Quảng Ninh đảm bảo an toàn hệ thống hồ đập, đê điều mùa mưa bão
Môi trường - Ngày đăng : 08:33, 26/08/2020
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 183 hồ chứa nước với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3, năng lực thiết kế tưới 33.102ha, cấp nước sinh hoạt và công nghiệp là 36,3 triệu m3, cấp nước cho nuôi trồng thủy sản khoảng 2.000ha. Bên cạnh đó, trên địa bàn còn có 394 đập dâng và hơn 366 km đê các loại.
Hồ Khe Chè mới được tu bổ đảm bảo nước cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của người dân TX.Đông Triều |
Hàng năm, Sở NN&PTNT Quảng Ninh chỉ đạo các công ty thủy lợi tiến hành kiểm tra toàn bộ công trình hồ, đập, kênh mương quản lý để phân loại, đánh giá xây dựng kế hoạch, triển khai sửa chữa các hạng mục công trình xung yếu, cũng như kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn các hồ chứa trên địa bàn. Từ đó, Sở lập danh sách những hồ chứa hư hỏng, xuống cấp và tham mưu tỉnh có phương án đầu tư xây dựng, tu bổ nhằm bảo đảm an toàn cho các công trình và người dân sống ở khu vực lân cận và hạ lưu các hồ chứa nước trên địa bàn.
Những năm gần đây, nhiều hồ đập chứa nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã được phê duyệt quy trình vận hành điều tiết và được xây dựng phương án xả lũ vùng hạ du trong mùa mưa bão. Nhất là tại các hồ chứa có dung tích lớn như: Yên Lập, Đầm Hà Động, Tràng Vinh đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động phục vụ vận hành theo thời gian thực của hồ chứa.
Sửa chữa tuyến kênh dẫn chính Yên Lập đáp ứng việc dẫn nước từ hồ Yên Lập cung cấp nước sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho người dân. |
Trao đổi với PV Báo TN&MT, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập Quảng Ninh, Nguyễn Xuân Tùng cho biết, hồ Yên Lập có dung tích chứa hơn 127 triệu m3, là một trong những công trình trọng điểm trong việc phục vụ nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho người dân va cũng là một trong 5 vùng trọng điểm phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh. Do vậy, nhiệm vụ đặt ra là phải chuẩn bị tích cực, chu đáo cho công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với phương châm 4 tại chỗ là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Đồng thời xây dựng các phương án chuẩn bị về nhân lực, vật lực để chủ động đối phó với khả năng lũ bất thường, các lỗi vận hành và trường hợp xói lở đập.
Hồ Yên Lập với dung tích chứa hơn 127 triệu m3, cung cấp nước cho TP.Hạ Long, TP.Uông Bí và TX.Quảng Yên. |
Để đảm bảo an toàn cho hệ thống hồ, đập và đê điều, Sở NN&PTNT yêu cầu các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ triển khai sửa chữa nhiều công trình như: Dự án tràn xả lũ dự phòng và hệ thống thoát lũ sau tràn hồ chứa nước Khe Cát, huyện Tiên Yên; nâng cấp vị trí xung yếu đê Đồng Rui, huyện Tiên Yên. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành, bàn giao các công trình: Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu thuyền tại phường Cẩm Thủy, TP.Cẩm Phả; Khu neo đậu trú bão cho tàu cá tại khu vực Vụng Sú Thoi Dây, huyện Đầm Hà; duy trì 10 điểm đo mưa tự động tại vị trí thượng nguồn hồ chứa, các điểm có nguy cơ cao và kết nối với các điểm quan trắc tự động do các công ty TNHH MTV Thủy lợi lắp đặt để thông báo, cảnh báo cho cộng đồng.
Hệ thống đê Hà Nam mới được nâng cấp, tu bổ đảm bảo an toàn cho hơn 6 vạn dân ở 8 xã đảo, vùng Hà Nam, TX.Quảng Yên |
Cùng với đó, Sở NN&PTNT mới phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh, gồm 5 vùng: Vùng số 1 - đê Hà Nam, TX.Quảng Yên; Vùng số 2 - dân cư vùng nguy cơ sạt lở đất và lũ quét; Vùng số 3 - dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; Vùng số 4 - đê tả sông Kinh Thầy, TX.Đông Triều; Vùng số 5 - hồ chứa nước Yên Lập. Trên cơ sở này, các đơn vị và địa phương của tỉnh chủ động tổ chức xây dựng, thực hiện các phương án đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa bão.
Ông Đoàn Mạnh Phương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi cho biết, trước những diễn biến ngày càng phức tạp của thời tiết, để đảm bảo an toàn các công trình thủy lợi, cần đẩy mạnh việc duy tu, sửa chữa, nhất là việc nâng cấp bảo đảm an toàn các công trình thủy lợi loại vừa và hệ thống đê điều trên địa bàn tỉnh.