Thừa Thiên Huế: Tăng cường công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

Môi trường - Ngày đăng : 19:07, 25/08/2020

(TN&MT) - Những năm gần đây, tình hình thiên tai tại Thừa Thiên Huế diễn ra hết sức khó lường. Có thời điểm mưa lớn kéo dài nhưng cũng có lúc nắng nóng liên tục với nền nhiệt “khủng” đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.

Theo ông Nguyễn Văn Phương - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, tỉnh đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các chuyên gia, các tổ chức cảnh báo là một trong các tỉnh bị ảnh hưởng nặng bởi biến đổi khí hậu. Để phát triển bền vững, tỉnh tiếp tục huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai trong thời gian đến nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản, môi trường... UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng vừa ban hành kế hoạch phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai với nhiều nhiệm vụ cụ thể.

Theo đó, tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ với tổ chức đảng và cấp ủy đảng cùng cấp tổ chức nghiên cứu, quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW, Kế hoạch số 159/KH-TU. Xây dựng và triển khai thực hiện “Chương trình truyền thông về phòng, chống thiên tai - Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng”; tuyên truyền, phổ biến kiến thức, kỹ năng về phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu trong trường học...

Thừa Thiên Huế là địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nhiều thiên tai hàng năm. Trong ảnh là hạn hán ở Thừa Thiên Huế vào năm 2019

Hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách. Giao Sở NN&PTNT chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành rà soát, rà soát, bổ sung hoàn thiện hệ thống các văn bản bảo đảm sự thống nhất, phù hợp, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi, thuận lợi cho việc thực hiện các nhiệm vụ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trên địa bàn tỉnh. Sở LĐTB&XH tham mưu, hướng dẫn việc thực hiện chế độ, chính sách cứu trợ các đối tượng bị thiệt hại ở các địa phương vùng bị thiên tai; triển khai chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. UBND các huyện, thị xã, TP. Huế và các sở, ban, ngành có liên quan chỉ đạo, kiểm tra, giám sát việc lồng ghép nội dung phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch, chiến lược phát triển của ngành, địa phương theo hướng kết hợp đa mục tiêu, hạn chế tối đa làm gia tăng rủi ro thiên tai.

Nâng cao vai trò, năng lực quản lý nhà nước về phòng, chống thiên tai. Trong đó, kiện toàn cơ quan tham mưu chỉ đạo điều hành và hệ thống tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo hướng chuyên môn hóa, đảm bảo sự tập trung, thống nhất, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan làm nhiệm vụ phòng, chống thiên tai các cấp. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh; Công an tỉnh trong phạm vi chức năng nhiệm vụ, quyền hạn được giao tổ chức rà soát, cập nhật điều chỉnh, hoàn thiện kế hoạch nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.

Nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai. Trong đó, tập trung nghiên cứu cơ bản và ứng dụng khoa học, công nghệ trong quan trắc, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai; ưu tiên đầu tư cho hệ thống dự báo khí tượng thủy văn, hệ thống theo dõi, giám sát thiên tai chuyên dùng chuẩn hóa, hiện đại; rà soát, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu, nước biển dâng, dự báo dài hạn về thiên tai, nguồn nước, nhất là đối với các sông liên tỉnh, xuyên biên giới. Ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; xây dựng kế hoạch tiếp nhận, quản lý, vận hành khai thác dự án Vận hành trong tình huống khẩn cấp và quản lý lũ hiệu quả bằng hệ thống thông tin thiên tai toàn diện do Chính phủ Nhật Bản tài trợ.

Sạt lở bờ biển Vinh Hải, huyện Phú Lộc hàng năm

Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực. Các sở, ban, ngành, địa phương xây dựng các kế hoạch, chương trình, đề án nhằm phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai thuộc phạm vi quản lý, đồng thời chủ động đề xuất bố trí nguồn lực thích đáng trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm, kết hợp xã hội hóa các nguồn lực hợp pháp khác để triển khai thực hiện có hiệu quả, dứt điểm các nhiệm vụ, chương trình, đề án đã đề ra.

Ứng dụng khoa học công nghệ. Ưu tiên nguồn lực để triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ trong phòng, chống thiên tai, tập trung nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất công nghệ quan trắc, giám sát thiên tai, công nghệ viễn thám, tin học, tự động hóa, vật liệu mới trong quản lý, khai thác, vận hành cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ phục vụ chỉ đạo điều hành phòng, chống thiên tai.

Vừa qua, để chủ động ứng phó, khắc phục thiệt hại do thiên tai gây ra, ổn định đời sống nhân dân, tỉnh Thừa Thiên Huế đã đề nghị với các Bộ, ngành trung ương 5 vấn đề; trong đó hỗ trợ tỉnh xây dựng kịch bản vỡ đập và bản đồ ngập lụt vùng hạ du các hồ chứa nước hệ thống lưu vực sông Hương, nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp vận hành hệ thống cảnh báo cho các hồ chứa nước tiểu vùng sông Mêkông (đối với hồ thủy điện A Lưới và Alin B2), phương án an toàn hạ du lưu vực sông A Sáp chảy qua tỉnh Sê kông và Salavan (Lào) cũng như quan tâm bố trí nguồn đầu tư công, các chương trình mục tiêu, các nguồn hỗ trợ quốc tế,ODA cho một số dự án phòng chống thiên tai của tỉnh...

Văn Dinh