Bình Định: 12 cụm công nghiệp Tây Sơn cần cú hích phát triển
Kinh tế - Ngày đăng : 14:04, 20/08/2020
12 cụm công nghiệp nằm trên vùng đất đầy tiềm năng
Tây Sơn là huyện trung du nằm về phía Tây Nam của tỉnh Bình Định, là cửa ngõ tiếp giáp với địa bàn Bắc Tây Nguyên rộng lớn có nhiều tiềm năng kinh tế. Vị trí địa lý này, Tây Sơn có mối liên hệ về kinh tế, văn hóa với nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh, có tiềm năng và ưu thế để phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.
Tây Sơn là huyện trung du nằm về phía Tây Nam của tỉnh Bình Định |
Tây Sơn có vùng nguyên liệu phục vụ cho sản xuất vật liệu xây dựng như đất sét, đá, cát, sỏi có chất lượng tốt và trữ lượng cao. Vùng nguyên liệu phục vụ cho công nghiệp chế biến như mía, mì, lâm sản. Hệ thống giao thông tương đối hoàn chỉnh. Đó là những điều kiện thuận lợi để huyện Tây Sơn đẩy mạnh công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhất là phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
CCN Tây Xuân tại thôn Phú An, xã Tây Xuân, diện tích 50,0 ha |
Hiện Tây Sơn có 12 cụm công nghiệp hoạt động bao gồm: CCN Hóc Bợm tại thôn I, xã Bình Nghi diện tích 37,8 ha; CCN Cầu Nước Xanh tại thôn I, xã Bình Nghi, diện tích 39,5 ha; CCN Phú An tại thôn Phú An, xã Tây Xuân, diện tích 35,7 ha; CCN Trường Định tại thông Trường Định, xã Bình Hòa, diện tích 20 ha; CCN Cầu 16 tại thôn Thượng Sơn, xã Tây Thuận, diện tích 38 ha; CCN Bình Nghi tại thôn Thủ Thiện Thượng, xã Bình Nghi, diện tích 21,0 ha; CCN Gò Đá tại thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường, diện tích 12,8 ha; CCN Gò Giữa tại thôn Thượng Giang, xã Tây Giang, diện tích 35 ha; CCN Gò Cầy tại thôn Kiên Long, xã Bình Thành, diện tích 30 ha; CCN Bình Tân tại thôn Mỹ Thạch, xã Bình Tân, diện tích 30 ha; CCN Tây Xuân tại thôn Phú An, xã Tây Xuân, diện tích 50,0 ha; CCN Rẫy Ông Thơ tại thôn Đại Chí, xã Tây An, diện tích 20 ha.
Khó khăn đầu tư, phát triển ì ạch
Tuy vùng đất Tây Sơn đầy tiềm năng và lợi thế, nhưng 12 cụm công nghiệp lại phát triển ì ạch chưa xứng tầm và chưa tạo động lực để Tây Sơn phát triển lên đô thị.
12 cụm công nghiệp có tổng diện tích theo quy hoạch phát triển 369,8 ha và diện tích theo quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 là 329,5 ha, trong đó diện tích đất đã cho thuê chỉ có 108,32 ha; diện tích đang thực hiện giải phóng mặt bằng để cho thuê đất là 22,18 ha; diện tích đang trình UBND tỉnh cho thuê đất là 7,68 ha.
CCN Cầu Nước Xanh chỉ có một doanh nghiệp đầu tư kinh doanh sản xuất tinh bột sắn lát |
Trong 12 cụm công nghiệp thì CCN Phú An kêu gọi nhiều nhất được 24 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh sản xuất, CCN Cầu 16 được 04 doanh nghiệp, CCN Gò Giữa được 02 doanh nghiệp; CCN Gò Đá được 02 doanh nghiệp, CCN Tây Xuân được 08 doanh nghiệp, CCN Bình Nghi được 05 doanh nghiệp, CCN Gò Cầy được 04 doanh nghiệp, CCN Trường Định được 05 doanh nghiệp, CCN Rẫy Ông Thơ được 03 doanh nghiệp, CCN Hóc Bợm được 07 doanh nghiệp. Riêng CCN Cầu Nước Xanh chỉ có một doanh nghiệp và CCN Bình Tân chưa có doanh nghiệp nào đầu tư dự án.
Doanh nghiệp duy nhất hoạt động trong CCN Cầu Nước Xanh |
Từ đó cho thấy, nhiều diện tích đất tại các cụm công nghiệp chưa được lấp đầy đang bị bỏ hoang hóa, cỏ mọc um tùm, cảnh vật đìu hiu. Phần lớn doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh ngành nghề chế biến lâm sản và gạch ngói Hoffman, bởi vậy mà môi trường hoạt động sản xuất tại các cụm công nghiệp gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển cụm công nghiệp ì ạch, thiếu sức bật, chưa tạo được động lực đòn bẫy để kinh tế công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện Tây Sơn phát triển xứng tầm với tiềm năng và lợi thế đặc trưng địa phương.
Quỹ đất trống trong các cụm công nghiệp bị bỏ hoang, cỏ mọc um tùm, cảnh vật đìu hiu |
Làm việc với PV Báo TN&MT về vấn đề này, ông Võ Văn Dũng – Phó Giám đốc Ban QL dự án đầu tư xây dựng và Phát triển quỹ đất Tây Sơn chia sẻ: Khó khăn vướng mắc hiện nay tại các cụm công nghiệp là còn vướng các lò gạch thủ công chưa giải quyết dứt điểm, chưa thực hiện thu hồi các dự án triển khai chậm tiến độ sau khi đã đăng ký đầu tư và hoàn thành các thủ tục đầu tư, như CCN Cầu Nước Xanh mặt bằng rộng, đẹp nhưng nhà đầu tư chậm triển khai dự án. Ngoài ra, khó khăn nhất vẫn là kinh phí trong công tác giải phóng mặt bằng để kêu gọi nhà đầu tư về cụm công nghiệp.
Ông Lê Hà An – Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng Tây Sơn cho biết thêm: 12 cụm công nghiệp, hiện diện tích lấp đầy khoảng 60%, có 10/12 cụm công nghiệp đã quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500. UBND huyện thiếu nguồn vốn giải phóng mặt bằng các lò gạch không nung để tạo quỹ đất sạch giao cho các nhà đầu tư. Huyện đang tập trung giải quyết vấn đề này để thu hút các nhà đầu tư nên tốc độ phát triển các cụm công nghiệp còn chậm, hạn chế thu hút các nhà đầu tư. Cùng với đó, tiến hành thu hồi dự án chậm triển khai để kêu gọi nhà đầu tư mới.