Chất lượng môi trường nước mặt cải thiện

Môi trường - Ngày đăng : 13:23, 20/08/2020

(TN&MT) - Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc (Tổng cục Môi trường) vừa công bố kết quả quan trắc chất lượng nước tại 5 lưu vực sông (LVS) Khu vực phía Bắc. Theo đó, chất lượng môi trường nước sông được cải thiện hơn so với cùng kỳ quan trắc năm 2019.

3 LVS có chất lượng nước tốt

Chất lượng môi trường nước LVS Hồng - Thái Bình, LVS Đà; LVS Mã - Chu và LVS Cả - La (Sông Lam, sông La) vẫn duy trì ở mức tốt, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác.

Cụ thể, chất lượng nước LVS Hồng - Thái Bình, có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản, tưới tiêu và các mục đích tương đương khác (WQI: 73-99). Trừ điểm Làng Chèm (TP. Hà Nội), nước sông có dấu hiệu bị ô nhiễm (WQI: 27)[1], nguyên nhân do tiếp nhận nước thải sinh hoạt khu vực đô thị, đồng thời, thời gian quan trắc diễn ra vào mùa khô, nước sông cạn, khiến tình trạng ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn.

Chất lượng môi trường nước trên các sông phía Bắc về cơ bản đã được cải thiện.  Ảnh: Hoàng Minh

 Chất lượng nước trên các phụ lưu (sông Đà, sông Lô, sông Thái Bình) rất tốt, chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm và ít biến động qua các đợt quan trắc (WQI: 89 - 97).

Môi trường nước LVS Mã - Chu, toàn bộ các điểm quan trắc trên LVS Mã - Chu cho giá trị WQI: 76-99, chất lượng môi trường nước sông duy trì mức tốt đến rất tốt và không có nhiều sự biến động so với các đợt quan trắc trước.

Chất lượng môi trường nước sông Lam, sông La, được đánh giá là LVS có chất lượng tốt nhất tại khu vực miền Bắc, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt và các mục đích tương đương khác.

Trên sông Lam và các phụ lưu, ngoại trừ điểm sông Lam tại Cầu Bến Thủy 2 do chịu ảnh hưởng bởi nước thải sinh hoạt của TP. Vinh nên chất lượng nước kém (WQI: 29). Các điểm còn lại đều cho chất lượng nước tốt đến rất tốt (WQI:89-100), nước sông sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần các biện pháp xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, chất lượng nước sông La và các phụ lưu rất tốt (WQI: 93-100), nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt.

LVS Cầu đã được cải thiện

Đối với chất lượng nước LVS Cầu, trong đợt quan trắc tháng 5/2020, tại các điểm quan trắc ở khu vực thượng lưu qua địa phận tỉnh Bắc Kạn, nước sông sử dụng tốt cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác.

Trên sông Cầu đoạn chảy qua tỉnh Bắc Giang - Bắc Ninh, phần lớn các điểm quan trắc giá trị (WQI: 50-70), môi trường nước sông ở mức trung bình. Trên các phụ lưu: Sông Nghinh Tường, sông Đu và sông Thương, môi trường nước sông duy trì ở mức tốt đến rất tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt nhưng cần biện pháp xử lý (WQI: 79-94).

Trong số 185 điểm quan trắc, có đến 131/185 điểm (chiếm 71%) tổng số điểm quan trắc đạt mức tốt đến rất tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản và các mục đích tương đương khác. Có 15/185 điểm quan trắc bị ô nhiễm nặng (chiếm 8,1%), xác định tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường nước trên LVS Cầu (2 điểm), LVS Nhuệ - Đáy (13 điểm).

Trên sông Công, trừ điểm Cầu Đa Phúc, môi trường nước sông ở mức trung bình (WQI: 48), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho hoạt động giao thông thủy do ảnh hưởng nước thải sinh hoạt TP. Thái Nguyên và TX. Sông Công. Các điểm quan trắc còn lại môi trường nước sông khá tốt, nước sông sử dụng được cho mục đích tưới tiêu, nuôi trồng thủy sản (WQI: 55-94).

LVS Nhuệ - Đáy vẫn còn ô nhiễm

Hiện LVS Nhuệ - Đáy là một trong những LVS có chất lượng môi trường nước sông kém nhất trong số các LVS khu vực phía Bắc. Kết quả quan trắc cho thấy, có tới 62% số điểm quan trắc cho kết quả WQI <50 ở mức xấu đến rất xấu, trong đó 31% số điểm quan trắc cho giá trị WQI <25, nước bị ô nhiễm nặng, cần các biện pháp xử lý trong tương lai.

Đoạn sông Nhuệ chảy qua TP. Hà Nội không có nhiều biến động so với cùng kỳ năm 2019, ô nhiễm cục bộ vẫn tiếp diễn từ điểm Phúc La tới điểm Cống Nhật Tựu (WQI: 10-25). Còn sông Đáy, đoạn chảy qua TP. Hà Nội và tỉnh Hà Nam, phần lớn các điểm quan trắc ghi nhận môi trường nước sông ở mức kém (WQI: 26-50), nước sông chỉ có thể sử dụng được cho mục đích giao thông thủy và các mục đích tương đương khác.

Trên các sông nội thành Hà Nội, nước sông vẫn tục bị ô nhiễm nặng so với đợt quan trắc tháng 5/2019.

Trên sông Châu Giang, chất lượng nước bị suy giảm mạnh tại điểm Đầm Tái (WQI: 18), nước sông bị ô nhiễm nặng, cần biện pháp xử lý trong tương lai (tại thời điểm quan trắc ghi nhận đoạn sông xuất hiện hiện tượng cá chết). Giá trị N-NH4+ (13,6 mg/L), cao gấp 15 lần QCVN 08-MT:2015, loại B1.

Như vậy có thể thấy, chất lượng môi trường nước trên các sông phía Bắc về cơ bản đã được cải thiện. Tuy vậy, tại các điểm nóng về ô nhiễm môi trường, chất lượng nước chưa có dấu hiệu được cải thiện. Nguyên nhân là phải tiếp nhận nước thải sinh hoạt  từ TP. Hà Nội, TP. Thái Nguyên và nước thải từ các làng nghề trên lưu vực.               

Mai Giang