Thủ tướng yêu cầu kiểm tra thông tin các dự án đất bỏ hoang tại Hà Nội

Bất động sản - Ngày đăng : 15:51, 28/08/2020

(TN&MT) - Thủ tướng Chính phủ vừa yêu cầu kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" gây lãng phí tài nguyên đất.

Theo đó, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án "treo", "bỏ hoang" ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.

Trước đó, trong báo cáo tổng hợp của UBND TP Hà Nội gửi các cử tri về tình trạng các dự án bất động sản bị bỏ hoang cho thấy, có 383 dự án đang chậm tiến độ.

Đơn cử, tại huyện Quốc Oai có dự án khu đô thị Sudico Tiến Xuân chậm triển khai hơn 10 năm. Tại quận Tây Hồ, dự án khu đô thị mới Nam Thăng Long kéo dài tới hơn 20 năm vẫn chưa xây dựng xong. Quận Hai Bà Trưng, dự án của công ty CP Tu Tạo và phát triển nhà chậm tiến độ 17 năm. Quận Hoàng Mai, dự án khu đô thị Thịnh Liệt có tổng diện tích 35 ha chậm tiến độ 10 năm. Quận Cầu Giấy, có dự án B9, C3 khu đô thị Nam Trung Yên chậm triển khai nhiều năm gây lãng phí tài nguyên đất.

1 lô "đất vàng" thuộc Khu đô thị Nam Trung Yên (Hà Nội) bỏ hoang nhiều năm đang được TP Hà Nội kiến nghị thu hồi.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, quá trình thanh tra, kiểm tra cho thấy một số nguyên nhân dẫn đến dự án chậm triển khai. Cụ thể, một số lĩnh vực, cơ chế chính sách của Nhà nước liên quan lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng còn chồng chéo, không thống nhất; văn bản hướng dẫn ban hành chậm, nhiều thay đổi, nội dung khó triển khai trong điều kiện thực tiễn dẫn đến tình trạng các thủ tục về đầu tư xây dựng thường kéo dài.

Do thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, thực hiện quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, phải tạm dừng triển khai các dự án đang triển khai để khớp nối, có phương án xử lý cho phù hợp.

Thành phố phải tổ chức lập quy hoạch phân khu, quy hoạch khu đô thị vệ tinh làm cơ sở cho việc điều chỉnh quy hoạch dẫn đến các dự án phải điều chỉnh, chậm tiến độ. Thị trường bất động sản trầm lắng, đóng băng, nguồn vốn đầu tư giảm; một số dự án xảy ra tranh chấp, khiếu nại, tố cáo hoặc huy động vốn trái phép, do đó phải chờ cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, giải quyết dẫn đến dự án chậm triển khai hoặc kéo dài thời gian thực hiện.

Một số dự án tuy không bị ảnh hưởng bởi Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô nhưng để phù hợp với nhu cầu thị trường, chủ đầu tư dự án vẫn đề nghị điều chỉnh quy hoạch dự án làm cho kéo dài thời gian triển khai. Một số trường hợp cố ý chây ỳ, không làm thủ tục, chậm giải phóng mặt bằng đưa đất vào sử dụng để chưa phải nộp nghĩa vụ tài chính.

Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã có kiến nghị thu hồi đất, bãi bỏ quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc chấm dứt dự án đầu tư đối với 28 dự án với tổng diện tích 1.844,3 ha đất; kiến nghị gia hạn sử dụng đất 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp tiền cho nhà nước khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với thời gian gia hạn.

Hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất đối với 25 dự án, tổng diện tích 39ha đất chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng.

 

Thùy Linh