Bảo đảm an toàn cho tàu cá vươn khơi mùa mưa bão

Biển đảo - Ngày đăng : 10:54, 28/08/2020

(TN&MT) - Mùa mưa bão đến, đồng nghĩa với phải bảo đảm an toàn các trang thiết bị hàng hải, máy móc, con người cho hàng ngàn tàu đánh cá xa bờ. Vậy các chủ tàu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã làm những gì để những tàu cá vẫn vươn khơi bám biển trong những tháng mưa nguồn, bão biển?

  Chủ tàu tự đầu tư, máy hư được thay mới

Với số lượng lên tới với hàng ngàn tàu cá, Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những tỉnh có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ nhiều nhất cả nước năm nay. Việc trang bị cho tàu cá vươn khơi an toàn là một bài toán không dễ, khi mà trang bị vật tư trên các phương tiện tàu thuyền ngày càng xuống cấp. Trong khi đó, vốn của chủ tàu có hạn, còn cơ quan chức năng chỉ hỗ trợ phần “hướng dẫn kiểm tra độ an toàn” trước khi tàu rời bến.

Hàng trăm tàu cá cảng Bến Đình (Vũng Tàu) sẵn sàng vươn khơi bám biển đúng ngày Quốc khánh

Để đánh giá tàu thuyền có đủ “tiêu chuẩn” vươn khơi bám biển mùa mưa bão hay không, chúng tôi đã về huyện Đất Đỏ - một trong những huyện có hơn 80% người dân làm nghề đánh cá xa bờ. Ông Trần Văn Dũng, Phó Phòng Nông nghiệp huyện Đất đỏ cho biết: Toàn huyện có hơn 700 tàu cá, trong đó, có 50% tàu cá hoạt động xa bờ với công suất từ 90CV trở lên.

Để bảo đảm an toàn cho tàu cá và ngư dân hoạt động trên biển trong mùa mưa bão, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã phối hợp cùng các đơn vị như Ban quản lý Cảng cá, biên phòng… tích cực thông tin, tuyên truyền tới ngư dân và các chủ tàu về điều kiện bảo đảm an toàn cho tàu thuyền ra khơi mùa mưa bão, nhất là các tàu cá có công suất lớn nhưng máy móc hiện có chưa đáp ứng được cường độ khai thác và hoạt động dài ngày trên biển.

Ông Thân Doanh Hoàng, chủ tàu cá  250CV cho biết, tàu cá của ông có 8 thuyền viên tại địa phương. Là “lão kình ngư” có thâm niên hơn 30 năm “ăn sóng nói gió” ngoài các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, ông hiểu rõ sau khi tàu rời bến ra khơi, mọi hiểm nguy, gian khổ ập đến bất cứ lúc nào, thậm chí có thể bỏ mạng giữa biển khơi. Nhưng vì mưu sinh, tàu không thể để tàu “đắp chiếu” tại bến.

“Trước đây, khi điều kiện phương tiện kỹ thuật thông tin liên lạc chưa hiện đại, gặp sóng to gió lớn mưa bão thì khó mà liên lạc với đất liền. Một mặt do nhiễu sóng, nhưng cơ bản là máy móc không bảo đảm. Có những chuyến biển “trắng tay”, tức là quay về đất liền vì phương tiện không bảo đảm cho liên lạc. Ở lại đánh bắt thì gặp nguy hiểm, quay về thì lỗ xăng dầu, rồi tiền công nhân. Từ ngày được cập nhật các qui định bảo đảm an toàn cho tàu cá ra khơi, tôi đã trang bị thiết bị liên lạc hiện đại bảo đảm thông tin về đất liền trong mọi điều kiện sóng gió. Thiết bị giám sát hành trình giúp xác định vị trí tàu nên chúng tôi có thể nhận cảnh báo về các nguy cơ rủi ro và phòng tránh” -  ông Hoàng chia sẻ.

Thượng tá Lê Viết Hào, Phó Chính ủy Lữ đoàn 171 Hải quân trao tờ rơi tuyên truyền “Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cùng ngư dân vươn khơi bám biển”

Tương tự, chủ tàu công suất 300CV Nguyễn Thanh Hòa (Thị trấn Long Hải, huyện Long Điền) lại có kiểu đầu tư “chắc ăn” khác. Để bảo đảm cho con tàu sắt vươn khơi bám biển liên tục tròng mùa mưa bão, ông Hòa không tiếc đầu tư gần nửa tỷ đồng mua sắm các thiết bị hiện đại bảo đảm an toàn cho tàu như: phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc, đèn, còi, trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy, chống va đập, chống chìm.

Ông Hòa cho biết, mỗi chuyến tàu của ông ra khơi thường kéo dài từ 15 - 20 ngày với khoảng 12 thuyền viên. Trung bình mỗi lần ra khơi khai thác được khoảng 10 tấn cá, sau khi trừ các chi phí ông thu về 50 triệu đồng. “Ra biển mọi chuyện xấu nhất có thể xảy ra, nhất là lỡ tàu “lọt” vào vùng xoáy bão tố. Tốt nhất để bảo đảm an toàn cho mình, cho tàu và các ngư dân, tôi đầu tư máy móc hiện đại. Con người là quan trọng nhất. Tàu có bảo đảm an toàn, mình mới tuyển được lao động. Các gia đình thấy tàu được trang bị an toàn, họ mới cho con em mình “đầu quân” vào tàu và đi biển. Tất cả các máy móc hư, quá tuổi thọ đều được sửa chữa hoặc thay mới. Trước khi tàu rời bến, mọi thiết bị máy móc phải hoạt động tốt, bảo đảm tuyệt đối an toàn”, ông Hòa chia sẻ.

Muốn ra khơi phải bảo đảm an toàn

Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tàu ra khơi đánh bắt hải sản trong mùa mưa bão, UBND tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đã có nhiều biện pháp hỗ trợ về thông tin liên lạc, văn bản hướng dẫn, giấy tờ hợp lệ ra khơi. Các đơn vị bộ đội biên phòng, kiểm ngư, hải quân, cảnh sát biển có kế hoạch bảo vệ và đồng hành cùng các tàu cá đánh bắt xa bờ trên các vùng biển, đảo của Việt Nam.

Ông Nguyễn Bi, Trưởng Phòng Quản lý khai thác và phát triển nguồn lợi thủy hải sản, Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh BR-VT) cho biết, theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn, vào những tháng cuối năm, thời tiết diễn biến khá phức tạp, đặc biệt sẽ xuất hiện nhiều cơn bão lớn. Do đó, Chi cục đã phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và chủ động triển khai các phương án bảo đảm an toàn cho người và tàu cá hoạt động trên biển, kêu gọi tàu, thuyền, ngư dân tránh trú bão an toàn khi có tình huống thiên tai xảy ra. 

Ngư dân Cảng cá Bến Đầm (Côn Đảo) lắng nghe tuyên truyền về đấu tranh và vòng tránh khi gặp tàu lạ xua đuổi trên biển

Chi cục cũng quyết liệt bắt buộc các chủ phương tiện phải lắp thiết bị như radio, bộ đàm, áo phao, phao cứu nạn… trên tàu. Trường hợp có bão to, thiết bị radio sẽ thông báo 30 phút/lần, bão xa 1 giờ/lần để ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai. “Tất cả các tàu trước khi đi đánh bắt xa bờ phải được lắp đặt các thiết bị giám sát hành trình, đây là biện pháp an toàn bắt buộc. Tính đến tháng 7/2020, trong tổng 2.901 tàu cá đã lắp đặt được 2.384 thiết bị, ông Bi thông tin. 

Chi cục thủy sản thường xuyên phối hợp với các đồn biên phòng, Trạm Kiểm ngư số 2, ban quản lý các cảng cá thực hiện kiểm tra, kiểm soát tất cả các tàu cá trước khi ra khơi phải bật, mở các thiết bị, phương tiện liên lạc. Tàu cá nào không tuân thủ theo quy định sẽ không được phép ra khơi.

Đối với thiết bị giám sát hành trình, bắt buộc các tàu phải bật 24/24 và xử phạt nghiêm những trường hợp tàu cá không chấp hành quy định. “Các đơn vị cũng thường xuyên trao đổi thông tin trong các trường hợp có bão, áp thấp nhiệt đới nhằm nắm được số lượng và vùng hoạt động của tàu cá, tổ chức thông báo các địa điểm neo đậu, tránh trú bão an toàn cho các tàu, thuyền khai thác thủy sản giúp ngư dân chủ động phòng tránh thiên tai trên biển”, ông Nguyễn Bi cho biết thêm.

Ra khơi ngày Quốc khánh

Ngày 2/9 này, hàng trăm tàu cá của nhiều làng chài Phước Hải, Phước Tỉnh, Bến Đình sẽ đồng loạt ra khơi đánh bắt xa bờ. Đây là chuyến đi biển đặc biệt trong niềm vui đúng ngày Tết độc lập của dân tộc.

Lãnh đạo Vùng 2 Hải quân, Biên phòng tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân trước khi đi biển

 

Hỏi tại sao lại ra biển đúng ngày Quốc khánh? ông chủ tàu cá 300CV Nguyễn Thanh Hòa chia sẻ: “Theo phong tục của bà con chúng tôi, đi biển ngày Quốc khánh có nhiều cái “hên”. Thứ nhất tất cả ngư phủ đến tài công đều vui vẻ phấn khởi, thứ hai đây là ngày đẹp đầu tháng trong một năm. Chuyến đi biển này kéo dài trong một tháng, sau đó về nghỉ và đi chuyến cuối trong năm là đón Tết Dương lịch”.

Cùng niềm vui ra khơi đánh bắt hải sản ngày Quốc khánh tới đây, tàu cá BR- 0936 TS của ông Trần Văn E ở cảng cá Cát Lở (Phường 11 Vũng Tàu) đem theo 200 cây đá bào, 300 lít nước ngọt và đồ ăn khô. Đồng hành đi biển lần này có 9 ngư dân trẻ tuổi. Ông E chia sẻ, đời ông nội, đời ba của ông đều đi biển nên ông theo nghề truyền thống gia đình để lại. “Nghề đi biển cực nhọc lắm, có khi bỏ mạng giữa biển khơi, nhưng không đi lấy gì tồn tại. Trước khi đi, tàu chúng được bộ đội biên phòng, kiểm ngư phát cờ Tổ quốc và tuyên tuyền về tình hình an ninh trên biển Hoàng Sa trong thời gần đây. Các phương tiện bảo đảm an toàn như máy thông tin thu phát tín hiệu xa bờ, định vị hành trình đều được sắm mới. Chuyến đi biển này nhất định thắng lợi, cá sẽ đầy khoang tàu”, ông E phấn khởi nói.

 Toàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có 5 khu neo đậu cho tàu thuyền tránh bão là Cửa Lấp (huyện Long Điền, Sông Dinh thành phố Vũng Tàu), cảng cá Lộc An (huyện Đất Đỏ), Bến lội Bình Châu (huyện Xuyên Mộc) và Côn Đảo với 5.823 tàu cá có tổng công suất hoạt động gần 1,5 triệu CV. Trong số này, có 2.900 tàu cá đánh bắt xa bờ theo quy định của Luật Thủy sản. Chính vì vậy, việc bảo đảm an toàn cho ngư dân và tàu cá ra khơi khai thác thủy sản trong mùa mưa bão rất cần được quan tâm đặc biệt.

 

Lê Khanh