TP.HCM kỳ vọng các giải pháp chống ngập
Môi trường - Ngày đăng : 10:48, 25/08/2020
Hàng ngàn tỷ đồng cho chống ngập
Chương trình Giảm ngập nước là một trong những chương trình đột phá của TP.HCM thực hiện theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, trong 5 năm triển khai Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2016 - 2020, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 44 dự án chống ngập với tổng mức đầu tư 5.453 tỷ đồng. Đến nay, tổng số kinh phí đã đầu tư cho công tác chống ngập là gần 26.000 tỷ đồng.
Những dự án chống ngập lớn đã đi vào hoạt động có thể kể đến như: Hệ thống kênh Tân Hóa - Lò Gốm, cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè, hệ thống thoát nước Quốc lộ 1A đoạn từ cầu vượt An Sương đến Nguyễn Văn Quá, xây dựng 4 đoạn đê bao xung yếu khu vực quận Thủ Đức thuộc bờ tả sông Sài Gòn, hệ thống thoát nước đường An Dương Vương…
Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) đang được đẩy nhanh tiến độ |
Nhờ những dự án này, công tác chống ngập của TP.HCM đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận: số lượng điểm ngập giảm rõ rệt, chiều sâu ngập, thời gian ngập giảm. Nếu như trước đây, thời gian ngập có thể kéo dài 4 - 6 tiếng, nhưng hiện nay ngập chỉ kéo dài 15 - 40 phút sau mưa.
Ông Vũ Văn Điệp cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, TP.HCM có 3 trận mưa lớn với vũ lượng từ 70 mm đến 112,3 mm đã gây ngập 22 tuyến đường, trong khi năm năm 2008 cũng với vũ lượng như vậy đã gây ngập cho 126 tuyến đường.
Nhiều tuyến đường trước đây thường bị ngập khi có mưa lớn thì nay đã được xử lý triệt để như: Vòng xoay Cây Gõ, đường 3/2, Âu Cơ, Đồng Đen, Bình Thới, khu vực bến xe Chợ Lớn, đường Nơ Trang Long, Kinh Dương Vương, khu vực Công viên Đầm Sen..
Vì sao chưa hết ngập?
Mặc dù, công tác chống ngập đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng hiện nay, tình trạng ngập nước tại TP.HCM vẫn được đánh giá là “nghiêm trọng”, vẫn là nỗi ám ảnh của người dân, là nỗi trăn trở của lãnh đạo TP.HCM.
Theo ông Vũ Văn Điệp, Giám đốc Trung tâm Quản lý hạ tầng kỹ thuật TP.HCM, đến hết năm 2019, thành phố mới giải quyết được 22/37 tuyến đường ngập, đạt 69,46% so với chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2016 - 2020. Việc hoàn thành 100% kế hoạch chống ngập của cả giai đoạn là không khả thi.
Các điểm ngập nước thường xuyên có thể kể đến như: Quốc lộ 50, Đào Sư Tích, Lê Văn Lương, Hồ Học Lãm, Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Hưởng, Nguyễn Hữu Cảnh, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Ích, Ung Văn Khiêm, Quốc Hương, Bình Lợi, Tô Ngọc Vân, Kha Vạn Cân… Trong đó, có những khu vực được mệnh danh là “rốn” ngập như: Đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), khu vực Thảo Điển (quận 2)…
Hàng loạt nguyên nhân chủ quan và khách quan đã được mổ xẻ để lý giải cho tình trạng ngập nước của TP.HCM. Trong đó, theo các chuyên gia, TP.HCM được đánh giá là một trong những thành phố lớn trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng, khiến theo thời gian nhiều khu vực sẽ tiếp tục ngập nặng nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời.
Trong khi đó, quá trình đô thị hóa nhanh, kết cấu hạ tầng thoát nước của thành phố được xây dựng từ lâu, năng lực thiết kế không thể đáp ứng năng lực thoát nước tại thời điểm hiện nay. Vì vậy, vào các thời điểm mưa lớn, kéo dài, kết hợp triều cường sẽ khiến cho việc tiêu thoát nước càng trở lên khó khăn, thậm chí nước từ bên ngoài ngoài có thể tràn chảy vào phía trong, khiến cho tình trạng ngập càng nghiêm trọng.
Cũng theo ông Vũ Văn Điệp, một bộ phận nhỏ người dân còn thiếu ý thức, xả rác bừa bãi ra các miệng hố ga, cống thoát nước, lấn chiếm kênh rạch, khiến hệ thống thoát của thành phố bị tê liệt, gây ngập nước cục bộ cho nhiều khu vực.
Điển hình tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, có hai hướng thoát nước chính là kênh A41 và kênh Hy Vọng. Tuy vậy, nhiều năm nay, toàn tuyến kênh A41 và một phần kênh Hy Vọng bị người dân lấn chiếm. Vì vậy, khi có mưa lớn nước không thể thoát, gây ra tình trạng ngập nước thường xuyên cho khu vực Sân bay, ảnh hưởng không nhỏ đến cất và hạ cánh của máy bay.
Đường Trần Xuân Soạn (Quận 7) thường xuyên bị ngập nước do mưa lớn kết hợp triều cường |
Một nguyên nhân khác là do thiếu kinh phí, chậm trễ trong giải phóng mặt bằng nên nhiều dự án hạ tầng có chức năng chống ngập không được triển khai hoặc triển khai chậm tiến độ. Điển hình như dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2; Dự án nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng ven rạch Xuyên Tâm từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật (quận Bình Thạnh, Gò Vấp)…
Nhiều kỳ vọng
Ban Cán sự Đảng, UBND TP.HCM đã có Tờ trình gửi Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về việc điều chỉnh quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn năm 2050. Theo đó, quy hoạch thoát nước của Thành phố sẽ được mở rộng trên diện tích khoảng 2.095 km2 bao gồm 23 quận, huyện (trừ huyện Cần Giờ), rộng gấp ba lần so với diện tích quy hoạch cũ.
Theo ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, việc điều chỉnh này nhằm lập quy hoạch thoát nước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố. Điều chỉnh này còn làm cơ sở cho việc phát triển dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp hệ thống thoát nước trên địa bàn thành phố.
Khi triển khai quy hoạch điều chỉnh tổng thể hệ thống thoát nước mới, TP.HCM sẽ xây dựng thêm hàng loạt công trình tiêu thoát nước mới, trong đó có hệ thống hồ điều tiết. Đồng thời, các giải pháp tiêu thoát nước, chống ngập sẽ được gắn với công tác ứng phó với biến đổi khí hậu và mang tính liên vùng, liên tỉnh.
Đặc biệt, TP.HCM đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành Dự án chống ngập có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) có tổng vốn đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Dự án này có khả năng kiểm soát ngập do triều, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho diện tích 750 km2 với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm thành phố. Dự án còn giúp thành phố chủ động điều tiết hạ thấp mực nước ở các kênh rạch, cải thiện khả năng tiêu thoát nước đô thị và tạo cảnh quan môi trường cho khu vực.
Dự kiến, đến tháng 10/2020, dự án chống ngập sẽ được hoàn thành và đi vào sử dụng. Đây cũng là thời điểm TP.HCM bước vào giai đoạn triều cường cuối năm. Hy vọng, dự án sẽ phát huy được tác dụng, tương xứng với tổng số tiền đầu tư và kỳ vọng lớn của người dân thành phố.
Ngoài ra, để phát huy hệ thống tiêu thoát nước,TP.HCM đang nỗ lực khôi phục lại hệ thống kênh rạch bị san lấp, lấn chiếm (còn 34 vị trí lấn chiếm); đồng thời, quyết tâm không để phát sinh những điểm lấn chiếm mới.
Bên cạnh đó, TP.HCM đang đẩy mạnh Cuộc vận động “Người dân không xả rác ra đường và kênh rạch vì thành phố sạch và giảm ngập nước” nhằm kêu gọi người dân không xả rác ra các miệng hố ga, cống thoát nước, kênh rạch.
Với hàng loạt giải pháp mà TP.HCM đã và đang triển khai thực hiện, hy vọng một thời gian không xa, tình trạng ngập nước trên địa bàn sẽ sớm được căn bản giải quyết, đem lại chất lượng sống tốt hơn cho người dân thành phố.