Mường Ảng (Điện Biên): Bắt hạt giống nảy mầm trên triền đất dốc

Kinh tế - Ngày đăng : 10:41, 26/08/2020

(TN&MT) - Để đất trồng, đất nông nghiệp hoang hóa, sử dụng kém hiệu quả là một trong những việc gây lãng phí tài nguyên đất... Kéo theo là sự kém phát triển về kinh tế, thiếu năng động, sáng tạo của địa phương. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả của cả một địa phương là một việc làm mang tính quyết định thành bại trong việc xóa đói giảm nghèo ở vùng núi và nông thôn. Đòi hỏi sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và tâm huyết của người dân.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên (thứ 2 bên trái) cùng lãnh đạo huyện Mường Ảng đi kiểm tra vùng quy hoạch trồng cây ăn quả.

Huyện Mường Ảng, là một huyện nghèo của tỉnh Điện Biên. Năm 2012 huyện đầu tiên của tỉnh Điện Biên người dân phải "trả giá đắt" cho bài học về cây cà phê; từ việc góp đất ăn chia lợi nhuận với Công ty CP cà phê Thái Hòa Mường Ảng cho đến việc bài học của cây cà phê "được mùa nhưng rớt giá", khiến đời sống của người dân càng trở nên khốn khó.

Đứng trước bài toán khó "làm gì để đồng bào no đủ" buộc lãnh đạo huyện Mường Ảng, lãnh đạo tỉnh Điện Biên và cả phía người dân phải tìm một hướng đi riêng. Ngắn thôi... nhưng phải hiệu quả.

Năm 2016, huyện Mường Ảng tiến hành rà soát, đánh giá, thống kê toàn bộ diện tích đất dốc hiện đang canh tác cây lương thực, cây công nghiệp kém hiệu quả. Khi có được số liệu trong tay huyện Mường Ảng xin chủ trương từ lãnh đạo tỉnh Điện Biên đưa hơn 200ha diện tích đất nông nghiệp (chưa nằm trong quy hoạch trồng cây ăn quả) chuyển sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả.

Nếu thời điểm đó, huyện Mường Ảng chờ đưa diện tích hơn 200ha vào quy hoạch trồng cây ăn quả thì sẽ lỡ mất cơ hội và không biết khi nào làm được. Nên về mặt chủ trương chúng tôi ủng hộ và thấy đó là một hướng đi mới, triển vọng. Tôi cũng khuyến khích anh Hà (Trần Thanh Hà - PV) khi ấy là Bí thư huyện Mường Ảng; những gì làm được cho dân, có lợi cho dân đồng chí cứ mạnh dạn. - Ông Lê Thanh Đô, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên, chia sẻ.

Thực tế, Mường Ảng có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 44.300ha; trong đó, diện tích đất nông nghiệp năm 2019 trên 42.200ha, chiếm 95,28% diện tích tự nhiên. Do cấu trúc địa hình dốc, nên sau mỗi mùa mưa lớp mùn tơi xốp bị rửa trôi, trơ lại đất sỏi ruồi... nguy cơ hoang hóa đất trồng cao. Cùng với đó, ý thức cải tạo đất trồng của người dân không có, chủ yếu canh tác theo tập tục luân canh nên đất trồng ngày càng bạc màu hoang hóa, sau vài năm cây rừng phát triển, diện tích ấy lại được đưa vào quy hoạch vào 3 loại rừng... nên diện tích đất canh tác nông nghiệp dần bị thu hẹp lại.

Nghĩa là, diện tích đất rừng tăng lên thì diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp lại. Đó là "rào cản" lớn cho người dân và cả phía chính quyền trước khi chuyển đổi mục đích cây trồng. Với diện tích đất sản xuất nông nghiệp ấy, vừa phải đảm bảo an ninh lương thực trước mắt, vừa phải mang tính phát triển kinh tế lâu dài bền vững cho người dân, trong khi đất ngày càng hoang hóa; không thể trồng cây được vài năm kém hiệu quả lại chặt bỏ. Bát cơm của đồng bào, đời sống của người dân không thể là vật để mang ra làm thử nghiệm...

Nông dân bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở, huyện Mường Ảng chăm sóc vườn cây ăn quả.

Lẽ đó, UBND tỉnh Điện Biên ban hành Quyết định số 610/QÐ-UBND, ngày 7/7/2017 về việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả sang trồng cây thức ăn gia súc, cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả có giá trị cao... Trước thực tế này, huyện Mường Ảng đã ban hành Kế hoạch về phát triển sản xuất Nông - Lâm nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; kế hoạch về cơ cấu lại ngành nông nghiệp của huyện Mường Ảng đến năm 2020. Trong đó hướng tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.

Chẳng phải ngẫu nhiên mà Mường Ảng trở thành huyện đầu tiên của Điện Biên trong việc chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất kém hiệu quả hàng trăm héc-ta.

Dẫn chúng tôi tham quan vườn cây ăn quả rộng trên 4.000m2 dưới chân đèo Tằng Quái, ông Hà Văn Hoan, tổ dân phố 4, thị trấn Mường Ảng chia sẻ: Trước đây gia đình trồng cam canh, bưởi diễn theo phong trào, thấy người ta trồng thì mình cũng trồng theo, nên hiệu quả không cao. Từ khi gia đình được cán bộ khuyến nông huyện hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, cây phát triển tốt, cho quả đảm bảo chất lượng, năng suất cao, sản phẩm có uy tín, được người tiêu dùng tin tưởng nên tiêu thụ sản phẩm dễ dàng hơn.

Gia đình anh Phạm Xuân Vinh, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ cây ăn quả. Với diện tích trên 3ha đất đồi, anh Vinh trồng toàn bộ cam Vinh và bưởi da xanh. “Ban đầu do mình chưa có kiến thức chăm sóc, nên cả cam và bưởi vỏ dày, vị chua nên rất khó tiêu thụ. Nhờ tham gia lớp tập huấn về trồng, chăm sóc cây ăn quả theo tiêu chuẩn chất lượng cao do huyện tổ chức, đồng thời được cán bộ chuyên môn xuống tận vườn hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP nên chất lượng quả cao, được khách hàng ưa chuộng; các thương lái vào tận vườn thu mua mà không phải lo khâu tiêu thụ sản phẩm” - anh Vinh cho biết.

Bắt đầu thực hiện bắt đầu từ đầu năm 2016, đến nay, toàn huyện Mường Ảng có tổng diện tích cây Chanh leo là 30ha. Diện tích này chủ yếu được chuyển đổi từ các diện tích vườn cà phê kém hiệu quả, năng suất thấp. Toàn bộ diện tích cây chanh leo trên hiện đang sinh trưởng và phát triển tốt và đang trong giai đoạn thu hoạch; năng suất ước đạt 13 - 15 tấn/ha/năm. Qua đánh giá của một số hộ gia đình đã trồng trước đây cho thấy sản phẩm cây trồng có múi rất phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng đất đai huyện Mường Ảng.

Chanh leo là giống cây trồng phù hợp trên đất dốc huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên.

Ông Kiều Xuân Hoàng, Phó trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng, cho biết: Hiện đã có một số doanh nghiệp tiến hành đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện như: Doanh nghiệp tư nhân xây dựng Quang Hà với quy mô đầu tư phát triển trồng cây ăn quả bằng công nghệ cao trên 200ha. Đến nay, đã thực hiện được 70ha với 2 nhóm cây trồng chính: Cam và Bưởi da xanh. Công ty TNHH xây dựng Bùi Gia Phát hiện đang trong quá trình khảo sát, tích tụ đất đầu tư dự án trồng cây ăn quả tại bốn xã: Búng Lao, Ẳng Tở, Ngối Cáy, Mường Lạn với diện tích 1.500ha; đến năm 2030 sẽ mở rộng diện tích thêm 1.000ha ở các xã khác. Hiện đã khảo sát tích tụ đất được 600ha.

Bên cạnh những kết quả đạt được, trong quá trình thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện cũng gặp phải không ít khó khăn thách thức. Thời tiết diễn biến phức tạp, đặc biệt năm 2019 nắng nóng khô hạn kéo dài ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ sản xuất đã làm một số diện tích trồng mới cây ăn quả (Chanh leo) phải tiến hành trồng lại với diện tích 5ha, một số vườn được trồng năm 2018 bị rụng quả, ngoài yếu tố thời tiết giao thông đi lại trong vùng sản xuất còn gặp không ít khó khăn, chưa thuận tiện cho việc vận chuyển sản phẩm đến nơi tiêu thụ.

Được biết, huyện Mường Ảng đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2021 toàn huyện có khoảng 1.500 - 2.000ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả; Định hướng đến năm 2025 có khoảng 2.000 - 2.500ha các loại cây có giá trị kinh tế, cây ăn quả. Để đạt được mục tiêu đó, Mường Ảng cần chủ động trong việc xác định lộ trình, diện tích cần chuyển đổi cây trồng từ đất nương, đất ruộng một vụ và đất trồng cây màu hằng năm kém hiệu quả và đất trống đồi trọc để chuyển đổi cơ cấu cây trồng.

Hoàng Châu - Trần Sơn