Bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên: Cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi quốc gia

Tài nguyên - Ngày đăng : 14:04, 29/08/2020

(TN&MT) - Liên đoàn Vật lý Địa chất (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) đang thực hiện dự án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018-2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc”. Dự án nhằm điều tra đánh giá hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên lãnh thổ Việt Nam phục vụ phát triển bền vững kinh tế xã hội, bảo vệ môi trường, giữ vững nền độc lập chủ quyền quốc gia.

Dự án xác định các vị trí môi trường phóng xạ cao

Mục tiêu cụ thể của dự án là: Xác định được hiện trạng môi trường phóng xạ tự nhiên 15 tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc: Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai châu, Điện Biên, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, chú trọng các khu đô thị, dân cư lớn nhằm phục vụ công tác quản lý nhà nước và định hướng cho việc phát triển bền vững kinh tế, xã hội; xác định các vị trí môi trường phóng xạ cao, có nguy cơ gây hại cho con người.

Nhấn mạnh về tính cấp thiết của dự án, ông Lại Mạnh Giàu – Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất cho biết: Sự vận động, phát tán tự nhiên của các nguyên tố phóng xạ và các hoạt động của con người làm thay đổi môi trường phóng xạ tự nhiên và đặc biệt là sự phát tán này chủ yếu theo gió và nguồn nước tự nhiên nên không bị giới hạn bởi ranh giới lãnh thổ. Để phát hiện và đánh giá các biến động này thường phải thực hiện hai công việc: quan trắc chuyên ngành phóng xạ liên tục và xây dựng các bản đồ phóng xạ tự nhiên.

Đoàn công tác của Liên đoàn Vật lý Địa chất tiến hành kiểm tra công tác thi công thực địa dự án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018-2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc”

Ngày 10/6/2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 899/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong khí tượng, thuỷ văn, địa chất, khoáng sản và bảo vệ môi trường đến năm 2020, trong đó đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2015: Hoàn thành bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho các khu đô thị và dân cư lớn”; “Đến năm 2020: hoàn thành bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:200.000 cho toàn bộ lãnh thổ Việt Nam”.

Triển khai quy hoạch đã được phê duyết tại Quyết định trên, ngày 2/8/2012, Bộ TN&MT đã phê duyệt Danh mục dự án chuyên môn mở mới năm 2013 và ban hành Quyết định số 1232/QĐ-BTNMT về việc giao Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lập đề án “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam - Giai đoạn I (2011 - 2015): Cho một số khu vực trọng điểm”.

Ngày 9/10/2012, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản đã ký Quyết định số 1175QĐ-ĐCKS giao cho Liên đoàn Vật lý Địa chất xây dựng Dự án “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam - Giai đoạn I (2011 - 2015): Cho một số khu vực trọng điểm”. Thực hiện quyết định trên, từ năm 2012 - 2018 Liên đoàn Vật lý Địa chất đã tiến hành lập và thực hiện dự án “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000” cho hai thành phố Hà Nội, Hải Phòng và hai tỉnh Quảng Ninh và Ninh Thuận.

Bản đồ phóng xạ tự nhiên – bộ tài liệu điều tra cơ bản về môi trường

Các kết quả thực hiện ban đầu dự án “Xây dựng bộ bản đồ phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 cho toàn lãnh thổ Việt Nam - Giai đoạn I (2012 - 2015): Cho một số khu vực trọng điểm” đã ghi nhận sự cần thiết của bộ bản đồ này.

Bên cạnh đó, thực hiện chủ trương của Bộ TN&MT, ngày 21/3/2018, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã ra Quyết định số 277/QĐ-ĐCKS về việc giao cho Liên đoàn Vật lý Địa chất nhiệm vụ lập dự án “Xây dựng bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 giai đoạn II (2018-2022) cho các tỉnh biên giới và ven biển phía Bắc”.

Theo ông Lại Mạnh Giàu, bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên tỷ lệ 1:250.000 lãnh thổ Việt Nam được thành lập sẽ là tài liệu điều tra cơ bản về môi trường, giúp cho các nhà quản lý, bảo vệ môi trường có cái nhìn tổng quát về môi trường phóng xạ ở Việt Nam. Từ đó hoạch định được đường lối chiến lược đúng đắn trong bảo vệ môi trường; duy trì sự ổn định những vùng có mức ô nhiễm thấp, có biện pháp hạn chế và giảm thiểu mức ô nhiễm ở những vùng có nguy cơ cao.

“Bộ bản đồ này cũng là cơ sở khoa học để các nhà quản lý xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội bền vững. Đây cũng là những tài liệu quan trọng giúp cho các nhà quản lý bảo vệ môi trường theo dõi, giám sát mức ô nhiễm môi trường phóng xạ tự nhiên theo thời gian”, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Vật lý Địa chất cho biết.

“Bộ bản đồ môi trường phóng xạ tự nhiên Việt Nam khi xây dựng sẽ được Quốc tế hóa nhằm làm cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi quốc gia khi xảy ra các tác động làm ô nhiễm môi trường từ bên ngoài lãnh thổ như: các sự cố hạt nhân, các hoạt động quân sự, các hoạt động kinh tế xã hội liên quan đến phóng xạ phát tán theo môi trường đất, nước, không khí”, ông Lại Mạnh Giàu nhấn mạnh.

Mai Đan