Sớm hoàn thiện dự thảo về đấu giá quyền khai thác khoáng sản

Thời sự - Ngày đăng : 14:06, 27/08/2020

(TN&MT) - Thực hiện kết luận của Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên tại buổi họp ngày 21/7/2020 về xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đã tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Nghị định lần 3 và báo cáo Thứ trưởng vào sáng 27/8 tại Hà Nội.

Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên chủ trì cuộc họp

Báo cáo về tình hình triển khai xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 22/2012/NĐ-CP ngày 26/3/2012 của Chính phủ quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản, ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) cho biết: Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22 về đấu giá quyền khai thác khoáng sản của Bộ TN&MT gửi ngày 21/7 đã nhận được ý kiến góp ý của 9/10 Bộ, ngành; 50/63 ý kiến của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, có những ý kiến Tổng cục phải bảo lưu và có những ý kiến cần tiếp thu.

Tổng cục đã tiếp thu, chỉnh sửa một số nội dung góp ý về thời gian nộp hồ sơ, đề nghị cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản đối với tổ chức, cá nhân trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản.

Theo đó, đối với khu vực chưa thăm dò khoáng sản: tăng từ 6 tháng (dự thảo 2) lên 18 tháng (dự thảo 3); đồng thời sau khi đã được cấp Giấy phép thăm dò khoáng sản, trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trữ lượng khoáng sản (trước là 12 tháng), được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 16 dự thảo Nghị định.

Đối với khu vực đã có kết quả thăm dò khoáng sản thời hạn 18 tháng kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá (trước là 12 tháng), được quy định tại điểm d khoản 2 Điều 16 dự thảo Nghị định.

Ngoài ra, trường hợp nếu có phát sinh vướng mắc phải kéo dài thời hạn trên tổ chức, cá nhân phải báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật về khoáng sản để được gia hạn; thời gian gia hạn tối đa không quá 6 tháng, được quy định tại khoản 3 Điều 16 dự thảo Nghị định lần 3.

Ông Đào Chí Biền - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế Địa chất và Khoáng sản (Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam) báo cáo tại cuộc họp

Theo ông Đào Chí Biền, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam cũng đã tiếp thu, chỉnh sửa nội dung về thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá. Theo đó, thời gian bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá được quy định tại khoản 3 Điều 23 dự thảo Nghị định lần 3 như sau: “Hồ sơ tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho cơ quan, đơn vị tiếp nhận hồ sơ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 15 ngày làm việc”

Về hình thức và phương pháp đấu giá, Tổng cục đã bổ sung thêm hình thức đấu giá trực tuyến khi có đủ điều kiện và quy định tại điểm b khoản 1 Điều 5 dự thảo Nghị định lần 3.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TN&MT Trần Quý Kiên yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Nghị định. Các đơn vị trực thuộc Bộ. Cụ thể, Văn phòng Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản quốc gia, Vụ Pháp chế, Vụ Kế hoạch - Tài chính giúp lãnh đạo Bộ tăng cường giám sát hoàn thiện Nghị định này. 

“Tổng cục cần có buổi làm việc trực tiếp với Bộ Tư pháp về Nghị định, phối hợp với các đơn vị có ý kiến góp ý sớm để bổ sung, hoàn thiện Nghị định. Đến ngày 5/9 phải có Tờ trình chính thức báo cáo Bộ trưởng Bộ TN&MT” – Thứ trưởng Trần Quý Kiên chỉ đạo.

Ngày 22/5/2020, Bộ TN&MT đã có công văn số 2746/BTNMT-ĐCKS gửi các Bộ, ngành, các địa phương và các cơ quan tổ chức có liên quan đề nghị góp ý đối với dự thảo Nghị định; đồng thời, đăng tải trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong 60 ngày theo quy định.

Về ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, ngày 22/7/2020, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ có Công văn số 429/TTĐT-DLĐT, theo đó, không nhận được ý kiến góp ý nào của công dân, tổ chức đối với dự thảo Nghị định.

Mai Đan