Bà Rịa – Vũng Tàu: Giám sát chặt quá trình thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước

Khoáng sản - Ngày đăng : 18:26, 26/08/2020

(TN&MT)- Thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã chấp thuận chủ trương cho nhiều dự án thực hiện nạo vét lòng hồ chứa nước. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thi công nạo vét chưa mang lại hiệu quả cao, đặc biệt, công tác giám sát chưa chặt chẽ; nhiều chủ đầu tư đã lợi dụng việc nạo vét, cải tạo hồ chứa nước để khai thác khoáng sản.

Dự án nạo vét hồ Sông Hỏa đang bị ngưng thi công do chủ đầu tư thực hiện không đúng quy định

Theo thống kê, toàn tỉnh có 30 hồ chứa nước phục vụ tươi tiêu cho ngành  nông nghiệp và cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Đa số các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều được đưa vào sử dụng từ 20-30 năm. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, nhiều lòng hồ bị bồi lắng, làm thu hẹp dung tích, khả năng lấy nước giảm. Bên cạnh đó, do tình hình thời tiết ngày càng khắc nghiệt, nắng nóng kéo dài, lượng mưa thấp nên dung tích các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thường xuyên không đạt dung tích thiết kế và xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt, tưới tiêu vào mùa khô.

Xác định, việc nạo vét lòng hồ chứa nước là hết sức cần thiết và cấp bách, do đó, thời qua, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu chấp thuận cho một số doanh nghiệp thực hiện dự án nạo vét. Theo đó, từ năm 2015 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương nạo vét, thu hồi khối lượng vật liệu lòng hồ tại 18 hồ chứa nước và 3 đập dâng. Đồng thời, UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư được chấp thuận chủ trương nạo vét phải lập phương án thi công, phương án bảo vệ môi trường, phương án vận chuyển khoáng sản, đồng thời công khai phương án thi công, công khai phương án bảo vệ môi trường, công khai phương án vận chuyển khoáng sản gửi địa phương và nhân dân biết, theo dõi, giám sát việc thực hiện.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, các phòng chuyên môn thuộc Sở NN&PTNT, các đơn vị quản lý hồ, tổ chức bàn giao mốc giới, mặt bằng phục vụ thi công theo dự án được phê duyệt; kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện nạo vét hồ chứa nước theo quy định về đảm bảo an toàn hồ chứa…

Tuy nhiên, trong quá trình nạo vét, một số doanh nghiệp đã không thực hiện đúng các hạng mục báo cáo tác động môi trường đã được phê duyệt, làm tăng nguy cơ ô nhiễm nguồn nước; chưa thực hiện đúng hồ sơ thiết kế và ranh giới mốc của dự án được phê duyệt gây thất thoát tài nguyên khoáng sản.

Cụ thể, đối với dự án nạo vét lòng hồ Sông Hỏa, chủ đầu tư đã thực hiện nạo vét được 37.800m3;  dự án nạo vét lòng hồ sông Kinh  đã nạo vét dược 41.000m3. Tuy nhiên, do trong quá trình triển khai thực hiện dự án, chủ đầu tư chưa thực hiện đúng các hạng mục báo cáo đánh giá tác động môi trường, việc triển khai thi công chưa thực hiện đúng quy trình... Vì vậy, cả 2 dự án nạo vét lòng hồ sông Hỏa và sông Kinh đang phải tạm dừng thi công để khắc phục tồn tại.
Tính đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh chỉ có 03 hồ đang được triển khai nạo vét là hồ Đá Đen, hồ Suối Nhum và hồ Bút Thiền . Còn 16 hồ, đập còn lại chưa thi công nạo vét do vướng mắc khi trình thẩm định hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường…

Để nâng cao hiệu quả việc nạo vét các hồ, mới đây, tại cuộc họp về đánh giá tình hình thực hiện các dự án nạo vét lòng hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong 6 tháng đầu năm 2020, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã giao Sở NN&PTNT phối hợp các sở TN&MT nhanh chóng bàn bạc, thống nhất giải pháp gỡ vướng về hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường để thực hiện dự án nạo vét; đồng thời tổ chức hướng dẫn chủ đầu tư đánh giá tác động môi trường theo từng phần (nạo vét và không nạo vét), thuê tư vấn giám sát và hoàn tất các thủ tục pháp lý của dự án.

Bên cạnh đó, ông Lê Tuấn Quốc cũng giao cho UBND các địa phương có liên quan, phối hợp với các Sở, ngành xây dựng kế hoạch giám sát thường xuyên, trong suốt quá trình triển khai dự án nạo vét, bảo đảm việc nạo vét phải đúng với hồ sơ được phê duyệt.

Linh Nga