WHO khuyến cáo hành động nhanh chóng trong đợt bùng phát COVID-19 mới
Thế giới - Ngày đăng : 08:05, 23/08/2020
Nhân viên y tế cung cấp thông tin COVID-19 cho một bệnh nhân tại Trung tâm Y tế Jerusalem. Ảnh: UNRWA / Louise Wateridge |
Tổng giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết các quốc gia này nên nâng cao cảnh giác vì “tiến bộ không có nghĩa là chiến thắng”.
Số ca nhiễm toàn cầu tăng lên hơn 23 triệu
Trên toàn cầu, số ca nhiễm COVID-19 hiện đã tăng đến hơn 23 triệu và hơn 801.000 ca tử vong. “Trong khi đó, số người cần nhập viện vẫn ở mức cao”, người đứng đầu WHO nói.
Ông Tedros cảnh báo: “Không quốc gia nào có thể giải quyết vấn đề này cho đến khi chúng ta có vaccine. Vaccine sẽ là một công cụ quan trọng và chúng ta hy vọng sẽ có vaccine càng sớm càng tốt. Nhưng không có gì đảm bảo rằng chúng ta sẽ làm được, và ngay cả khi có vaccine, không chắc chắn đại dịch sẽ kết thúc”.
Ông Tedros nhấn mạnh cam kết của WHO đối với các quốc gia khi những nước này nỗ lực hướng tới việc tái mở cửa an toàn các nền kinh tế, xã hội, trường học và doanh nghiệp.
Câu chuyện về 2 đại dịch
Người đứng đầu WHO cũng hy vọng rằng đại dịch COVID-19 sẽ bị đánh bại trong vòng chưa đầy 2 năm, hoặc ít hơn thời gian cần thiết kết thúc đại dịch Cúm Tây Ban Nha nhờ sự đoàn kết toàn cầu và sử dụng vaccine.
Ông Tedros đang trả lời câu hỏi của một nhà báo về những điểm tương đồng giữa hai cuộc khủng hoảng. Đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 kéo dài từ tháng 2/1918 đến tháng 4/2020. Ông Tedros chỉ ra rằng mặc dù COVID-19 lây lan nhanh hơn là “điểm bất lợi" của toàn cầu hóa nhưng con người ngày nay có "lợi thế" về công nghệ và kiến thức.
“Vì vậy, chúng ta hy vọng sẽ kết thúc đại dịch này trước chưa đầy 2 năm, đặc biệt là nếu chúng ta có thể cùng nhau nỗ lực và với sự đoàn kết dân tộc, đoàn kết toàn cầu - đó thực sự là chìa khóa. Chúng ta sẽ sử dụng tối đa các công cụ sẵn có và hy vọng chúng ta có thể có các công cụ bổ sung như vaccine. Nếu làm được như vậy, chúng ta có thể kết thúc đại dịch trong thời gian ngắn hơn so với dịch cúm năm 1918”, ông Tedros nhấn mạnh.
Tham nhũng liên quan đến PPE là tội “giết người”
Ngày 21/8, ông Tedros tuyên bố tham nhũng liên quan đến thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE) của nhân viên y tế tuyến đầu là “tội giết người”.
Đó là câu trả lời của ông đối với câu hỏi của một nhà báo về việc các chuyên gia y tế ở một số quốc gia đang đình công vì họ thiếu PPE, trong bối cảnh các báo cáo về tham nhũng của chính phủ liên quan đến quỹ COVID-19 xuất hiện.
“Bất kỳ mức độ tham nhũng nào hoặc bất kỳ hình thức tham nhũng nào cũng không thể chấp nhận được. Tuy nhiên, tham nhũng liên quan đến PPE, đối với tôi đó thực sự là tội giết người”, ông Tedros nhấn mạnh.
“Vì nếu nhân viên y tế làm việc mà không có PPE, mạng sống của họ sẽ gặp nguy hiểm. Và điều đó cũng đe dọa tính mạng của những người mà họ phục vụ. Vì vậy, đó là trọng tội, là tội giết người và điều đó phải dừng lại nếu xảy ra ở bất cứ đâu”, người đứng đầu WHO nói.
Phát biểu trước đó trong cuộc họp, Tiến sĩ Mike Ryan, Giám đốc điều hành Chương trình Cấp cứu Y tế của WHO nhấn mạnh dại dịch đã cho thấy điều tốt nhất và tồi tệ nhất của nhân loại. “Chắc chắn, tham nhũng là tình trạng không hề mới đối với thế giới này. Và tại thời điểm này, điều thực sự quan trọng là sự quản lý của chính phủ các nước và hành động rõ ràng, minh bạch của các chính phủ”, ông Ryan cho biết.
Theo Tiến sĩ Ryan, trong khi các nhà chức trách phải đảm bảo rằng các nhân viên y tế được trang bị đúng cách và nhận được tiền lương của họ, các cuộc biểu tình không nên xảy ra gây tổn hại đến sức khỏe và hạnh phúc của bệnh nhân.
Hướng dẫn sắp tới về khẩu trang cho trẻ em
WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) sẽ ban hành hướng dẫn về việc sử dụng khẩu trang cho trẻ em.
Các cơ quan trên sẽ đưa ra khuyến cáo cho các quan chức y tế công cộng, các chuyên gia y tế trẻ em, các nhà giáo dục và những người khác về việc đưa ra quyết định về địa điểm và thời điểm nên đeo khẩu trang.
Tiến sĩ Maria van Kerkhove, một nhà dịch tễ học của WHO cho biết vẫn có nhiều nghiên cứu về cách dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng đến trẻ em vì hiểu biết về sự lây lan virus còn hạn chế.
Mặc dù trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh nhưng đa số có xu hướng mắc bệnh nhẹ. Tuy nhiên, trong đại dịch COVID-19, trẻ em đã phát triển bệnh nặng và một số đã tử vong.