Xử lý dứt điểm các sự cố đê điều, đảm bảo chống lũ

Môi trường - Ngày đăng : 18:00, 21/08/2020

(TN&MT) - Trong những ngày mưa lũ vừa qua, tiếp tục xảy ra một số sự cố đê điều tại Phú Thọ và Hà Nội. Do vậy,các địa phương cần tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra , đảm bảo chống lũ.

Chiều 21/8, tại Hà Nội, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức cuộc họp thông tin tình hình mưa lũ ở miền núi phía Bắc và lũ lụt trên hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình.

Đề phòng nguy cơ tai biến địa chất

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng BCĐ TWPCTT, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, cho biết, mưa lũ những ngày qua đã làm 9 người chết và mất tích, gây thiệt hại lớn về tài sản. Hệ thống cơ sở như đê điều, đường xá bị ảnh hưởng, nhiều nơi xảy ra sự cố.

Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh Văn phòng BCĐ TWPCTT, Cục trưởng Cục Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai phát biểu tại cuộc họp

Trong những ngày tới, do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 4, dự báo từ nay đến ngày 23/8 tiếp tục xảy ra đợt mưa tiếp theo. “Theo nhận định, đợt mưa này ở mức độ không lớn, nhưng chúng ta không thể chủ quan về hậu quả vì qua thời gian dài mưa lớn, với đặc thù địa hình dốc, địa chất phức tạp, thêm một đợt mưa có thể xảy ra những tai biến địa chất, sạt lở đất ở miền núi phía Bắc”, ông Quang lưu ý.

Thêm vào đó, Trung Quốc sau một thời gian xảy ra lũ lớn lịch sử, một số khu vực giáp biên giới nước ta, thượng nguồn những con sông như sông Thao đã xuất hiện lũ. Hồ thuỷ điện Lai Châu đã phải xả lũ vào ngày 18/8, thời điểm cao nhất đã xả 5 cửa.

“Đặc biệt, Trung Quốc đã xả lũ cách biên giới nước ta khoảng 105km, tác động của xả lũ với chúng ta không lớn nhưng làm cho mực nước ở Lào Cai trên mức BĐ 1, Yên Bái xấp xỉ mức BĐ 2”, ông Quang nói.

Sự cố đê điều luôn “rình rập”

Đánh giá mực nước hạ lưu hệ thống sông Hồng – sông Thái Bình, ông Quang cho biết, hiện mực nước hạ lưu có lên nhưng so với cấp báo động vẫn là ở mức thấp. Những ngày tới, mực nước hạ lưu sông Hồng – Thái Bình còn phụ thuộc tình hình mưa lũ ở miền núi phía Bắc cũng như tình hình xả lũ ở Trung Quốc. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, mực nước hạ lưu sông Hồng – sông Thái Bình vẫn ở dưới mức BĐ1.

Ông Đặng Quang Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng, Tổng cục Phòng chống thiên tai thông tin tại cuộc họp

Mặc dù vậy, ông Trần Công Tuyên – Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý đê điều (Tổng cục Phòng chống thiên tai) cho rằng, cần cảnh giác nguy cơ tiếp tục xảy ra các sự cố đê điều.

Ông Tuyên cho biết, trong những ngày mưa lũ vừa qua, tiếp tục xảy ra một số sự cố đê điều tại Phú Thọ và Hà Nội. Trong đó, sự cố sạt mái đê phía đồng tại K87+200, K95+100 đê tả Thao, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ ngày 19/8/2020, xuất hiện 3 cung sạt mái đê phía đồng, tổng chiều dài 50m; sạt lở bờ sông tại K1+200 đê hữu Thao (đê chưa phân cấp), huyện Hạ Hòa: chiều dài cung sạt 30m, cách chân đê 100m.

Đối với Hà Nội, thành phố đã xác định 16 vị trí trọng điểm đê điều xung yếu, trong đó có 3 vị trí trọng điểm cấp thành phố cần đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, ngay cả khi mực nước sông Đáy thấp hơn báo động 1 tương đối nhiều nhưng đã xảy ra sự cố sụt, sạt cống trạm bơm Tảo Khê, trên đê hữu Đáy (đê cấp IV), xã Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức…

Do vậy, ông Tuyên cho rằng, các địa phương tập trung nguồn lực xử lý dứt điểm các sự cố đê điều đã xảy ra thời gian qua, đảm bảo chống lũ. Đặc biệt,  thực hiện nghiêm việc tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều trong mùa mưa lũ theo đúng quy định để phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố về đê điều ngay từ giờ đầu theo phương châm “bốn tại chỗ”, bảo đảm thông tin liên lạc và báo cáo kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Đồng thời, tiếp tục kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị theo phương án được duyệt để kịp thời xử lý khi có tình huống.

“Tăng cường thông tin truyền thông để các cấp, các ngành và người dân chủ động, tích cực tham gia bảo vệ đê điều, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là”, ông Tuyên đề nghị.

“Cần nâng cao việc nhận diện dấu hiệu và đánh giá nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để từ đó người dân có được dự phòng, chủ động phát hiện các rủi ro rình rập do lũ, lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, thúc đẩy địa phương rà soát nguy cơ những điểm đen sạt lở giao thông liên xã, liên huyện, liên tỉnh”, ông Đặng Quang Minh – Vụ trưởng Vụ Quản lý thiên tai dựa vào cộng đồng (Tổng cục Phòng chống thiên tai).

Tuyết Chinh