Gia Lai: Đơn vị thi công “vội vàng” sửa chữa những điểm hư hỏng tại công trình thủy lợi 119 tỷ đồng
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:44, 20/08/2020
Đơn vị thi công đang khắc phục các điểm hư hỏng tại công trình thủy lợi Pleikeo |
Trộn bê tông cùng bùn đất?
Như Báo điện tử TN&MT đã phản ánh, công trình thủy lợi Pleikeo được đầu tư xây dựng năm 2017, bao gồm: đập dâng, cống xả tràn, cống lấy nước, hệ thống kênh dẫn và các công trình trên kênh với tổng kinh phí hơn 119 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và địa phương.
Năm 2019, công trình hoàn thành, nhưng chưa được nghiệm thu đã hư hỏng nghiêm trọng. Cụ thể, hệ thống kênh dẫn nước, đoạn giao nhau giữa hệ thống kênh dẫn chính với hệ thống ống dẫn có nhiều vết nứt rộng; các tấm đan trên hệ thống kênh bị vỡ, nhiều đoạn không có tấm đan, thậm chí chắp nối bằng những thanh gỗ…
Trả lời báo chí, ông Nguyễn Hữu Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) cho biết, huyện đã chỉ đạo đơn vị thi công khẩn trương khắc phục các hư hỏng. Do gần đây xảy ra 2 cơn bão, có nhiều mưa lớn. Trong khi đó, đất ở xã Ayun là đất cát nên mưa lớn tràn cát xuống gây lấp, không xử lý được.
Ngày 19/8, có mặt tại hệ thống kênh dẫn nước của thủy lợi Pleikeo, phóng viên ghi nhận đơn vị thi công công trình là Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành (Quảng Nam) đang tiến hành khắc phục, sửa chữa các điểm hư hỏng. Những vết nứt trên kênh được vá lại bằng xi măng, tấm đan gãy và tấm đan bằng gỗ được thay thế bằng tấm đan mới, những đoạn kênh có nắp đậy được tráng xi măng để kết nối với mương…
Tuy nhiên, điều lạ là nhiều điểm sửa chữa được “ngụy trang” bằng lớp bê tông ở bên ngoài, còn bên trong là bùn đất ruộng, chỉ cần gãy nhẹ là vỡ vụn ra. Trong khi đó, theo phương án thi công được phê duyệt thì toàn bộ các chi tiết công trình đều phải bằng bê tông cốt thép.
Ông Nguyễn Hồng Minh - Phụ trách thi công của Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành cho biết, việc xây dựng được triển khai khoảng 1 tuần nay. Đơn vị thi công chủ yếu khắc phục những hư hỏng lớn bằng cách đắp lại bê tông hoặc làm mới. Dự kiến trong vài ngày tới sẽ hoàn thành.
“Những vị trí được sửa bằng cách đắp đất bùn nhão và phủ lại bằng xi măng bên trên chỉ có một số điểm chứ không phải cả công trình. Công trình này trải dài, tôi phải đi tất cả các đội, nhiều lúc thợ - họ hơi ẩu một xíu. Cái này khắc phục được chứ không phải là cái gì ghê gớm” - ông Minh giải thích.
Một vị trí cống lấy nước lộ rõ kém chất lượng |
Kỳ vọng để rồi thất vọng
Dự kiến, khi đi vào hoạt động, công trình thủy lợi Pleikeo sẽ cấp nước tưới tự chảy cho khoảng 400ha lúa 2 vụ và tạo nguồn tưới cho 100ha hoa màu của người dân ở 10 làng thuộc xã Ayun, giúp đảm bảo nguồn lương thực cung ứng tại chỗ, góp phần xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Hệ thống kênh chính dẫn nước và các công trình trên kênh có tổng chiều dài 11.550m. Thế nhưng, khi dự án kênh dẫn vừa hoàn thành, chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng thì đã hư hỏng, khiến người dân xã Ayun vô cùng thất vọng và bức xúc.
Ông Đinh KYơi - Trưởng thôn A Chông chia sẻ: Khi Nhà nước đầu tư xây dựng công trình thủy lợi Pleikeo, người dân làng A Chông rất vui mừng, phấn khởi. Dân làng đã tự nguyện hiến đất để xây công trình. Quá trình thi công, hoa màu của dân bị ảnh hưởng, cát để thi công dư ra bị bỏ lại trên ruộng khiến người dân không canh tác được. Bây giờ công trình lại dang dở, chất lượng không đảm bảo, chưa kịp dùng đã hư hỏng nhiều.
“Chúng tôi chỉ mong công trình thủy lợi này nhanh chóng được sửa chữa, khắc phục để người dân có nước tưới tiêu cho hoa màu, phục vụ canh tác lúa 2 vụ, phát triển sản xuất nông nghiệp, nâng cao đời sống” - ông Đinh Kyơi bày tỏ.
Một vị trí sửa chữa bằng cách đắp đất bùn và phủ xi măng lên trên |
Mặc dù đã hoàn thành, chưa được nghiệm thu, nhưng UBND huyện Chư Sê (tỉnh Gia Lai) đã có biên bản xác nhận Công ty TNHH Xây dựng Nghĩa Thành đã hoàn thành 100% khối lượng hạng mục kênh dẫn công trình thuỷ lợi Pleikeo, với mức đầu tư 77 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, cùng một số hồ sơ cần thiết, tháng 12/2019, UBND huyện Chư Sê đã đề nghị Kho bạc Nhà nước tỉnh Gia Lai chi 69,9 tỷ đồng/70 tỷ đồng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương.