Thừa Thiên Huế: Đẩy nhanh thanh toán tiền điện trực tuyến để phòng, chống dịch COVID – 19
Thông tin cần biết - Ngày đăng : 20:48, 21/08/2020
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Đại Phúc – Phó Giám đốc Điện lực Thừa Thiên Huế thông tin, trong 7 tháng đầu năm 2020, tổng hóa đơn tiền điện thanh toán qua ngân hàng/tổ chức trung gian thanh toán (NH/TCTG) trên địa bàn tỉnh đạt hơn 1,3 triệu giao dịch, trong đó số lượt giao dịch không sử dụng tiền mặt (KDTM) là 1,1 triệu giao dịch, chiếm 54,6% tổng số giao dịch thanh toán, gấp 2,6 lần so với cùng kỳ, doanh thu thanh toán KDTM đạt 1.614 tỷ đồng, chiếm 82,6% tổng số doanh thu thu được trong kỳ.
“Đây là dấu hiệu khả quan cho thấy rằng khách hàng sử dụng điện đã dần thay đổi thói quen thanh toán, chuyển đổi từ thanh toán tiền mặt sang sử dụng các hình thức thanh toán điện tử hiện đại, nhanh chóng, góp phần tiết kiệm thời gian, chi phí của khách hàng và thời gian thanh toán được linh hoạt”, ông Phúc nói.
Giao dịch thanh toán tiền điện qua NH/TCTG tại Thừa Thiên Huế tăng lên nhiều so với cùng kỳ năm trước |
Vừa thao tác thanh toán tiền điện qua ví điện tử MoMo, chị Phương Nhiên (đường Dương Văn An, TP. Huế) tỏ ra rất hài lòng cho biết, từ khi biết đến hình thức thanh toán tiền điện trực tuyến qua ví điện tử chị đều sử dụng hình thức thanh toán này thay cho các hình thức khác vì sự thuận tiện mà dịch vụ mang lại. Việc thanh toán được gói gọn lại bằng thao tác tải ứng dụng MoMo, liên kết tài khoản thanh toán với ví điện tử và chọn thanh toán tiền điện, nhập thông tin khách hàng để thanh toán. Thời gian thao tác chỉ 1-2 phút ngay trên thiết bị di động thay vì phải mất nhiều thời gian di chuyển đến điện lực, ngân hàng hoặc các điểm thu khác như trước...
Tư vấn khách hàng sử dụng các hình thức thanh toán tiền điện KDTM tại quầy giao dịch của Điện lực Thừa Thiên Huế |
Điện lực Thừa Thiên Huế cho biết trong những tháng cuối năm 2020, tiếp tục phấn đấu tăng tỷ lệ hóa đơn thanh toán qua NH/TCTG trên 62%, tăng dần tỷ lệ hóa đơn thanh toán KDTM trên 55%, trên 90% doanh thu đến từ các giao dịch thanh toán điện tử không sử dụng tiền mặt, đạt và vượt mục tiêu năm 2020. Tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền đến khách hàng, tập trung hướng đến phát triển dịch vụ thanh toán qua ví điện tử cho nhóm khách hàng nông thôn không sử dụng tài khoản ngân hàng.
“Đẩy mạnh thanh toán các dịch vụ công, dịch vụ điện bằng phương thức không sử dụng tiền mặt đã và đang trở thành một xu hướng tiêu dùng hiện đại, phù hợp với xu hướng “nói không với tiền mặt”, đặc biệt là trong giai đoạn phòng chống dịch COVID - 19, có thể biến thách thức từ dịch bệnh thành cơ hội để tạo sức bật cho phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong tương lai”, ông Phúc chia sẻ.