Hà Nội: Tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng
Môi trường - Ngày đăng : 11:48, 25/08/2020
Theo Kế hoạch, Ban Quản lý sẽ từng bước cải thiện chất lượng các loại rừng, nhất là rừng trồng; thực hiện khai thác tỉa thưa, trồng thay thế dần các loài cây keo, bạch đàn, thông bằng các loài cây bản địa để tăng tính đa dạng sinh học cho rừng phòng hộ Sóc Sơn. Đồng thời, tăng nguồn thu từ dịch vụ môi trường rừng và dịch vụ du lịch; xây dựng các cơ chế chính sách để người dân ngày càng được hưởng lợi từ tài nguyên rừng.
Bên cạnh đó là xây dựng được nền lâm nghiệp phát triển bền vững, tạo việc làm, tăng thu nhập cho cán bộ quản lý cũng như chủ nhận khoán và người dân sống gần rừng thông qua tham gia các hoạt động trồng rừng, khai thác lâm sản ngoài gỗ, khác thác du lịch sinh thái và bảo vệ rừng với thu nhập bình quân đạt khoảng 8-9 triệu đồng/tháng.
Ảnh minh họa |
Bảo đảm cho người dân sống gần rừng yên tâm đầu tư phát triển lâm nghiệp, lâm sản ngoài gỗ, du lịch sinh thái, đưa các hoạt động cung ứng dịch vụ môi trường rừng thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Hạn chế, giảm tối đa các vi phạm pháp luật và bảo vệ và phát triển rừng trên diện tích Ban quản lý.
Bảo đảm huy động mọi nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển bền vững 3.740ha rừng phòng hộ đã được phê duyệt cũng như diện tích rừng phòng hộ, đặc dụng trên toàn thành phố Hà Nội mà Ban sắp tiếp nhận; giữ ổn định và phát triển bền vững diện tích rừng tự nhiên hiện có, thực hiện khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung nâng cao chất lượng rừng trồng...
Hiện, Ban quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội đang quản lý hơn 5.160ha rừng phòng hộ, đặc dụng; trong đó: Khu vực rừng đặc dụng Hương Sơn hơn 3.416ha; khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn hơn 1.744ha. Theo Quyết định số 2374/QĐ-UBND ngày 9/6/2020 về việc công bố hiện trạng rừng thành phố Hà Nội năm 2019 thì tổng diện tích rừng phòng hộ dự kiến Ban sẽ tiếp nhận thêm hơn 1.996ha, nâng tổng số diện tích rừng phòng hộ mà Ban quản lý là hơn 3.740ha.
Trong những năm sắp tới, Ban Quản lý sẽ triển khai trồng rừng tập trung 100ha; khoán bảo vệ rừng hơn 3.740ha; hỗ trợ bảo vệ rừng hơn 3.740ha; chăm sóc rừng 100ha/năm; thi công các công trình phòng cháy, chữa cháy rừng (hạ cấp vật liệu cháy) 100ha/năm…