Doanh nghiệp FDI: Xuất lộ những "mảng tối" về môi trường
Môi trường - Ngày đăng : 17:45, 27/08/2020
Một số doanh nghiệp FDI đã gây ô nhiễm môi trường nước - Ảnh minh họa |
Chiếm khoảng 25% trong tổng đầu tư xã hội, có tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 17% năm 1995 lên 71,7% năm 2018, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang khẳng định được tầm quan trọng của mình trong nền kinh tế Việt Nam.
Báo cáo kết quả thanh tra môi trường của các địa phương cho thấy, các doanh nghiệp FDI đều hiểu và cơ bản thực hiện các quy định về quản lý nước thải, khí thải và chất thải rắn. Tuy nhiên, còn một số doanh nghiệp vô tình, thậm chí cố tình vi phạm các quy định, gây nên những hậu quả nặng nề cho hệ sinh thái và làm giảm tính bền vững của tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Vi phạm ngày càng tăng
Theo kết quả thanh tra của Tổng cục Môi trường tại 28 tỉnh phía Bắc trong các năm 2017, 2018 và 2019 thì tỷ lệ doanh nghiệp FDI vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường tăng lên trong các năm. Cụ thể, năm 2017 có 12/27 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 44,5%; năm 2018 có 14/25 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 56% và năm 2019 là 13/19 doanh nghiệp vi phạm, chiếm tỷ lệ 68%.
Các lỗi vi phạm thường tập trung vào một số hành vi cụ thể như: Không lập lại báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo quy định; thực hiện không đúng một trong các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường; không có Giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành của dự án; hoặc thực hiện không đúng một trong các nội dung trong đề án bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.
Bên cạnh đó, cũng có doanh nghiệp để xảy ra các vi phạm về quản lý chất thải như: thực hiện giám sát chất thải định kỳ không đúng, không đầy đủ theo quy định; kê khai không đầy đủ chất thải nguy hại đã chuyển giao trong chứng từ chất thải nguy hại; tự xử lý chất thải nguy hại khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận... Nhiều trường hợp, doanh nghiệp lại vi phạm quy định về quản lý nước thải như: xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật; lắp đặt đường ống để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường.
TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Viện Khoa học Môi trường (Tổng cục Môi trường) cho biết, một thực tế đáng lo ngại hiện nay là để giảm chi phí, tăng lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp tuy có hệ thống xử lý chất thải, nhưng luôn cố tình vi phạm, dùng thủ đoạn tinh vi, lén lút xả thải ra môi trường. Họ xây dựng hệ thống xả thải bí mật, phức tạp, được ngụy trang bằng hệ thống đạt tiêu chuẩn nên rất khó phát hiện, như vụ Công ty Vedan Việt Nam, Công ty trách nhiệm hữu hạn Miwon,.... Ngoài ra, nhiều công ty hay tập đoàn đang coi trách nhiệm xã hội với môi trường và lao động là một “gánh nặng” hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing, tạo hình ảnh làm sao để có lợi cho doanh nghiệp nhất.
Nhiều công ty hay tập đoàn đang coi trách nhiệm xã hội với môi trường và lao động là một “gánh nặng” hoặc chỉ là cách thức hoạt động maketing
Hoàn thiện khuôn khổ pháp luật
Theo các chuyên gia môi trường, nguyên nhân dẫn đến số lượng các vụ việc vi phạm quy định về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp FDI ngày càng tăng một phần đến từ kẽ hở của hệ thống pháp luật. Điển hình là còn sự thiếu thống nhất trong quy định của Luật Môi trường và Luật Đầu tư, Luật Bảo vệ môi trường và Luật Xây dựng, giữa Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước... Bên cạnh đó, là các nguyên nhân khác như hệ thống thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp; hay sự thu hút đầu tư các ngành nghề phù hợp với phân khu chức năng của khu công nghiệp, cụm công nghiệp chưa được chú trọng...
Bịt các kẽ hở của hệ thống pháp luật là một trong những giải pháp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp FDI - Ảnh minh họa |
Để có giải pháp giảm thiểu nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp FDI, TS. Nguyễn Thị Phương Mai cho rằng, trước hết Việt Nam cần sớm hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là hoàn thiện Luật bảo vệ môi trường; rà soát, sửa đổi các nội dung chưa phù hợp giữa Luật Bảo vệ môi trường và các Luật chuyên ngành khác nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn.
Đồng thời, ban hành quy định về phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và giám sát môi trường, quy định giới hạn lượng phát thải; doanh nghiệp phải công bố công khai thông tin về môi trường và giải pháp xử lý lượng phát thải. Đặc biệt là phải đẩy mạnh việc hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra doanh nghiệp trong việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách thu hút đầu tư vào lĩnh vực xử lý khí thải, nước thải, chất thải rắn và vệ sinh môi trường đô thị...
Hoàn thiện các quy định về chế tài xử phạt vi phạm pháp luật đủ mức răn đe trong lĩnh vực môi trường. Nghiên cứu bổ sung chế tài xử phạt theo mức xả thải thực tế thay cho mức xử phạt theo khung tối đa, tối thiểu như hiện nay.
Theo TS. Nguyễn Thị Phương Mai, Việt Nam cần hạn chế thu hút FDI vào các ngành sử dụng nhiều năng lượng, ngành gây ô nhiễm môi trường; rà soát lại danh mục các dự án chưa triển khai, không triển khai, tạm dừng hoạt động, giải thể các dự án có tác động xấu đến môi trường, các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu để có phương án chuyển giao cho các nhà đầu tư tiềm năng khác. Đồng thời, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về môi trường, hướng đến tinh gọn thủ tục hành chính giúp doanh nghiệp thuận lợi thực hiện đầy đủ, đúng các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
Từ năm 1988 đến tháng 3/2020, nước ta có 31.665 dự án FDI còn hiệu lực với vốn đăng ký 370,1 tỷ USD, vốn thực hiện 215,6 tỷ USD, bằng 58,3% vốn đăng ký. Hiện nay, 63 tỉnh, thành phố đã thu hút được FDI; 19/21 ngành kinh tế quốc dân có dự án FDI; 136 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam, trong đó Hàn Quốc 68,6 tỷ USD chiếm 18,5% vốn đăng ký, Nhật Bản 59,7 tỷ USD chiếm 16,1%, tiếp theo là Singapore, Đài Loan và Hồng Kông. Năm 2018 và 2019, Việt Nam nằm trong tốp 20 quốc gia thu hút nhiều FDI nhất thế giới.