Hát ở sân khấu “đặc biệt”

Xã hội - Ngày đăng : 14:18, 27/08/2020

(TN&MT) - “Hành trình vì Trường Sa thân yêu- Vì tuyến đầu Tổ quốc” là đêm văn nghệ đáng nhớ của những người tham gia Đoàn công tác số 10 đi thăm cán bộ chiến sĩ Trường Sa . Trong đêm ấy sân khấu không có cánh gà và ánh đèn chiếu sáng. Khán giả và ca sĩ, doanh nhân và lính biển... hòa quện vào nhau giữa biển mặn mòi

Cuộc hội ngộ trên trên sóng

Trên boong tàu Kiểm ngư phiên hiệu KN-290. Chúng tôi - gần 200 thành viên trong Đoàn công tác số 10 do Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng, Phó Tư lệnh Hải quân làm trưởng đoàn dừng lại trên vùng biển Thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, sau khi kết thúc thăm cán bộ chiến sĩ đảo Len Đao và Sinh Tồn Đông để thực hiện đêm văn nghệ “Hành trình vì Trường Sa thân yêu- Vì tuyến đầu Tổ quốc”.

Hát cùng lính đảo Cô Lin

Không giống như những đêm văn nghệ ở đất liền hoặc đảo xa, đêm văn nghệ giữa trùng dương xung quanh là biển mặn, sân khấu là boong tàu, khán giả là chiến sĩ, diễn viên là thành viên đoàn công tác. Nhưng cái đó chưa phải là sự khác biệt, mà là cảm xúc dâng tràn, ấn tượng “thấu” đến tim người lính. Có lẽ ai đã từng đi Trường Sa, ai đã từng hát “khúc quân ca Trường Sa” trên boong tàu giữa màn đêm biển sóng mới nghe thấy tim mình thổn thức yêu Tổ quốc đến nhường nào.

Ánh đèn trên trụ cẩu tàu KN-290 bật sáng, những chú “lính trẻ không quân hàm” mở màn với ca khúc “Khúc quân ca Trường Sa”, hàng trăm cánh tay đưa theo giai điệu “ngày qua ngày, đêm qua đêm, chúng tôi đến đây gìn giữ quê hương, đảo này là của ta, biển này là của ta Trường Sa”.

 Chuẩn Đô đốc Lương Việt Hùng - vị tướng gắn liền với Vùng 2 Hải quân và những công trình trên biển mang hình Tổ quốc rưng rưng nước mắt. Ông nói với chúng tôi mà như nói với Tổ quốc trong xúc động: “Chỉ có những người lính biển mới thấu hiểu được sự thiêng liêng của biển đảo. Cuộc hội ngộ trên sóng nước này, không phân biệt tướng - quân; chỉ đầy ắp tình yêu biển cả, tình quân dân thắm thiết tràn đầy. Tình quân dân này cao triệu lần sóng biển”.

 Lần đầu tiên đến với Trường Sa. Lần đầu tiên hát giữa mênh mông biển nước, những cựu chiến binh một thời “binh đao” trên chiến trường đường Trường Sơn 559 anh hùng nơi rừng sâu núi thẳm, nay lại được “nở hoa” giữa lòng biển cả. Cựu binh, Đại tá Cao Bá Thành, đến từ tỉnh Bình Dương không kìm được xúc động. Ông nắm chặt tay tôi bảo: “Lần đầu tiên chú đi biển xa thế này. Thực lòng, chú thầm cảm ơn các cháu- những người lính Hải quân đã rất gian khổ trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Chú không tưởng tượng được cuộc hội ngộ trên biển ý nghĩa như thế này đâu”.

Còn diễn viên Thanh Loan, đến từ đội văn nghệ xung kích tỉnh Long An chia sẻ: “Cảm nhận của em hát giữa biển khơi rất khác biệt. Khi cầm tay các anh lính kiểm ngư đi vòng tròn quanh boong tàu, em chực khóc. Em chẳng thấy khoảng cách nào, chỉ thấy ấm áp đầy tình yêu thương”.

Vọng mãi lời liệt sĩ

Đoàn công tác số 10 hải trình đi thăm cán bộ chiến sĩ 8 đảo/ điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là đoàn công tác đặc biệt nhất trong các đoàn công tác được quân chủng Hải quân tổ chức đi thăm cán bộ chiến sĩ biển đảo xa. Vì ngoài đại biểu là người Việt Nam đến từ các tỉnh Long An, Kon Tum, còn các đại biểu kiều bào Việt Nam đến từ 24 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Ca sĩ Mai Khôi hát cùng chiến sĩ đảo sơn ca

Với quãng đường hơn 1.200 hải lý, theo kế hoạch, Đoàn thăm, tặng quà cán bộ chiến sĩ và nhân dân các đảo Sinh Tồn Đông, Len Đao, Tiên Nữ, Núi Le B, Thuyền Chài B, An Bang, Đá Lát, Trường Sa và Nhà giàn DK1/15 Phúc Nguyên.

Sau khi thăm cán bộ chiến sĩ đảo Sinh Tồn, tàu KN-290 dừng lại thả neo để thả hoa tưởng niệm viếng 64 liệt sĩ đã anh dũng hi sinh trên vùng biển, đảo Gạc Ma, Cô Lin ngày 14-3-1988.

Giữa biển trời bao la, trong tiếng nhạc hồn tử sĩ vọng ra từ chiếc loa phát thanh của tàu KN-290; gần 200 thành viên trong đoàn công tác mỗi người có cung bậc cảm xúc khác nhau, song tất cả đều không cầm được xúc động khi người trưởng đoàn công tác đọc lời tưởng niệm: “Theo thông lệ của những người đi biển, hôm nay, chúng tôi làm lễ thả hoa tưởng niệm 64 liệt sĩ Trường Sa- những người đã dâng hiến tuổi xuân của mình cho muôn ngàn sóng bể. Các anh hi sinh khi sự nghiệp còn dang dở và tuổi đời còn rất trẻ. Các anh ngã vào lòng biển mẹ để biển đảo của Tổ quốc chúng ta mãi mãi trường tồn bất tử. Thế hệ cán bộ chiến sĩ Hải quân chúng tôi đang và sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Trường Sa, bảo vệ biển đảo - mong ước mà trước đây các anh đã từng thực hiện. Biển xanh nhắc mãi tên các anh, dân tộc Việt Nam và đời đời hậu thế sẽ mãi ghi công các anh- những người anh hùng đã ngã xuống giữa biển cả Trường Sa trong thời bình lặng im tiếng súng”.

          Xúc động chen lẫn tự hào và dâng trong tim tình yêu biển đảo là tất cả sự cảm nhận của gần 200 thành viên trong đoàn công tác: “Với tôi đây là chuyến đi để đời và không bao giờ quên”- Sinh viên Nguyễn Tú Anh đến từ Đại học Tây Nguyên (Đoàn Kon Tum) nói như vậy. Còn Phạm Thành Tú, chàng thanh niên đến từ đội văn nghệ xung kích tỉnh Long An tự hào: “Tôi cảm giác trường thành hơn từ chuyến đi này. Ra biển mới hiểu được Tổ quốc mình đã ở trong tim từ lúc nào”.

 

Mai Thắng