Sơn La xử nghiêm vi phạm khai thác cát sỏi
Khoáng sản - Ngày đăng : 14:22, 27/08/2020
Duy trì thường xuyên các Đoàn Kiểm tra liên ngành
Những năm 2015 - 2016, xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La là địa phương khá “nóng” vì tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Đà. Để chấn chỉnh tình trạng này, hàng năm, huyện Mai Sơn đã thành lập Đoàn liên ngành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn huyện; ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ban ngành, các xã thị trấn tiếp tục kiểm tra, xử lý vi phạm trong khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.
Trong 2 năm 2018 - 2019, UBND tỉnh Sơn La đã cấp 2 Giấy phép khai thác cát cho 2 doanh nghiệp tại khu vực này, nhờ đó, công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực khoáng sản (cát) trên địa bàn huyện Mai Sơn đã có những chuyển biến tích cực, khắc phục tình trạng khai thác cát trái phép.
Tại huyện Mộc Châu, toàn huyện được quy hoạch 11 mỏ cát sỏi, trong đó, còn 9 mỏ cát sỏi chưa được cấp quyền thăm dò, khai thác. Thực hiện quản lý Nhà nước trong lĩnh vực khai thác khoáng sản, huyện Mộc Châu đã ban hành nhiều văn bản để chỉ đạo tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực khai thác cát sỏi; chỉ đạo các cơ quan đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật trên các phương tiện truyền thông; chỉ đạo Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật huyện trực tiếp tuyên truyền tại các bản, tiểu khu nơi thường xuyên có hoạt động khoáng sản trái phép.
Các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm khai thác cát, sỏi |
Trong quý 2/2020, đã tổ chức 12 cuộc kiểm tra tại các điểm khai thác trái phép, cát sỏi; xử lý vi phạm hành chính 3 đối tượng; tổng tiền phạt vi phạm hành chính hơn 95 triệu đồng. Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, các xã, thị trấn thành lập tổ công tác thường xuyên kiểm tra các điểm đã được quy hoạch chưa khai thác, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm, tái phạm khai thác cát sạn trái phép nhiều lần. Đặc biệt, sẽ xử lý nghiêm minh trách nhiệm cán bộ, nhất là trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã nếu để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản cát sạn trái phép trên địa bàn.
Đến nay, trên địa bàn huyện Mường La có 1 điểm được quy hoạch, cấp phép khai thác cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường tại lòng hồ sông Đà thuộc thị trấn Ít Ong và xã Chiềng San. UBND tỉnh đã cấp phép cho 1 doanh nghiệp khai thác, tuy nhiên, để phòng ngừa sự cố xói lở 2 bên bờ sông Đà nên UBND tỉnh đã yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng khai thác.
Để chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản trên địa bàn, UBND huyện Mường La đã chỉ đạo các ngành chức năng kiểm tra, rà soát các vị trí khai thác, buôn bán cát, sỏi trái phép. Qua đó, phát hiện, xử lý 27 đối tượng liên quan đến việc khai thác, buôn bán, vận chuyển cát sỏi trái phép. Trong đó, 3 đối tượng có hành vi khai thác cát trái phép; 24 đối tượng có hành vi vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp; xử phạt vi phạm hành chính gần 30 triệu đồng.
Còn tại Sông Mã, để giải quyết tình trạng khai thác cát trái phép, từ đầu năm tới nay, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn, Công an huyện và các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác cát không phép trên dòng sông Mã. Duy trì hoạt động của 2 Đoàn kiểm tra, gồm lãnh đạo UBND huyện và các cơ quan, đơn vị liên quan để tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm. Kết quả, đã xử phạt vi phạm hành chính với 9 cá nhân có hành vi khai thác cát trái phép. Chỉ đạo Công an huyện phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Sơn La kiểm tra, chốt chặn xe chở cát không có hóa đơn, chứng từ, yêu cầu quay đầu xe với 27 trường hợp mua bán, vận chuyển cát trái phép.
Đẩy nhanh tiến độ cấp phép khai thác cát
Theo Sở TN&MT Sơn La, trên địa bàn tỉnh hiện có 55 điểm mỏ được bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Trong đó, năm 2017 có 37 điểm mỏ cát, sỏi lòng sông; 16 điểm mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát, cát nghiền nằm trong quy hoạch. Năm 2019 đã bổ sung 2 điểm mỏ đá làm nguyên liệu sản xuất cát.
Toàn tỉnh có 1 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 6 Giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực. Trong quý 2/2020, toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý 128 vụ vi phạm, gồm 18 vụ khai thác khoáng sản trái phép, 110 vụ vận chuyển, buôn bán, kinh doanh cát không có nguồn gốc hợp pháp. Tổng số tiền thu phạt hơn 613 triệu đồng.
Huyện Mường La kiểm tra, phát hiện các trường hợp vận chuyển cát không có giấy tờ |
Nhìn chung, việc khai thác, vận chuyển cát trái phép vẫn còn diễn ra trên địa bàn một số huyện. Do các điểm khai thác khoáng sản trái phép hoạt động mang tính chất tự phát, nhỏ lẻ, thường diễn ra ở các vùng đồi núi hiểm trở, xa dân cư, đi lại khó khăn; các đối tượng thường khai thác lén lút, chộp giật và theo mùa vụ nên công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhận thức của người dân ở vùng sâu, vùng xa về ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên khoáng sản còn nhiều hạn chế. Công tác phát hiện, kiểm tra, xử lý chưa có cơ chế hỗ trợ kinh phí cho lực lượng làm nhiệm vụ, việc tổ chức kiểm tra, bắt giữ trên đường sông còn gặp nhiều khó khăn do không có phương tiện chuyên dụng.
Bên cạnh đó, một số công ty, doanh nghiệp đã trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản và được cấp giấy phép thăm dò, khai thác cát nhưng tiến độ triển khai thực hiện các thủ tục để được cấp phép còn chậm, dẫn đến tình trạng khan hiếm cát, tăng giá, ảnh hưởng đến việc cung cấp vật liệu xây dựng cho các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, để triển khai thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh nói chung và cát, sỏi nói riêng, Sở TN&MT Sơn La sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các chủ đầu tư đã trúng đấu giá quyền khai thác cát tại huyện Sông Mã và đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Đà thuộc huyện Mường La khẩn trương hoàn thiện các thủ tục có liên quan. Dự kiến, sẽ hoàn thành việc cấp phép khai thác cát trên sông Mã trong quý III, IV năm 2020.
Đồng thời, ngành TN&MT phối hợp chặt chẽ trong việc tham mưu cấp phép các hoạt động khoáng sản, đảm bảo tuân thủ theo quy định của pháp luật, cắt giảm tối đa thời gian thẩm định để sớm tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường, nhằm cung cấp ra thị trường, đảm bảo không để xảy ra tình trạng khan hiếm vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, góp phần bình ổn giá.
Tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các điểm khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn. Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản và người dân; nhất là trên địa bàn các huyện Sông Mã, Mai Sơn, Mường La, Bắc Yên.
Cùng với đó, yêu cầu các chủ đầu tư khi tiến hành ký hợp đồng giao thầu các dự án đầu tư xây dựng công trình có sử dụng cát, sỏi phải chứng minh bằng văn bản về nguồn gốc hợp pháp của cát, sỏi do nhà thầu cung cấp, chỉ phê duyệt, thanh toán, quyết toán với phần khối lượng cát, sỏi có nguồn gốc hợp pháp.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ đã được giao theo Quy chế phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh tại Quyết định số 1021/QĐ-UBND ngày 20/5/2020. Trường hợp, để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản kéo dài gây bức xúc trong dư luận, có văn bản yêu cầu làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan. Tổ chức triển khai phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 2549/QĐ-UBND ngày 2/10/2017. Tổ chức đấu giá quyền khai thác đá làm nguyên liệu sản xuất cát trên địa bàn huyện Mộc Châu theo quy định.