Tuyên Quang: Thăm dò khoáng sản quặng chì-kẽm làm rõ cấu trúc địa chất

Khoáng sản - Ngày đăng : 22:12, 28/08/2020

(TN&MT) - Hội đồng thẩm định các đề án thăm dò khoáng sản Bộ TN&MT đang thẩm định đề án “Thăm dò khoáng sản quặng chì-kẽm khu vực Sơn Đô, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang" của Công ty Cổ phần Lương Gia. Đây là đề án được các chuyên gia địa chất đánh giá cao, đặc biệt về mục tiêu đề án đề ra.

Thăm dò khoáng sản quặng chì-kẽm làm rõ cấu trúc địa chất khu thăm dò tại Tuyên Quang. Ảnh minh họa

Đề án được thành lập với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Công ty Cổ phần Khảo sát Địa chất và Môi trường, Công ty Cổ phần Lương Gia và sự giúp đỡ, góp ý của Vụ Địa chất thuộc Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Mục tiêu của đề án là thăm dò đánh giá chất lượng, trữ lượng quặng chì-kẽm cấp 122 dự kiến đạt được 6.280 tấn chì-kẽm kim loại; nghiên cứu làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đặc điểm, hình thái, quy mô các thân quặng chì-kẽm, trữ lượng và tính chất công nghệ của quặng; nghiên cứu đặc điểm địa chất thủy văn – địa chất công trình (ĐCTV-ĐCCT) và cơ sở địa hình phù hợp nhằm đáp ứng yêu cầu thiết kế khai thác mỏ.

Trước khi được thẩm định vào ngày 20/8, đề án đã được chỉnh sửa, bổ sung theo ý kiến góp ý của một số đơn vị thuộc Bộ TN&MT. Đánh giá về đề án trên, ông Nguyễn Văn Nguyên – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cho biết: Tài liệu địa chất khoáng sản khu vực dự kiến thăm dò cho thấy có tiềm năng công nghiệp, đã xác định trong khu vực tồn tại 3 thân quặng và đã dự tính tài nguyên ở cấp 333 và đã được đấu giá quyền khai thác, do vậy có cơ sở về tài liệu để sử dụng thiết kế thăm dò. Tuy nhiên, tài liệu địa chất chỉ ở mức độ điều tra nên còn hạn chế về nghiên cứu đặc điểm, cấu trúc địa chất. Vì vậy, công tác thăm dò cần triển khai các phương pháp theo nguyên tắc tuần tự để khoanh định chính xác cấu trúc địa chất nhằm định hướng, điều chỉnh kịp thời trong quá trình thi công.

Theo nhận định của Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, đề án đã thu thập, tổng hợp được các tài liệu đo vẽ bản đồ địa chất, điều tra khoáng sản chuyên đề trong vùng để lựa chọn diện tích thăm dò, đối tượng thăm dò; đã phân chia nhóm mỏ thăm dò, mạng lưới thăm dò, phương pháp và khối lượng công trình thăm dò cơ bản là hợp lý; chỉ tiêu và phương pháp tính trữ lượng đã được tập thể tác giả dự kiến tính toán sau khi có kết quả thăm dò, sau khi rà soát lại có thể đạt được mục tiêu đề án đề ra.

Theo ý kiến góp ý của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ TN&MT), đề án được thành lập có đủ cơ sở pháp lý và cơ sở tài liệu và có bố cục đúng quy định; phương pháp thăm dò và các chỉ tiêu tính trữ lượng phù hợp các quy định hiện hành, tuy vậy còn một số vấn đề cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Cụ thể, về công tác tính trữ lượng, các chỉ tiêu tính trữ lượng phải được luận giải sau khi có kết quả thăm dò, nhất là kết quả mẫu công nghệ do đề án thực hiện. Ngoài ra, đề án có kết quả tổ chức thực hiện, trình tự và tiến độ thi công trong 30 tháng cơ bản là phù hợp. Tuy nhiên, cần phải chú ý giám sát chặt chẽ, liên tục trong quá trình thi công và có báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý để điều chỉnh khi có những thay đổi ngoài dự tính…

Trên cơ sở các ý kiến nhận xét, phản biện, Công ty Cổ phần Lương Gia và Công ty Cổ phần khảo sát địa chất và môi trường đã tiếp thu, nghiên cứu và hoàn thiện đề án trước khi trình Hội đồng thẩm định các đề án thăm dò khoáng sản Bộ TN&MT phê duyệt vào ngày 20/8 vừa qua. ThS. Đỗ Mạnh Hùng – Giám đốc Công ty Cổ phần khảo sát địa chất và môi trường, đơn vị tư vấn đề án cho biết: Đề án được trình bày theo đúng quy chế hiện hành. Các phương pháp thăm dò và khối lượng công tác thăm dò được thiết kế phù hợp với đối tượng khoáng sản bao gồm công tác lộ trình địa chất tỷ lệ 1:2.000; công tác Trắc địa, công tác ĐCTV-ĐCCT, công tác địa vật lý, thi công công trình khai đào, khoan; lấy, gia công phân tích các loại mẫu. Trong quá trình thi công đề án thăm dò cần có những điều chỉnh hợp lý về khối lượng công trình cho phù hợp với diễn biến địa chất khoáng sản thực tế, nhưng phải đảm bảo mật độ mạng lưới thăm dò tính trữ lượng chì-kẽm cấp 122 theo quy định.

“Kết quả của công tác thăm dò sẽ làm rõ cấu trúc địa chất khu thăm dò, yếu tố khống chế quặng, chính xác hóa cấu trúc thân quặng về hình dạng, kích thước, chiều dày, hàm lượng để đánh giá chất lượng và trữ lượng chì-kẽm, nghiên cứu tính chất công nghệ, khả năng thu hồi và làm giàu quặng làm cơ sở thiết kế khai thác mỏ”, ThS. Đỗ Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Đề án được thành lập trên cơ sở tài liệu Báo cáo “Đánh giá triển vọng quặng chì-kẽm, barit vùng Sơn Đô, Núi Dùm, Dốc Chò, Phú Thịnh, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang” năm 2004 do Nguyễn Trọng Tuyết chủ biên; Báo cáo “Đánh giá quặng chì-kẽm vùng Đồng Quán-Bình Ca-Tuyên Quang” năm 2002 do Nguyễn Trọng Tuyết chủ biên và Báo cáo “Xác định tài nguyên khoáng sản quặng chì-kẽm khu vực Lũng Mơ – Đồng Chang, xã Tân Tiến và khu vực Sơn Đô, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang” năm 2019 do Trần Văn Quý chủ biên.

Mai Đan