Sơn La: Kiểm tra, giám sát môi trường với các cơ sở nông sản, chăn nuôi
Tin tức - Ngày đăng : 15:15, 20/08/2020
Thời gian qua, công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường với các cơ sở chế biến nông sản và chăn nuôi đã được các cấp, các ngành quan tâm thực hiện với nhiều biện pháp, giải pháp đồng bộ; công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường cho người dân được thực hiện thường xuyên; công tác thanh tra, kiểm tra được chú trọng và ngày càng được tăng cường.
Tuy nhiên, vấn đề môi trường phải giải quyết với loại hình sản xuất này vẫn là thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải có sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành bằng những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa. Việc ô nhiễm môi trường, nguồn nước do sơ chế, chế biến cà phê, tinh bột sắn bằng phương pháp ướt từ các cơ sở chế biến nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình; ô nhiễm môi trường không khí, xả nước thải chưa qua xử lý do hoạt động chăn nuôi vẫn xảy ra.
Sơn La tăng cường kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất sơ chế cà phê (mùa vụ hoạt động từ tháng 8/2020 đến hết tháng 1/2021). |
Do đó, để chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi gây ô nhiễm môi trường, Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La yêu cầu các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi phải chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tài nguyên nước, đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất, chăn nuôi phải được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Các dự án sản xuất, chế biến nông sản, chăn nuôi đã được phê duyệt báo cáo ĐTM thực hiện rà soát, trường hợp phải vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải; kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường thì phải thực hiện hoàn thành trước khi đi vào vận hành. Mọi hình thức xả nước thải, chất thải rắn từ hoạt động sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà xả thải trực tiếp ra ngoài môi trường là vi phạm pháp luật và phải bị xử lý nghiêm.
Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở TN&MT chủ trì, rà soát, lập danh sách các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản và chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Trong đó, xác định rõ quy mô cơ sở thuộc đối tượng lập báo cáo ĐTM và cơ sở thuộc đối tượng phải đăng ký Kế hoạch bảo vệ môi trường để làm cơ sở phân cấp kiểm tra, quản lý giữa cấp tỉnh và cấp huyện.
Tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Quyết định thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và duy trì hoạt động kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM, chú trọng loại hình sản xuất, sơ chế cà phê (mùa vụ hoạt động từ tháng 8/2020 đến hết tháng 1/2021).
Chủ trì tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở sản xuất, chế biến thuộc đối tượng phải lập báo cáo ĐTM; đôn đốc, yêu cầu các cơ sở này hoàn thành xây dựng các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM đã được phê duyệt, lập hồ sơ vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải và hồ sơ kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường trước khi đưa dự án đi vào vận hành chính thức và tiến hành kiểm tra, xác nhận theo quy định.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra của huyện |
UBND các huyện, thành phố tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng và mức độ ô nhiễm do các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến cà phê trên địa bàn; tổng hợp báo cáo, đề xuất các biện pháp, giải pháp quản lý và tổ chức các hội nghị để tuyên truyền phổ biến các quy định Luật bảo vệ môi trường, hướng dẫn các cơ sở sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi nhỏ lẻ thực hiện xử lý chất thải rắn, nước thải, không gây ô nhiễm môi trường nguồn nước và yêu cầu ký cam kết đảm bảo môi trường trong hoạt động sản xuất, chăn nuôi.
Thành lập Đoàn kiểm tra của huyện, thành phố tiến hành kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm về bảo vệ môi trường, nguồn nước đối với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi thuộc đối tượng lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Phối hợp với Sở TN&MT trong kiểm tra, giám sát các cơ sở thuộc đối tượng kiểm tra theo Quyết định của UBND tỉnh, trong các hoạt động kiểm tra vận hành thử nghiệm, kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường.
Chỉ đạo UBND các xã tăng cường quản lý, đôn đốc, giám sát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi không đảm bảo yêu cầu về bảo vệ môi trường. Thực hiện đúng quy định của pháp luật trong việc thẩm định dự án đầu tư, cấp đăng ký kinh doanh, xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường theo thẩm quyền đối với cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi. Không cấp phép cho các cơ sở không có hệ thống xử lý nước thải, chất thải rắn hoặc có nhưng không đảm bảo yêu cầu về môi trường.
UBND tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố khẩn trương thành lập đoàn kiểm tra của huyện, thực hiện phân công nhiệm vụ cho các thành viên đoàn và gửi kết quả về Sở TN&MT trước ngày 25/8/2020. Báo cáo kết quả hoạt động quản lý, kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến nông sản, chăn nuôi về UBND tỉnh, qua Sở TN&MT vào ngày 15 hàng tháng. Sở TN&MT tổng hợp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh vào ngày 20 hàng tháng. Thời hạn báo cáo kể từ tháng 9/2020 đến khi kết thúc niên vụ cà phê vào tháng 1/2021.