Quy luật “lũ” ở ĐBSCL dần bị phá vỡ

Môi trường - Ngày đăng : 11:27, 27/08/2020

(TN&MT) - Vùng đầu nguồn đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có khuynh hướng mất “lũ” sớm, cường suất lũ giảm và thời gian duy trì lũ ngắn. Trong khi đó, vùng hạ nguồn ĐBSCL bị ngập nặng hơn vào cuối mùa lũ do kết hợp triều cường.

Nhiều nơi ở ĐBSCL “khát lũ”

Thống kê trong 60 năm trước thời điểm năm 2000, bình quân cứ 2 năm thì ĐBSCL có 1 năm “lũ” vượt báo động cấp III (mức nước quy định ở Tân Châu vượt 4,2m). Trong ba năm liên tiếp từ 2000 đến năm 2002, ở ĐBSCL đều bị “lũ” lớn (đỉnh “lũ” năm lớn hơn 4,5m), mực nước đỉnh “lũ” tại Tân Châu vượt qua 4,75m.

Tuy nhiên, quy luật đó dần bị phá vỡ do nhiều nguyên nhân như nạn phá rừng; xây dựng các dự án, công trình thủy nông, thủy điện ở thượng, trung nguồn sông Mekong càng gia tăng; quy hoạch kiểm soát “lũ”, xây dựng các công trình kiểm soát “lũ” mang tính cục bộ ở từng địa phương làm cho dòng chảy “lũ”, phân “lũ” trong vùng thêm phức tạp, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu- nước biển dâng.

Miền Tây "khát lũ". Ảnh minh họa

Theo các chuyên gia, “lũ” sẽ chuyển tải từ vùng có đê bao vững chắc sang vùng không vững chắc (phần lớn là các đô thị và vùng ven sông chưa có đê bao hoặc không thể làm đê bao).

Vùng đầu nguồn ĐBSCL càng có khuynh hướng mất “lũ” sớm (vào tháng 8, tháng 9), cường suất “lũ” giảm và thời gian duy trì “lũ” ngắn; vùng hạ nguồn ĐBSCL bị ngập nặng hơn vào cuối mùa “lũ”, do kết hợp triều cường.

Cụ thể, thống kê trong khoảng hơn 10 năm gần đây cho thấy, phân bố “lũ” ĐBSCL có xu thế tăng dần số năm lũ trung bình và nhỏ, nhất là từ sau 3 năm lũ lớn từ 2000- 2002; 13 năm liền (từ 2003- 2015) ĐBSCL chỉ đều là lũ “đẹp”, lũ “xinh” (đỉnh lũ tại Tân Châu, An Giang từ 4,0- 4,5m), (trừ lũ năm 2011), thậm chí lũ cực nhỏ (năm 2015).

Đặc biệt, nếu như trước đây, tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380- 420 tỷ mét khối và kéo dài 5- 6 tháng thì nay chỉ còn khoảng 330- 350 tỷ mét khối (lũ năm 2015 khoảng 220 tỷ mét khối) và kéo dài trong 3- 4 tháng.

Cùng với đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh tiến hành kiểm soát lũ để sản xuất vụ Hè Thu và Thu Đông (khoảng 700.000ha), khiến khả năng trữ “lũ” của toàn ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (từ 5- 7 tỷ mét khối xuống 3- 4 tỷ mét khối).

Có thể nói nhiều nơi ở ĐBSCL “khát lũ”. Lũ nhỏ, thậm chí không có lũ là nguy cơ tiềm ẩn nhất đối với ĐBSCL trong tương lai. Từ bao đời nay, người dân vùng ĐBSCL đã thích nghi và quen với cảnh “sống chung với lũ”. Song, tình trạng ngay mùa lũ nhưng đồng bằng lại “khát nước” đã không còn là viễn cảnh mà nó đã và đang tác động tiêu cực đến sản xuất và sinh kế của người dân

Qua diễn biến hạn- mặn lịch sử năm 2016, mới đây nhất là mùa khô năm 2020 cho thấy, vấn đề “lũ” và trữ “lũ” tại đồng bằng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với cấp nước ngọt đầu mùa khô năm tới, từ tháng 12 đến tháng 2.

Bởi vậy, giờ đây, vùng ĐBSCL coi “lũ” cũng là tài nguyên, điều quan trọng là phải có cách để khai thác hiệu quả. Tuy nhiên, điều đáng lo là triều cường ở vùng hạ nguồn ngày càng tác động tiêu cực hơn đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Đồng ruộng cũng "khát lũ". Ảnh minh họa

Thời gian gần đây, tuy “lũ” thượng lưu không lớn nhưng vùng hạ nguồn vẫn bị ngập sâu hơn so với trước. Tại Vĩnh Long, số liệu mực nước cao nhất hàng năm tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền), Cần Thơ (sông Hậu) cho thấy rõ điều này. Trước đây, chỉ khi có “lũ” cực lớn (năm 2000- 2002, 2011) mực nước mới có thể đạt xấp xỉ và vượt 2m, thì nay, hầu như năm nào cũng có thể vượt trên trị số này. Cụ thể là vào các năm 2011, 2013, 2017- 2019; đặc biệt liên tiếp hai năm 2018, 2019, đỉnh triều cường năm sau cao hơn năm trước, đều vượt mốc lịch sử.

Dự báo đỉnh lũ ĐBSCL vào khoảng cuối tháng 9/2020

Đối với tình hình diễn biến lũ ở sông Cửu Long năm nay, Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, năm 2020 ít có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đồng bằng Nam bộ. Đỉnh lũ trong năm ở đầu nguồn sông Cửu Long, tại Tân Châu và Châu Đốc dao động khoảng từ BĐ1- BĐ2, thấp hơn đỉnh lũ TBNN từ 0,2- 0,4m. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ dự báo khoảng cuối tháng 9/2020.

Trong khi đó, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo, cuối tháng 7/2020, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc dao động mức 2,0 – 2,3m. Với mức lũ không cao này, hầu hết diện tích sản xuất lúa hè thu ở ĐBSCL trong các ô bao kiểm soát lũ đều an toàn. Ngoại trừ một số diện tích ngoài ô bao có nguy cơ bị ảnh hưởng, cần chủ động xuống giống sớm để thu hoạch trước thời gian này.

Đối với đỉnh lũ chính vụ, dự báo khoảng cuối tháng 9/2020, với mức từ 3,40 – 3,80m (xấp xỉ và thấp hơn TBNN), nên kế hoạch sản xuất từ 750.000 – 800.000 ha lúa thu đông ở ĐBSCL đa phần nằm trong các ô bao kiểm soát lũ, không bị ảnh hưởng. Song, cần đề phòng những ô bao có bờ bao xung yếu hoặc rò rỉ, nhằm gia cố an toàn.

Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) lưu ý, khu vực thuộc vùng giữa và vùng ven biển ĐBSCL do ảnh hưởng lũ kết hợp triều cường năm 2020 được dự báo cao hơn TBNN, nên có khoảng 474 ô bao có nguy cơ ảnh hưởng, với tổng diện tích sản xuất khoảng 120.000 ha. Trong số này, Đồng Tháp có 44 ô bao ảnh hưởng khoảng 10.000 ha; Hậu Giang có 136 ô bao ảnh hưởng 26.000 ha; Tiền Giang có 9 ô bao ảnh hưởng 5.900 ha; Vĩnh Long có 158 ô bao ảnh hưởng 38.000 ha; TP Cần Thơ 86 ô bao ảnh hưởng 17.000 ha…

“Các địa phương cần rà soát để gia cố và có giải pháp ứng phó phù hợp. Bên cạnh đó, cần tổ chức sản xuất sớm lúa thu đông để né lũ; sau khi thu hoạch lúa xong cần nhanh chóng xả lũ vào nội đồng để lấy phù sa và vệ sinh đồng ruộng…”, Tổng cục Thủy lợi khuyến nghị.

Tuyết Chinh