Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 16:56, 26/08/2020
Ngày 30/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2545/QĐ-TTg phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 (Quyết định 2545/QĐ-TTg). Sau gần 4 năm triển khai, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục phát triển tích cực; cơ sở hạ tầng, công nghệ thanh toán được chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng và phát huy hiệu quả; hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng hoạt động ổn định, an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng tốt nhu cầu thanh toán liên ngân hàng trong toàn quốc; công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống thanh toán không dùng tiền mặt được coi trọng và tăng cường…
Thanh toán qua trực tuyến tăng trưởng mạnh
Phát biểu khai mạc diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt của đời sống kinh tế- xã hội. Tuy nhiên, COVID-19 ở một góc độ khác đang khiến chúng ta thay đổi nhanh hơn trong chuyển đổi số, thay đổi chiến lược kinh doanh, chiến lược sản phẩm, chiến lược kênh phân phối...
TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI phát biểu tại diễn đàn |
Ông Vũ Tiến Lộc cho biết, hiện nay các dịch vụ, phương tiện thanh toán điện tử được phát triển mạnh, đa dạng; hầu hết các sản phẩm, phương tiện thanh toán mới, hiện đại đã được nghiên cứu, triển khai tại Việt Nam, đặc biệt thanh toán qua thiết bị di động có tốc độ tăng trưởng mạnh.
Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đã có 70 tổ chức tín dụng và chưa kể các đơn vị trung gian thanh toán, như ví điện tử… đã triển khai cung ứng các dịch vụ thanh toán qua Internet, cung ứng các dịch vụ thanh toán qua điện thoại di động. Giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet đã đạt trên 7 triệu tỷ đồng và 300 nghìn tỷ đồng giao dịch qua điện thoại di động.
Về những kết quả đã đạt được trong việc triển khai đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam năm 2016 – 2020, Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2020, việc mở và sử dụng tài khoản của cá nhân tiếp tục tăng lên đạt khoảng 93,7 triệu tài khoản cá nhân (tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2019).
Đồng thời, NHNN tiếp tục phát triển dịch vụ tài khoản cá nhân góp phần thu hút vốn nhàn rỗi từ mọi tầng lớp dân cư và tạo điều kiện mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM).
Tính đến nay, đã có 75 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán (TCCƯDVTT) triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 45 TCCƯDVTT thực hiện qua điện thoại di động (ĐTDĐ).
Số lượng giao dịch qua kênh Internet là hơn 200 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 12,9 triệu tỷ đồng (tăng 36% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch qua kênh ĐTDĐ đạt hơn 472 triệu giao dịch, với giá trị khoảng 4,9 triệu tỷ đồng (tăng tương ứng 178% và 177% so cùng kỳ năm 2019).
Các dịch vụ thanh toán thẻ tiếp tục được các ngân hàng quan tâm phát triển. Đến cuối tháng 6 năm 2020, số lượng thẻ lưu hành đạt mức 100 triệu thẻ (tăng khoảng 14,5% so với cùng kỳ năm 2019). Số lượng giao dịch thanh toán nội địa qua thẻ ngân hàng đạt trên 171 triệu giao dịch với giá trị đạt khoảng 399 nghìn tỷ đồng (tăng tương ứng 20,9% và 9,1% so với cùng kỳ năm 2019).
Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát biểu tại diễn đàn |
Ông Lê Anh Dũng cũng cho rằng, các ngân hàng hiện đã tích hợp thêm nhiều tính năng vào thẻ ngân hàng để sử dụng thanh toán hàng hóa, dịch vụ. Các chất lượng dịch vụ thẻ cũng như độ an toàn trong thanh toán thẻ được các ngân hàng chú trọng và nâng cao.
Bên cạnh thẻ, giải pháp thanh toán qua mã QR Code được các tổ chức tín dụng, tổ chức TGTT quan tâm đẩy mạnh như một lựa chọn thanh toán linh hoạt, triển khai nhanh, chi phí hợp lý để thúc đẩy TTKDTM với nhóm khách hàng là các đơn vị bán hàng nhỏ lẻ. Đến nay đã có khoảng 30 ngân hàng triển khai dịch vụ thanh toán QR Code, toàn thị trường có hơn 70.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Tại buổi diễn đàn, Ts Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia tài chính Ngân hàng cho biết, dịch bệnh COVID-19 đã tác động lớn đến kinh tế thế giới, thế nhưng đây cũng lại là cơ hội để thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng chuyển đổi mô hình kinh tế số, thay vì thủ công như trước.
Còn tồn tại nhiều thách thức, khó khăn
Theo ông Dũng, bên cạnh kết quả đạt được, TTKDTM còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển như cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.
Bên cạnh đó, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.
Đồng thời, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử. Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Ông Dũng cũng thông tin, một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành, như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam...còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.
Toàn cảnh buổi diễn đàn |
Tại buổi diễn đàn, ông Nguyễn Trí Hiếu – Chuyên gia Tài chính Ngân hàng cũng cho rằng, kinh tế Việt Nam đã có những chuyển biến rất tích cực. Mặc dù Chính phủ đã có những nỗ lực rất lớn, nhưng chúng ta vẫn là nền kinh tế tiền mặt, 80% chi tiêu người dân vẫn là tiền mặt.
Lý giải về vấn đề này ông Nguyễn Trí Hiếu cho biết: “Có 3 lý do khiến người dân Việt Nam vẫn chi tiêu bằng tiền mặt. Thứ nhất, các quy định về TTKDTM của chúng ta còn thiếu. Thứ hai là vấn đề giáo dục cộng đồng, giáo dục quần chúng trong vấn đề đưa ra hệ thống thanh toán phi tiền mặt ở Việt Nam chưa có những chương trình này. Thứ ba, vấn đề sai phạm trong hệ thống tài chính ngân hàng, lừa đảo qua mạng hiện nay khá phổ biến, nhưng xử lý sai phạm rất khó khăn vì cấp độ lừa đảo đi từ những thông tin sai lệch đến dẫn dắt người ta đến lừa đảo”
Ông Nguyễn Trí Hiếu cũng mong rằng đến năm 2025, 80% người dân Việt Nam sẽ có tài khoản ngân hàng, tỷ lệ thanh toán phi tiền mặt sẽ tăng lên đến 40%.