Người dân có quyền khiếu nại hoặc tố cáo hành vi sai phạm của cán bộ địa chính

Tư vấn pháp luật - Ngày đăng : 11:22, 23/08/2020

(TN&MT) - Gia đình tôi có một mảnh đất tại huyện Hoài Đức, Hà Nội. Từ năm 2015, chúng tôi được xã thông báo làm hồ sơ cấp sổ đỏ. Tuy nhiên, đã 5 năm trôi qua, gia đình tôi vẫn không nhận được sổ đỏ. Nhiều lần gia đình tôi lên hỏi địa chính xã nhưng đều không nhận được câu trả lời thoả đáng. Xin Báo Tài nguyên & Môi trường cho biết, trong trường hợp này, gia đình tôi có thể khiếu nại, khiếu kiện cán bộ địa chính xã hay không? Nếu được thì gia đình tôi gửi đơn đến cơ quan nào? Xin trân trọng cảm ơ

Ảnh minh hoạ

Câu hỏi của bạn Báo Tài nguyên & Môi trường tư vấn như sau:

Pháp luật hiện hành quy định, khi cá nhân, tổ chức phát hiện hành vi vi phạm của cán bộ, công chức thì người phát hiện có thể khiếu nại hoặc tố cáo theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, Điều 209 Nghị định 43/2014/NĐ-CP còn quy định tổ chức, cá nhân khi phát hiện công chức, viên chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp, công chức địa chính cấp xã vi phạm quy định về trình tự, thủ tục, thời hạn đối với việc giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, làm thủ tục thực hiện quyền của người sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận thì có quyền gửi đơn kiến nghị đến người có thẩm quyền để được giải quyết. Đối với vi phạm của công chức địa chính cấp xã thì gửi kiến nghị đến Chủ tịch UBND cấp xã.

Bên cạnh đó, Báo Tài nguyên & Môi trường cũng cung cấp thêm cho bạn quy định về đối tượng bị xử lý vi phạm khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai theo Điều 96 Nghị định 43/2014/NĐ-CP gồm:

- Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

- Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai, ví dụ như: Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi; Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính.

Hay, giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính; Giải quyết thủ tục hành chính chậm so với thời hạn quy định; Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật về đất đai đã đủ điều kiện để thực hiện.

- Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc một trong những trường hợp sau đây mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý: Tổ chức được giao quản lý công trình công cộng, gồm công trình đường giao thông, cầu, cống, vỉa hè, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê, đập; quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm.

Hoặc tổ chức kinh tế được giao quản lý diện tích đất để thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và các hình thức khác theo quy định của pháp luật về đầu tư; Tổ chức được giao quản lý đất có mặt nước của các sông và đất có mặt nước chuyên dung; Tổ chức được giao quản lý quỹ đất đã thu hồi theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Báo TN&MT