn đầu tư cấp mới, tăng vốn đạt gần 15 tỷ USD, Hải Phòng liên tục nằm trong danh sách các địa phương dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nổi bật là năm 2013, 2016 và 2018, số vốn FDI thành phố thu hút được đạt gần 3 tỷ USD một năm, trong đó, năm 2013 là 2,65 tỷ USD, năm 2016 là 2,91 tỷ USD và năm 2018 là 2,62 tỷ USD.
Hướng đến doanh nghiệp công nghệ cao, bảo vệ môi trường
Nhìn vào những kết quả to lớn đã đạt được, lãnh đạo các địa phương cho rằng, dù trong quá trình thực hiện còn những hạn chế nhất định, nhưng chính sách thu hút đầu tư FDI của Đảng và Nhà nước trong những năm qua là đúng đắn và cần thiết. Các dự án FDI đã góp phần bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển; đóng góp vào tăng trưởng GDP và thu ngân sách nhà nước; gia tăng tỷ trọng xuất khẩu; tăng năng suất lao động và đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế của địa phương, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Về định hướng thu hút FDI trong những năm tới, lãnh đạo các địa phương cho rằng, cần xác định khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần có chính sách thu hút đầu tư chọn lọc, hạn chế đến mức thấp nhất những mặt trái của đầu tư FDI thời gian qua.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, từ năm 2016 đến nay, Bình Dương đã chủ động thu hút đầu tư nước ngoài một cách có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí lựa chọn chủ yếu. Tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới, tiếp tục phát triển các thị trường truyền thống. Ưu tiên các dự án sử dụng công nghệ cao, sạch, quản trị hiện đại, ít sử dụng lao động, thân thiện với môi trường, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được quy hoạch.
Hải Phòng sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như: cảng biển, logistic, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo - Ảnh minh họa |
Với Hải Phòng, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Tùng cho biết, thời gian tới, Thành phố sẽ tiếp tục thu hút đầu tư có định hướng và có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu.
Theo đó, Thành phố sẽ tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực có nhiều tiềm năng, lợi thế như: cảng biển, logistic, phát triển công nghiệp chế biến chế tạo; khai thác thế mạnh du lịch biển, đa dạng hóa các hình thức du lịch, phát triển du lịch sinh thái-nghỉ dưỡng-văn hóa...; bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh thu hút các lĩnh vực quan trọng như: công nghệ cao; công nghiệp hỗ trợ; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; phát triển cơ sở hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực; chế biến nông sản, phát triển các vùng khó khăn, nông nghiệp chất lượng cao; sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên, tiết kiệm năng lượng; các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; các ngành có tỷ trọng xuất khẩu lớn; các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, bảo đảm môi trường và an ninh quốc gia...
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết, mục tiêu của tỉnh là trong giai đoạn 2021-2025 thu hút được số vốn đăng ký khoảng 5-6 tỷ USD, giai đoạn 2026-2030 khoảng 6-7 tỷ USD. Trong đó, số vốn thực hiện giai đoạn 2021-2025 khoảng 3-4 tỷ USD và giai đoạn 2026-2030 khoảng 4-5 tỷ USD.
Đồng Nai hướng đến thu hút được tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, bảo vệ môi trường, sử dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh tăng 80% vào năm 2025 (so với năm 2018); tỷ lệ nội địa hóa trên địa bàn tỉnh chiếm trên 30% vào năm 2025.
Để đạt được mục tiêu này, ông Cao Tiến Dũng cho biết, tỉnh sẽ tập trung vào nhiệm vụ cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện tốt nhất cho môi trường đầu tư được thuận lợi, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ đầu tư cho cơ sở hạ tầng với việc đẩy mạnh đầu tư các công trình trọng điểm Trung ương trên địa bàn như Cao tốc Bến Lức-Long Thành-Dầu Giây, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành… tạo điều kiện để phát triển kinh tế địa phương, tăng cường thu hút các dự án FDI thuộc lĩnh vực thương mại-dịch vụ-Logistic.
Từ năm 1988 đến tháng 3 năm 2020, nước ta có 31.665 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký 370,1 tỷ USD, vốn thực hiện 215,6 tỷ USD, bằng 58,3% vốn đăng ký. 63 tỉnh, thành phố đã thu hút được FDI, trong đó các tỉnh dẫn đầu gồm TP.HCM với 47,5 tỷ USD chiếm 12,8%, Hà Nội 34,64 tỷ USD chiếm 9,4%, Bình Dương 34,61 tỷ USD chiếm 9,3% vốn đăng ký.