5 nội dung triển khai Kế hoạch quản lý rác nhựa đại dương

Môi trường - Ngày đăng : 16:33, 24/08/2020

(TN&MT) - ​​​​​​​Bộ TN&MT vừa cụ thể hóa 5 nội dung nhằm triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Việc triển khai đặt trọng tâm vào nâng cao nhận thức, thay đổi lối sống và hoàn thiện chính sách.

Áp dụng mô hình 5R

Theo Bộ TN&MT, việc quan trọng hàng đầu trong việc hạn chế rác thải nhựa nói chung và rác thải đại dương nói riêng là nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, ứng xử với các sản phẩm nhựa và rác thải nhựa đại dương.

Bộ TN&MT xác định tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào “Nói không với sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy”; kịp thời biểu dương, khen thưởng các điển hình tiên tiến trong phong trào giảm thiểu rác thải nhựa đại dương.

Đặc biệt, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các đợt tuyên truyền, đẩy mạnh các hoạt động áp dụng mô hình 5R (Renew, Refuse, Reduce, Reuse, Recycle - Gia hạn, Từ chối, Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế)trong vận hành, sản xuất dịch vụ, cuộc sống thường ngày để giảm thiểu, hạn chế, nói không với rác thải nhựa. So với mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycle - Giảm thiểu, Tái sử dụng, Tái chế) trước đây, mô hình 5R hạn chế việc thải rác nhựa nhiều hơn.

Bộ TN&MT khuyến khích xây dựng và thực hiện các hoạt động, phát động phong trào khởi nghiệp, các sáng kiến xanh về tái chế, tái sử dụng chất thải nhựa,sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường nhằm thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh.

Bộ TN&MT sẽ tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia

Để triển khai mạnh mẽ việc hạn chế rác thải nhựa, Bộ TN&MT sẽ tổ chức các hoạt động thu gom rác thải, làm sạch một số bãi biển quy mô quốc gia, tối thiểu một năm hai lần trên cơ sở xác định thứ tự ưu tiên và lộ trình thực hiện phù hợp; Điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền ra biển và từ các hoạt động trên biển, hải đảo.

Bộ sẽ đề xuất, phối hợp với các địa phương ven biển xây dựng và thực hiện thí điểm mô hình phân loại chất thải, rác thải nhựa tại nguồn tại một số khu kinh tế, khu đô thị, khu công nghiệp, chế xuất ven biển; Thực hiện việc điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải nhựa từ đất liền, từ các hoạt động trên biển và hải đảo, lồng ghép với các giải pháp, biện pháp quản lý tổng hợp lưu vực sông, các đô thị ven biển, cửa sông; tăng cường kiểm soát, quản lý việc xả thải vào nguồn nước.

Vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam

Bởi rác thải nhựa đại dương có tính liên vùng, liên quốc gia nên hợp tác quốc tế được Bộ TN&MT xem là một trong 5 ưu tiên lớn.

Theo Bộ TN&MT, cần duy trì và phát triển quan hệ hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế, chủ động phối hợp trong việc kiểm soát, quản lý rác thải nhựa đại dương; triển khai các sáng kiến của Việt Nam với cộng đồng quốc tế về quản lý rác thải nhựa đại dương; xác định các đối tác ưu tiên, tiềm năng cần đẩy mạnh phát triển hợp tác theo từng giai đoạn, phù hợp với năng lực, trình độ trong nước về công nghệ, ứng dụng; Thúc đẩy và tham gia tích cực các hoạt động hưởng ứng Thập kỷ của Liên hợp quốc về khoa học biển vì sự phát triển bền vững (2021 - 2030), chú trọng tới việc phối hợp nghiên cứu khoa học và công nghệ về rác thải nhựa đại dương với các đối tác quốc tế;

Bộ sẽ xây dựng và triển khai Dự án chuẩn bị đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành Trung tâm quốc tế về rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam; chia sẻ thông tin, dữ liệu với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực, trên thế giới về rác thải nhựa đại dương.

Các đoàn viên tham gia làm sạch biển

Đặc biệt, về lâu dài, Bộ tiến hành hàng loạt các nghiên cứu về tác động của rác thải nhựa đại dương; cơ chế quản lý rác thải nhựa đại dương; vai trò và trách nhiệm pháp lý của ngành bao bì trong quản lý rác thải tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng khung trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.

Từ các nghiên cứu này, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới hệ thống quy chuẩn kỹ thuật môi trường, tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý rác thải nhựa đại dương. Xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp sản xuất, sử dụng các sản phẩm xanh, tái chế và thân thiện với môi trường.

Để triển khai Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030, Bộ TN&MT giao Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; Các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch thực hiện cho giai đoạn đến năm 2025 và cụ thể hóa cho từng năm.

Cuối năm 2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030. Mục tiêu đến năm 2030 giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển và đại dương; 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống biển; 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy; 100% các khu bảo tồn biển không còn rác thải nhựa. Đồng thời, mở rộng quan trắc hằng năm và định kỳ 5 năm một lần đánh giá hiện trạng rác thải nhựa đại dương tại một số cửa sông thuộc 11 lưu vực sông chính và tại 12 huyện đảo.

Mai Chi