Tiếp bài “Căng thẳng” nguồn cung cấp nước thô Nhà máy nước Đô Lương”: Cần khẩn cấp có giải pháp “giải khát” cho người dân
Tiếng dân - Ngày đăng : 14:30, 24/08/2020
Người dân” kêu cứu” vì không có nước
Có mặt tại huyện Đô Lương vào sáng ngày 24/8/2020, không khó để bắt gặp cảnh người dân tay xách nách mang can nhựa, bình đựng nước ngược xuôi khắp nơi để mua nước sinh hoạt về dùng.
Chị Nguyễn Thị Yến, chủ một quán ăn buổi sáng tại xóm 11, xã Tràng Sơn (huyện Đô Lương) chỉ vào 2 can nước vừa đi mua về, phản ánh: “Mỗi can 20 lít nước tôi vừa đi mua về có giá 20 nghìn/1 can đó chú. Mất nước đã 3 ngày nay nên bình dự trữ có 1.000L không thể đủ để gia đình sinh hoạt và nấu nướng phục vụ cho khách. Cứ đà này ít ngày nữa chắc phải đóng quán vì mua nước như thế giá quá cao”.
Công trường thi công đập Bara Đô Lương sáng 24/8/2020 |
Chị Hà, một chủ quán kinh doanh đồ ăn cũng nói như mếu: “Chú không biết chứ chồng chị vừa đi mua 4 can nước sinh hoạt hết 80 nghìn đồng. Tính ra mỗi can là 20 nghìn đồng, thành ra mỗi m3 nước có giá đến gần cả triệu bạc. Nước máy bị mất nghe nói còn kéo dài đến giữa tháng 9 này. Nếu cấp trên không có giải pháp thì nước sinh hoạt cũng không có mà dùng chứ chưa nói đến chuyện nấu nước để kinh doanh”.
Mỗi can nước thế này người dân phải đi mua từ nơi khác về dùng với giá mua là 20 nghìn đồng |
Còn anh Hà Văn Ánh – Chủ Nhà hàng 15A tại xóm 13, xã Tràng Sơn thì cho hay: “Nhà hàng có bình dự trữ nước máy được cung ứng từ Nhà máy nước Đô Lương với dung tích 2.000L. Tuy nhiên, nguồn nước hiện nay đang mất nên Nhà hàng chăc chỉ có thể “cầm cự” được thêm khoảng 2-3 ngày nữa là hết sạch. Mong sao các bên liên quan cần có giải pháp để sớm có nguồn nước cung ứng để chúng tôi ổn định sản xuất kinh doanh. Đợt dịch Covid-19 khó khăn chưa qua, nay lại vướng chuyện nước sạch thế này thì làm ăn đang gặp khó khăn vô cùng”.
Nhân viên Nhà hàng 15A phải tiết kiệm từng giọt nước vì theo chủ nhà hàng này thì nước dự trữ của họ chỉ có thể "cầm cự" được khoảng 2-3 ngày |
Cùng chung cảnh ngộ với những hộ kinh doanh nhà hàng, dịch vụ ăn uống, rửa xe…là hàng nghìn hộ dân đang "khát nước". Ngoài ra, các cơ sở y tế, chăm sóc sức khỏe, khách sạn, nhà nghỉ và các cơ quan công quyền có sử dụng nguồn nước cung ứng từ Nhà máy nước Đô Lương mấy ngày qua cũng đang như “ngồi trên đống lửa” vì không có nước sử dụng.
Đâu là vướng mắc?
Dẫn PV đi ra khu vực lấy nước thô của Nhà máy nước Đô Lương, anh Hồ Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Nhà máy nước Đô Lương, cho hay: “Nhà máy nước Đô Lương từ trước đến nay lấy nguồn nước thô từ sông Đào, cách Bara Đô Lương khoảng gần 2km. Sự cố vỡ đập Bara vào đầu tháng 6 khiến cho gần 8.000 khách hàng của chúng tôi tại 7 xã và thị trấn thuộc huyện Đô Lương bị mất nước trong mấy ngày".
Ống lấy nước thô của Nhà máy nước Đô Lương cạn trơ đáy vì đóng nước |
"Kể từ đó, cùng với ảnh hưởng từ việc thi công đập Bara Đô Lương nên độ đục của nguồn nước thô rất lớn nhiều khi hệ thống của Nhà máy chúng tôi không thể xử lý nổi nên phải hạn chế đầu vào. Vì thế, nhiều thời điểm một số xóm bị mất nước, nước yếu là điều thường xuyên xảy ra trong thời gian qua. Nay để thi công hệ thống Thủy lợi Đô Lương để thi công hợp phần 1 – Dự án khôi phục nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An thì từ sáng 22/8, họ đã đóng nguồn nước nên không thể có nguồn nước thô đầu vào phục vụ sản xuất nước sạch được. Từ chiều ngày 22/8 Nhà máy chúng tôi đã phải ngưng vận hành toàn bộ hệ thống vì đã không còn giọt nước nào…” - Anh Hưng cho biết thâm.
Nguồn nước tại sông Đào nơi lấy nước thô của Nhà máy nước Đô Lương đục ngầu, cạn kiệt từng ngày |
Trước đó, ngày 19/8, Báo TN&MT đã có bài phản ánh trước đó về tình trạng thiếu nước sinh hoạt của người dân Đô Lương trong thời gian qua.
Theo đó, căn cứ vào Lịch đóng nước phục vụ thi công hợp phần 1 – Dự án khôi phục nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An từ năm 2015-2019 của UBND tỉnh Nghệ An, tháng 8/2019, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An đã có thông báo về việc đóng nước hệ thống Thủy lợi Đô Lương để thi công hợp phần 1 – Dự án khôi phục nâng cấp Hệ thống Thủy lợi Bắc Nghệ An gửi các đơn vị liên quan, trong đó có Công ty CP cấp nước Nghệ An. Văn bản nêu trên cũng nêu rõ, việc ra thông báo trên là để các đơn vị biết để có kế hoạch bố trí sản xuất trong các thời gian đóng nước.
Nhà máy nước Đô Lương đã dừng vận hành từ chiều ngày 22/8 vì không có nguồn nước thô |
Trước thực trạng trên, 2 ngày sau sự cố vỡ đập Bara Đô Lương, ngày 08/6/2020, Công ty CP cấp nước Nghệ An đã có Công văn số 199/CV-CNNA gửi UBND tỉnh Nghệ An xin xây dựng công trình tạm để cung cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương, vị trí đặt là bên bờ trái sông Lam, cách bờ trái sông Đào khoảng 300m về phía thượng lưu sông Lam. Trong văn bản này, Công ty CP cấp nước Nghệ An cũng nêu rõ mục đích của công trình tạm nêu trên là nhằm đảm bảo đủ nước sạch cho nhân dân cũng như do tiến độ xây dựng công trình Đập Bara Đô Lương đang trong thời gian thi công kéo dài đến tận năm 2021.
Nhận được văn bản trên của Công ty CP cấp nước Nghệ An, ngày 16/6/2020, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản 3756/UBND-NN. Văn bản nêu trên của UBND tỉnh Nghệ An giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, UBND huyện Đô Lương và các cơ quan liên quan xem xét đề nghị của Công ty CP cấp nước Nghệ An tham mưu UBND tỉnh quyết định.
Ngày 30/7/2020, Sở NN&PTNT Nghệ An có Văn bản số 2415/SNN-TL về việc lấy ý kiến xây dựng công trình tạm để cấp nước thô cho nhà máy nước Đô Lương gửi các Sở Tài chính, TN&MT, GTVT, UBND huyện Đô Lương và Công ty TNHH MTV Thủy lợi Bắc Nghệ An.
Anh Hồ Văn Hưng, cán bộ kỹ thuật Nhà máy nước Đô Lương cạnh hệ thống máy móc không thể vận hành |
Tuy nhiên sự việc lại bị kéo dài “nhì nhằng” mãi đến ngày 21/8/2020 Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An mới có Văn bản số 2731/SNN-TL Báo cáo xây dựng công trình tạm để cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương gửi UBND tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, trong báo cáo nêu trên của Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An lại “đeo vòng kim cô” cho chủ đầu tư bằng một số yêu cầu rất phi lý, có dấu hiệu cố ý gây khó dễ cho doanh nghiệp như: “Nếu chủ trương đầu tư được chấp thuận, Sở NN&PTNT đề nghị Công ty CP cấp nước Nghệ An thực hiện một số nội dung sau: Thực hiện đầy đủ các thủ tục pháp lý theo đúng quy định của Luật Đê điều, Luật Thủy lợi trước khi tiến hành xây dựng; Hồ sơ thiết kế công trình phải được Sở NN&PTNT thỏa thuận bằng văn bản trước khi phê duyệt để đánh giá tác động, ảnh hưởng của xây dựng công trình tạm đối với tuyến đê Tả Lam và Dự án khôi phục, nâng cấp Hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An; Có phương án đảm bảo không ảnh hưởng đến an toàn đê điều, thủy lợi, không gây hư hỏng mặt đê trong quá trình xây dựng, nếu hư hỏng phải tiến hành sửa chữa ngay…”.
Không khó để bắt gặp cảnh người dân Đô Lương ngược xuôi đi mua nước |
Căn cứ vào báo cáo trên, ngày 24/8/2020, UBND tỉnh Nghệ An có Văn bản số 5657/UBND-NN về việc xây dựng công trình tạm để cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương. Văn bản trên thống nhất với các ý kiến của Sở NN&PTNT về việc xây dựng công trình tạm cấp nước thô cho Nhà máy nước Đô Lương. Văn bản của UBND tỉnh Nghệ An cũng giao cho Công ty CP cấp nước Nghệ An thực hiện đầy đủ những nội dung như trong Báo cáo của Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh Nghệ An.
Trước sự việc trên, lãnh đạo Công ty CP cấp nước Nghệ An cho hay: Việc người dân phản ánh nước sinh hoạt bị mất là có thật. Do lường trước được tình hình, ngày 19/8/2020 chúng tôi đã gửi Công văn số 311/CV-CNNA đề nghị UBND tỉnh xem xét chưa đóng nước kênh chính để người dân Đô Lương có nước sử dụng. Mặt khác, chúng tôi tiếp tục đến Chi cục thủy lợi để “xin” cơ quan này khẩn trương tham mưu Sở NN&PTNT báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho lắp đặt công trình cấp nước thô tạm, nhưng mãi đến ngày 21/8/2020 (trước khi đóng nước 01 ngày) Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An mới có văn bản báo cáo UBND tỉnh.
Nhà máy nước Đô Lương "thất thủ" vì không có nguồn nước thô để hoạt động |
Theo tìm hiểu của PV, Chi cục Thủy lợi Nghệ An là cơ quan được Sở NN&PTNT giao tham mưu giải quyết phương án lắp đặt công trình tạm cấp nước thô nhưng lại cố tình kéo dài thời gian xử lý hồ sơ, lấy ý kiến không cần thiết ở nhiều ngành trái với chỉ đạo của UBND tỉnh. Thậm chí trước khi đóng nước một ngày, cơ quan này còn ban hành văn bản tham mưu Sở NN&PTNT mang tính chất thách đố doanh nghiệp hoàn thành các “giấy phép con”, hoàn thành công trình tạm trước khi sông Đào cạn nước.
Hiện nay, lịch đóng nước 21 ngày của UBND tỉnh Nghệ An đã thực hiện được 3 ngày và sẽ còn kéo dài đến hết ngày 13/9/2020, việc chậm trễ triển khai giải kháp khắc phục nguồn nước thô hiện nay là do cách giải quyết không linh hoạt, chậm trễ, thậm chí có dấu hiệu cố tình làm khó doanh nghiệp của Chi cục Thủy lợi và Sở NN&PTNT tỉnh nghệ An dẫn đến gần 8.000 hộ dân sử dụng nước sạch của Nhà máy nước Đô Lương phải gánh chịu hậu quả. Những khó khăn, bất tiện và hệ quả của việc mất nước sinh hoạt tại huyện Đô Lương như hiện nay ai sẽ là người chịu trách nhiệm?
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin.