Thanh Hóa: Chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành thúc đẩy kinh tế phát triển

Xã hội - Ngày đăng : 16:30, 25/08/2020

(TN&MT) - Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình kinh tế gặp nhiều khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, thế nhưng kinh tế Thanh Hóa vẫn có mức tăng trưởng khá. Có được những thành quả đó, cũng nhờ vào việc chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành của Chủ tịch UBND tỉnh.

UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; xây dựng đề án theo chỉ đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy; xây dựng quy hoạch, kế hoạch 5 năm; đánh giá tổng kết thực hiện các chương trình trọng tâm, khâu đột phá thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII và dự kiến các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp các chương trình trọng tâm, khâu đột phá giai đoạn 2021 - 2025; ; ban hành kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết của Chính phủ, Nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; ban hành chương trình công tác của UBND tỉnh; chỉ đạo xây dựng và triển khai các đề án, cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh.

Cùng với việc tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ có tính chiến lược, dài hạn, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch hành động, chương trình công tác năm 2020 để chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ trên các lĩnh vực; cụ thể là:

Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19: ngay từ những ngày đầu xuất hiện dịch Covid-19, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh đã tập trung cao cho công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện kịp thời, quyết liệt, sáng tạo, có hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của Tỉnh ủy về các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo truyền thông rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhất là trên hệ thống truyền thanh cấp huyện, cấp xã; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dịch, kiểm soát chặt chẽ các nguồn lây bệnh; tổ chức cách ly, ngăn ngừa lây lan nguồn bệnh theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của ngành y tế, không có trường hợp ngoại lệ; triển khai thực hiện quyết liệt các biện pháp dập dịch, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng theo quy định.

Thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội, UBND, Chủ tịch UBND tỉnh tập trung chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách nhằm hạn chế tác động của dịch Covid-19 đến thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020; cụ thể:

Trong lĩnh vực nông nghiệp: đã chỉ đạo thực hiện các biện pháp gieo trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng, phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, bảo đảm cấp nước cho sản xuất, dân sinh; đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp; thực hiện có hiệu quả chính sách tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghệ cao và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn Châu Phi, dịch cúm gia cầm A/H5N6; tăng cường phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo vệ phát triển rừng; thực hiện các biện pháp đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, phòng chống lụt bão, đảm bảo an toàn các công trình thuỷ lợi, đê điều; đẩy mạnh xây dựng huyện, xã, thôn, bản nông thôn mới và chương trình mỗi xã một sản phẩm.

Trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm: đã chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý vận chuyển, giết mổ, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm và kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm; chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định tiêu chí, trình tự, thủ tục công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm trên địa bàn tỉnh.

Thanh Hóa chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành để phát triển kinh tế 

Trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông, xây dựng và phát triển đô thị: đã tập trung chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến GPMB, nguồn vốn, nguyên vật liệu, thị trường tiêu thụ, lao động, nhập cảnh của các chuyên gia, cấp điện, cấp nước, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án sản xuất công nghiệp trọng điểm, quy mô lớn; tăng cường quản lý quy hoạch xây dựng, trật tự xây dựng, đất đai, tài nguyên khoáng sản trên địa bàn KKT Nghi Sơn; quản lý hành lang an toàn lưới điện cao áp, đảm bảo an toàn giao thông đường bộ, đường sắt.

Trong lĩnh vực dịch vụ: đã chỉ đạo tăng cường quản lý về giá, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, đầu cơ, găm hàng, nhất là các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, kích cầu du lịch; đẩy mạnh phát triển dịch vụ vận tải hàng hóa bằng container đi quốc tế qua cảng Nghi Sơn; nâng cao hiệu quả khai thác Cảng hàng không Thọ Xuân và kêu gọi các hãng hàng không mở mới các đường bay.

Trong lĩnh vực đầu tư: đã tập trung chỉ đạo phân bổ các nguồn vốn ngân sách nhà nước chưa phân bổ chi tiết; tăng cường quản lý đầu tư xây dựng nguồn vốn đầu tư công, đầu tư nước ngoài; chỉ đạo hướng dẫn thực hiện Luật Đầu tư công năm 2019; đẩy nhanh tiến độ chuẩn bị đầu tư, tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, thu hồi vốn tạm ứng và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản; nâng cao hiệu quả công tác đấu thầu và thúc đẩy áp dụng đấu thầu qua mạng; giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư; giải quyết các vướng mắc liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng; rà soát các dự án đã hết hiệu lực pháp lý chủ trương đầu tư và tạm dừng xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án thương mại dịch vụ theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, khoa học và công nghệ: đã tập trung chỉ đạo lập, thẩm định và phê duyệt kế hoạch sử dụng đất năm 2020 cấp huyện; tăng cường quản lý về khoáng sản làm vật liệu xây dựng và cát, sỏi lòng sông; ngăn chặn và xử lý nghiêm các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép; kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để các điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải; phê duyệt phương án xử lý chất thải rắn; tăng cường quản lý chất thải trong phòng, chống dịch Covid-19; tổ chức các đoàn kiểm tra việc thực hiện kế hoạch GPMB năm 2020; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.

Nhờ việc chú trọng công tác chỉ đạo, điều hành nên tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 3,7%, tuy thấp hơn cùng kỳ những năm gần đây, nhưng là mức tăng trưởng khá trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19.

Thanh Tâm