Ninh Bình: Người dân nuôi ngao lao đao vì dịch Covid-19

Kinh tế - Ngày đăng : 18:40, 28/08/2020

(TN&MT) - Hàng chục nghìn tấn ngao đã đến thời điểm xuất bán thế nhưng không có người mua, hoặc chỉ thu mua nhỏ lẻ lác đác, cầm chừng đã khiến hàng trăm hộ nuôi dân nuôi ngao ở huyện ven biển Kim Sơn (Ninh Bình) đứng ngồi không yên.

Ngao nhiều năm trở lại đây được xem như là sản phẩm “chủ lực” mang lại kinh tế cao cho hàng trăm hộ thuộc các xã ven biển Kim Sơn. Tuy nhiên, năm nay, mà đặc biệt là gần 2 tháng trở lại đây, giá ngao bị rớt giá xuống đáy so với các năm nhưng vẫn không có mấy thương lái đến thu mua.

Người dân nuôi ngao trên vùng biển Kim Sơn lúc này, sự lo lắng, thấp thỏm luôn hiện hữu trên khuôn mặt. Bà con nuôi ngao cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến giá ngao giảm liên tục, đặc biệt sau đợt dịch tái phát, giá ngao gần như đã chạm đáy nhưng thương lái cũng không mấy mặn mà.

Hàng chục nghìn tấn ngao đến tuổi thu hoạch nhưng vẫn phải nằm chờ dưới mặt nước

Ông Phạm Văn Nghị ở xã Kim Đông, huyện Kim Sơn cho biết: Hiện gia đình ông đang có khoảng 60 ha ngao đến thời kì thu hoạch. Hơn 1 tháng nay, ngày nào ông cũng mời chào khắp nơi tìm người mua ngao, nhưng hiện ông vẫn chưa bán được một kg nào, hơn 1.000 tấn ngao quá lứa nằm bất động dưới cát khiến gia đình ông lo lắng, bất an.

Tôi đã liên hệ với nhiều chỗ để bán mà không thấy người ta đến, suốt ruột tôi cầm mẫu ngao đến cho họ xem và họ trả giá 12.000/kg, dù giá thấp nhưng tôi vẫn chấp nhận bán để lấy tiền trang trải chi phí đầu tư. Thỏa thuận giá cả xong xuôi nhưng mãi không thấy thương lái đến bắt, gọi cho các nơi khác thì cũng đều trong tình trạng tương tự, ông Nghị cho biết thêm.

Ngao không thể xuất bán dù giá đã chạm đáy khiến người dân nuôi ngao đứng ngồi không yên

Ông Lê Văn Tiến ở xã Kim Mỹ, huyện Kim Sơn cũng đang có hơn 600 tấn ngao quá lứa nhưng chưa có ai mua không giấu nổi lo lắng: Ngao đến thời kỳ xuất bán mà không bán được, dù có để nuôi thêm thì sản lượng cũng không tăng, trong khi đó tiền lãi hàng tháng vẫn phải đóng, tình trạng này mà cứ kéo dài thì năm nay coi như là thất thu, thậm chí nhiều người còn lỗ. Hiện tại những người nuôi ngao như gia đình tôi đã cạn kiệt vốn và khó có thể tiếp tục sản xuất.

Một số cơ sở phân loại ngao trên địa bàn huyện Kim Sơn đã giảm 80% công suất so với cùng kỳ các năm trước do dịch Covid-19

Nhiều hộ gia đình nuôi ngao tại đây ngậm ngùi chia sẻ: Chúng tôi giờ không biết làm gì ngoài chờ đợi, mà càng chờ thì càng thấy ngao rớt giá. Chỉ mong có thương lái đến thu mua để chúng tôi thu hồi được vốn, nếu không bà con lỗ vốn vì không còn thị trường nhộn nhịp như các năm trước. Chúng tôi nuôi ngao mấy chục năm nay, chưa bao giờ rơi vào hoàn cảnh như thế này. Bao nhiêu chi phí đầu tư, thu nhập chính trong gia đình chủ yếu là vào thu hoạch ngao, ấy vậy mà năm nay chúng tôi lại phải quay cuồng tìm đầu ra cho ngao thương phẩm.

Hiện loại ngao kích cỡ dưới 70 con/kg thì còn túc tắc bán được, mọi năm loại ngao này có giá khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng giờ họ chỉ thu mua với giá 14.000 đồng/kg nhưng sức mua cũng rất chậm, mỗi ngày cả huyện cũng chỉ bán được 5 - 10 tấn. Như vậy phải gần 1 năm nữa mới thu hoạch hết được, mà hầu như ngao ở đây đều đã quá tuổi thu hoạch. Nếu có nuôi thêm thì sản lượng cũng không tăng, thậm chí còn giảm đi, trong khi đó mùa bão đã cận kề, ông Tiến cho biết thêm.

Ngao rớt giá và không có đầu ra, cùng với mùa mưa bão đã cận kề khiến các hộ nuôi ngao không khỏi lo lắng cho cuộc sống và tài sản của mình

Ông Trần Văn Hiệp, chủ một cơ sở phân loại ngao trên địa bàn huyện Kim Sơn chia sẻ: Do tình hìnhdịch Covid-19 nên cơ sở của ông chỉ hoạt động ở mức cầm chừng, công suất giảm hơn 80% so với trước. Hiện tại mỗi ngày cơ sở của tôi chỉ sàng, phân loại cho bà con được dưới 20 tấn ngao/ngày, so với trước kia là trên 100 tấn/ngày, cá biệt có ngày lên tới 150 tấn. Như trước chỉ cần loại 90 con/kg là thương lái đã thu mua thì hiện nay họ chỉ mua loại 70 con/kg nhưng giá rất thấp và số lượng rất nhỏ.

Những năm trước, các thương lái thu gom hàng cho ngao xuất ngoại, thế nhưng do dịch bệnh Covid-19 nên năm nay ngao chưa thể xuất khẩu mà chỉ có thể tiêu thụ trong nước, sức tiêu thụ của nội địa cũng khá nhỏ giọt là nguyên nhân khiến người dân nơi đây lao đao.

Anh Tú