Cảnh báo khả năng hạn mặn gay gắt trong mùa khô tới

Biến đổi khí hậu - Ngày đăng : 16:23, 25/08/2020

(TN&MT) - Những dấu hiệu lũ kiệt đang diễn ra tại miền Tây khiến nhiều người dân cùng các nhà khoa học sở tại lo ngại cảnh báo vấn nạn hạn hán mùa khô sắp tới có thể gay gắt hơn năm ngoái…

Đến cuối tháng 8, đã vào cao điểm mùa mưa, mực nước trên sông Hậu vẫn chưa có nhiều thay đổi. Ở đầu nguồn, mực nước đo được tại Trạm Tân Châu ngày 23/8/2020 đang ở mức thấp nhất 1,65m

Cũng như năm ngoái và mấy năm gần đây, cuối tháng 8 là cao điểm mùa mưa, nước nước ở đầu nguồn sông Tiền, sông Hậu gíáp biên giới Campuchia dù đã đổi màu đục phù sa của nước lũ nhưng mực nước thì vẫn tiếp tục thấp xuống mức kỷ lục. Ngày 23/8/2020, số liệu thực đo ở Trạm Thủy văn Tân Châu (đầu nguồn vùng ĐBSCL), mực nước đang ở mức thấp nhất là 1,65m.

Trước kia, thời điểm này, nông dân các địa phương đầu nguồn thuộc tình An Giang, Đồng Tháp, phải hối hả thu hoạch lúa Hè Thu, đắp đê bao tháng 8 (đê bao lửng) để phòng lũ chụp tháng 8, giờ thì các hoạt động chống lũ hay chung sống với lũ dường như đã lùi vào quá khứ.

PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu về BĐKH – Trường Đại học Cần Thơ, trăn trở bày tỏ: “Bây giờ, nước về ít, báo hiệu một mùa nước buồn, ít phù sa, nghèo cá và nếu từ nay đến cuối năm không có các cơn bão và áp thấp nhiệt đới mang các cơn mưa lớn vào vùng Trung và Hạ Lào thì mùa khô năm tới sẽ lặp lại điệp khúc hạn hán, nhiễm mặn và khủng hoảng nguồn nước sinh hoạt, ăn uống cho bà con vùng ven biển…”. 

Lưu lượng Mekong đổ vào hai chỉ lưu sông Tiền, sông Hậu vẫn ở mức kiệt kỷ lục, dù chỉ còn gần 2 tháng nữa cao điểm mùa mưa sẽ trôi qua, khả năng bù nước chỉ còn mong chờ vào hiện tượng bất thường của thời tiết.

Trước đó, lưu lương mưa trong tháng 7 đã giảm so với năm trước và mực nước trên dòng Mekong phía thượng lưu vực đã kiệt kỷ lục. Phân tích các dữ liệu ghi nhận của các trạm thủy văn từ Trạm Chang Saen  - Thái Lan (Trạm đầu tiên nhận nước từ đập Cảnh Hồng của Trung Quốc), tới Trạm Pakse (Trạm cuối thuộc địa phận Lào trước biên giới Campuchia), đều cho thấy lượng mưa giảm so cùng kỳ và mực nước trên sông Mekong cũng thấp hơn mực nước thấp nhất trong lịch sử.

Đáng chú ý, diễn biến thủy văn trên sông Mekong thuộc địa phận Campuchia trước khi đổ vào biển hồ Tonlesap, tác động trực tiếp đến 2 chỉ lưu sông Tiền, sông Hậu của Việt Nam, lượng mưa tăng không đáng kể nhưng mực nước lại suy giảm rõ rệt so với năm ngoái.

Cụ thể, tại Trạm Stung Treng - Trạm đầu tiêu trong biên giới Campuchia, lượng mưa cao hơn năm 2019 nhưng mực nước lại thấp hơn năm 2019 và thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử khoảng 1m. Trạm Kratie, lượng mưa thấp hơn 2019, mực nước thấp hơn 2019 khoảng 0,6m và thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử khoảng 2m. Trạm Bassac Chaktomuk - Trạm đo gần biên giới Việt Nam - Campuchia, lượng mưa cũng thấp hơn 2019, mực nước tương đương năm 2019 và thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử hơn 2m. Đặc biệt, tại Trạm PhnomPenh Port - Trạm đo trước khi đổ vào Biển hồ Tolesap mực nước tương đương năm 2019 và thấp hơn mực thấp nhất lịch sử khoảng 2,5m.

Một trong những dòng kênh dẫn nước ngọt sông Hậu về bán đảo Cà Mau giữa mùa mưa

Bình luận về diễn biến thủy văn trong lưu vực Mekong, ThS Kỷ Quang Vinh (nguyên Giám đốc Trung tâm quan trắc TN&MT Cần Thơ), chuyên gia độc lập nghiên cứu về môi trường sinh thái ở miền Tây, dẫn lời Giám đốc Trung tâm Khí tượng Quốc Gia Trung Quốc, cho rằng do từ đầu mùa mưa năm 2020 đến nay hệ thống đới áp cao cận nhiệt đới ở phía tây bắc Thái Bình Dương năm nay rất mạnh. Nó giao thoa với không khí lạnh dẫn tới mưa lớn liên tục trút xuống bổn địa sông Trường Giang nên mưa không nhiều ở lưu vực sông Mekong. Theo ThS. Kỷ Quang Vinh, dù số liệu của ông này không đầy đủ nhưng cũng với số liệu mức nước của Thái Lan và Campuchia có thể thấy: Mực nước sông Mekong từ Thái Lan xuống đến Việt Nam không cao hơn so với năm 2019 và thấp hơn mực nước thấp nhất lịch sử khá nhiều. 

Ông Vinh, cho rằng: Mực nước biển hồ rất thấp khó có khả năng điều tiết nước vào mùa khô năm 2021. Nếu như từ nay đến hết mùa mưa trên các nước thượng nguồn ĐBSCL không có mưa lớn kéo dài thì các điều kiện cần để có mùa khô khốc liệt đầu năm 2021 tại ĐBSCL đã có. Đầu năm 2021 nếu không có mưa trái mùa nhiều, mà là một mùa khô bình thường thậm chí là mùa khô kéo dài sẽ là điều kiện đủ cho hạn hán như mùa khô năm 2020 hoặc nặng nề hơn xuất hiện. “Hạn mặn đầu năm 2021 như thanh gươm của Damocles đang treo lơ lửng trên bầu trời ĐBSCL” - ThS Kỷ Quang Vinh, nhấn mạnh.

Hùng Long