Cần Thơ đẩy nhanh tiến độ kè bờ sông ứng phó với biến đổi khí hậu
Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 09:40, 26/08/2020
Dự án Kè bờ sông Cần Thơ được triển khai thực hiện từ năm 2016 với kinh phí lên đến 810,7 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là một trong những dự án trọng điểm làm thay đổi diện mạo đô thị sông nước của thành phố; bảo vệ các công trình hạ tầng cũng như đời sống cư dân trong vùng dự án. Tuy nhiên, quá trình triển khai, dự án gặp phải không ít khó khăn làm ảnh hưởng đến tiến độ, kỹ thuật thi công.
Tình hình sạt lở bờ sông diễn biến phức tạp ở TP Cần Thơ. Ảnh: HT |
Ban Quản lý Dự án Ðầu tư Xây dựng TP Cần Thơ làm chủ đầu tư dự án với tổng chiều dài toàn tuyến 5.160m. Trong đó, đoạn kè bảo vệ bờ phải từ cầu Cái Sơn, (phường An Bình, quận Ninh Kiều) đến tiếp giáp Dự án Kè chống sạt lở khu vực chợ Mỹ Khánh, huyện Phong Ðiền với chiều dài 2.710m. Ðoạn kè bảo vệ bờ trái từ gầm cầu Cái Răng đến rạch Ba Láng (phường Lê Bình, quận Cái Răng) kéo dài về huyện Phong Ðiền với chiều dài 2.450m.
Theo Ban chỉ đạo Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Cần Thơ, từ đầu năm 2020 đến 22/6/2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông (tăng 11 điểm, quy mô và mức độ thiệt hại lớn hơn so với cùng kỳ năm 2019) với tổng chiều dài là 1.230 m. Sạt lở đã làm 5 căn nhà bị sụp hoàn toàn, 68 căn khác sụp một phần và bị ảnh hưởng, ước thiệt hại khoảng 14,4 tỉ đồng.
Theo chủ đầu tư dự án, biến đổi khí hậu làm thay đổi kết cấu bờ sông và lòng sông là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến quá trình thi công dự án. Tình hình sạt lở bờ sông đã diễn ra ở một số gói thầu. Cụ thể, ngày 7/3/2020, tại gói thầu xây lắp số 1 đã xảy ra sạt lở tại vị trí tiếp giáp đường tỉnh 923 (cách cầu Cái Sơn 290m về hướng huyện Phong Ðiền) thuộc địa bàn phường An Bình, quận Ninh Kiều và nằm trong mặt bằng gói thầu thi công. Ðoạn sạt lở này có chiều dài hơn 30m, ăn sâu vào bờ khoảng 12m và gây sạt lở 5 căn nhà và có nguy cơ sạt lở thêm 1 căn nhà. Hiện nay, mặt bằng đã giao cho nhà thầu nhưng chưa triển khai thi công và đang sử dụng làm bãi đúc cọc.
Tiếp đến, ngày 22/6/2020, tại gói thầu xây lắp số 1 tiếp tục xảy ra sạt lở với chiều dài 50m (tại điểm cuối đường tỉnh 923 cũ), ăn sâu vào bờ khoảng 12-18m, gây sạt lở 5 căn nhà, không có thiệt hại về người. Mặt bằng khu vực sau khi sạt lở đang thực hiện thủ tục bàn giao cho nhà thầu nên chưa triển khai công tác thi công.
Dự án “Kè bờ sông Cần thơ - ứng phó với biến đổi khí hậu” hiện có 3/4 gói thầu (gói 1,2 và 4) đã được triển khai thi công với tổng giá trị hợp đồng 392,6 tỉ đồng, lũy kế giá trị thực hiện 57,492 tỉ đồng. Gói thầu số 3 dự kiến ký hợp đồng trong tháng 8/2020.
Cùng với đó, quá trình khảo sát, đo đạc hiện trạng lòng sông Cần Thơ trong phạm vi thực hiện gói thầu xây lắp số 4 cho thấy, lòng sông Cần Thơ đoạn từ phía bờ ra hết phạm vi thảm đá gia cố lòng sông ở một số đoạn thuộc địa bàn quận Cái Răng và huyện Phong Ðiền đã có sự thay đổi địa hình lòng sông, có hiện tượng lở và xói sâu.
Trước tình hình sạt lở diễn biến phức tạp, Viện Kỹ thuật biển (TP Hồ Chí Minh) - đơn vị tư vấn thiết kế đã đề xuất khảo sát lại thực trạng địa hình tại các gói thầu. Việc này nhằm chỉ ra các điểm xói lấn sâu vào phần mái kè, từ đó điều chỉnh lại thiết kế cũng như xác định phương án, kỹ thuật thi công phù hợp; có biện pháp gia cố chống xói để đạt độ cân bằng ổn định trước khi tiến hành thi công kè. Ðồng thời, cần tăng thêm hệ thống cọc và quy mô tường kè do hiện trạng có nhiều thay đổi so với thiết kế ban đầu.
Theo Ban Quản lý Dự án Ðầu tư xây dựng TP Cần Thơ, dự án Kè bờ sông Cần Thơ - ứng phó với biến đổi khí hậu TP Cần Thơ được phê duyệt từ ngày 13/4/2016, tuy nhiên, do hạn chế về nguồn vốn nên đến năm 2020, dự án mới được bố trí vốn đối ứng để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Hiện nay, các khu tái định cư đang trong quá trình thực hiện và dự kiến hoàn thành vào năm 2021 nên dự án chưa bố trí tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng trên địa bàn quận Ninh Kiều và quận Cái Răng, phần nào làm ảnh hưởng tiến độ bàn giao mặt bằng.
Mặt khác, tác động của biến đổi khí hậu khiến cho việc khảo sát lại thực trạng địa hình, cập nhật hiện trạng là yêu cầu cấp thiết. Việc này không làm tăng chiều dài tuyến kè, không thay đổi kết cấu kè mà chỉ điều chỉnh cục bộ ở những điểm bị ảnh hưởng xói lở bờ sông.
Bước sang tháng 7 âm lịch sẽ có các đợt triều cường làm ảnh hưởng đến quá trình thi công Kè bờ sông Cần Thơ, UBND TP Cần Thơ cho rằng, các nhà thầu thi công cần tập trung phương tiện và nhân lực, chú ý phương pháp thi công cùng các biện pháp đảm bảo an toàn, nhất là ở những gói thầu tại những vị trí có kết cấu địa hình phức tạp, thường xuyên sạt lở.
Đồng thời, cần khảo sát lại địa hình lòng sông, các vị trí nước xoáy, dòng chảy mạnh, các vị trí có nguy cơ sạt lở và đã có biến đổi so với thời điểm khảo sát năm 2016. Từ đó làm cơ sở đề xuất điều chỉnh thiết kế, phương án thi công phù hợp với diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu.