Điện Biên: Tăng cường giám sát việc chấp hành luật bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản

Khoáng sản - Ngày đăng : 09:41, 26/08/2020

(TN&MT) - Những năm gần đây, hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã phục vụ tốt nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Điện Biên luôn xác định, bảo vệ môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản là một yêu cầu bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản dù ở bất cứ quy mô công suất và địa điểm nào trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Lê Thành Đô, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Điện Biên (thứ 2 từ bên phải) cùng đoàn công tác liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, đảm bảo vệ sinh môi trường trong khai thác khoáng sản tại huyện Điện Biên.

Theo Luật Bảo vệ Môi trường 2014 quy định: Phải có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường và thực hiện các yêu cầu về bảo vệ, cải tạo và phục hồi môi trường như: Thu gom và xử lý nước thải; thu gom xử lý chất thải rắn; có biện pháp ngăn ngừa, hạn chế việc phát tán bụi, khí thải độc hại và tác động xấu khác đến môi trường xung quanh; phải có kế hoạch cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và tiến hành cải tạo, phục hồi môi trường cho toàn bộ quá trình thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản. Phải ký quỹ cải tạo, phục hồi môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 5 loại khoáng sản gồm: Cát, đá, than, chì, kẽm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cho 25 doanh nghiệp, với 32 điểm mỏ khoáng sản. Trong đó: 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18,2 triệu m3,  3 điểm mỏ khai thác than với tổng trữ lượng được phép khai thác là 351.416 tấn, 7 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được cấp phép là 354.876,7 m3, 1 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng 12,78 triệu m3,1 điểm mỏ khai thác chì kẽm với tổng trữ lượng được phép khai thác là 244.076 tấn.

Tỉnh Điện Biên có 5 loại khoáng sản gồm: Cát, đá, than, chì, kẽm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cho 25 doanh nghiệp, với 32 điểm mỏ khoáng sản.

Theo Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên cho biết: Những năm gần đây, hoạt động khai thác khoáng sản của các doanh nghiệp gia tăng. Bên cạnh mặt tích cực, hoạt động khai thác khoáng sản cũng gây không ít hệ lụy tới môi trường, an toàn lao động và lãng phí tài nguyên. Cải tạo phục hồi môi trường phải đảm bảo đưa môi trường, hệ sinh thái tại khu vực khai thác khoáng sản và khu vực bị ảnh hưởng của hoạt động khai thác khoáng sản về trạng thái môi trường gần như ban đầu hoặc đạt được các tiêu chuẩn, quy chuẩn về an toàn môi trường, đảm bảo an toàn và phục vụ các mục đích có lợi cho con người.

Mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản phải lập đề án cải tạo, phục hồi môi trường trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Việc thực hiện cải tạo, phục hồi môi trường được thực hiện ngay trong quá trình khai thác khoáng sản. Tình trạng vi phạm quy định về BVMT trong khai thác khoáng sản còn khá phổ biến. Hoạt động khai thác khoáng sản trái phép vẫn còn tồn tại ở địa phương.

Việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, khai thác khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế. Việc khai thác tài nguyên khoáng sản chưa thực sự gắn với bảo vệ môi trường, chính vì vậy, các cấp, các ngành cần sớm chấn chỉnh các cơ sở trong việc thực thi chính sách pháp luật trong quản lý khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, bảo vệ môi trường trong khai thác và chế biến khoáng sản phải được quan tâm đúng mức nhằm đạt được yêu cầu phát triển bền vững.

Điện Biên tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản, Sở TN&MT tỉnh Điện Biên cho biết: Để từng bước khắc phục, hạn chế vấn đề ô nhiễm môi trường trong khai thác, chế biến khoáng sản. Trong thời gian tới, Phòng khoáng sản sẽ tiếp tục tham mưu cho lãnh đạo Sở và UBND tỉnh đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trong hoạt động khai thác và chế biến khoáng sản, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, cũng như tuyên truyền, vận động người dân tham gia tích cực trong việc phát hiện, tố cáo các hành vi vi phạm của các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực này.

Trần Sơn - Hải Yến