Đô thị loay hoay trong vòng vây của rác: Về đâu “núi rác” khổng lồ?
Quản lý chất thải rắn - Ngày đăng : 13:21, 20/08/2020
Hai bãi rác lớn nhất đã quá tải
Tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, theo thiết kế ban đầu, đến năm 2020, bãi rác này chỉ bảo đảm xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP. Hà Nội khoảng 1.000 tấn/ngày đêm. Sau hơn 20 năm hoạt động, khu này đã bị quá tải với công suất hiện nay lên đến 5.000 tấn/ngày, đêm; xử lý chất thải sinh hoạt cho 17/31 quận, huyện, chiếm 77 % lượng rác của toàn TP Hà Nội.
Trong khi đó, tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, theo quy hoạch đến năm 2020, công suất xử lý khoảng 700 tấn/ngày đêm nhưng hiện nay phải tiếp nhận xử lý khoảng 1.200 - 1.300 tấn rác tấn rác thải một ngày. Tại khu xử lý này, đã có hai nhà máy xử lý rác thải đi vào hoạt động. Tuy vậy, hiện nay, Nhà máy xử lý chất thải Xuân Sơn, công suất 700 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện, đang tạm ngừng để cải tạo. Hiện, chỉ còn Nhà máy xử lý chất thải Sơn Tây công suất tối đa 250 tấn/ngày đêm, đang vận hành công suất khoảng 200 tấn/ngày đêm, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện.
Bãi chứa rác lớn nhất thành phố đã quá tải. Ảnh: Hoàng Minh |
Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt của Ban Đô thị, Hội đồng Nhân dân TP. Hà Nội. Báo cáo cho biết, chất thải rắn sinh hoạt hiện nay được thực hiện chủ yếu bằng phương pháp chôn lấp chiếm khoảng 89%, xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện chiếm khoảng 11% khối lượng chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và chỉ đạt 43% so với công suất thiết kế. Các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt không phát điện công nghệ đã lạc hậu, thường xuyên hư hỏng, phải bảo dưỡng; công nghệ chế biến rác thải, sản xuất phân vi sinh đã được ứng dụng tại các cơ sở xử lý Cầu Diễn, Kiêu Kỵ nhưng không đạt hiệu quả nên đã dừng hoạt động. Các khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt bằng chôn lấp hợp vệ sinh tập trung tại Nam Sơn (Sóc Sơn) và Xuân Sơn (Sơn Tây) đều đã và đang phải khai thác vận hành gần hết công suất các bãi chôn lấp, dự báo đến hết năm 2020 nếu không có giải pháp công nghệ thay thế sẽ phải đóng bãi.
Ông Nguyễn Hữu Tiến, Tổng Giám đốc Cty Môi trường đô thị Hà Nội, đơn vị được giao quản lý, vận hành 2 bãi rác Nam Sơn và Xuân Sơn cũng cho biết, với lượng rác như hiện nay, đến hết năm 2020, cả hai bãi sẽ không còn khả năng tiếp nhận thêm. Và đây sẽ là sức ép rất lớn nếu không sớm thúc đẩy các dự án xử lý rác tiên tiến khác trên địa bàn thành phố.
Hy vọng vào điện rác
Trước tình trạng quá tải về chất thải tại các khu xử lý tập trung và nhằm giảm tỷ lệ sử dụng phương pháp chôn lấp gây ô nhiễm, những năm gần đây, TP. Hà Nội đã kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý chất thải rắn theo công nghệ hiện đại. Hiện có 5 dự án được thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư là 2 dự án tại Khu xử lý chất thải Đồng Ké (Chương Mỹ) và Phù Đổng (Gia Lâm); Dự án Nhà máy Điện rác Sóc Sơn (đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Sơn); Dự án Xử lý rác thu hồi điện Xuân Sơn; Dự án Khí hóa rác thải sinh hoạt thành điện năng. Tuy vậy, những các dự án này đều triển khai khá chậm, khó hoàn thành mục tiêu thành phố đặt ra là đưa toàn bộ 5 dự án này mới đưa vào hoạt động vào năm 2021.
Hiện nay, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hiện nay trên địa bàn Hà Nội ước tính khoảng 6.500 tấn/ngày đêm. Trong đó, chất thải rắn công nghiệp khoảng 863,2 tấn/ngày đêm; chất thải rắn y tế khoảng 27.522kg/ngày đêm; chất thải y tế nguy hại khoảng 8.448 kg/ngày đêm (chiếm 30%), chất thải rắn thông thường khoảng 19.074 kg/ngày đêm... Số chất thải này ngoài một số ít chất thải y tế được xử lý tại các cơ sở y tế và một phần tại Khu xử lý chất thải Cầu Diễn số còn lại hầu hết được đưa về xử lý tại hai khu xử lý chất thải Nam Sơn và Xuân Sơn.
Hiện nay, hy vọng duy nhất là dự án điện rác Sóc Sơn đang được nhà thầu cam kết vận hành trong năm 2020. Nhà máy có công suất xử lý 4.000 tấn rác/ngày, sử dụng công nghệ đốt rác bằng lò ghi cơ học của Bỉ. Dự kiến, lượng điện thu được từ nhà máy khoảng 75MW điện/giờ. Tuy vậy, trong trường hợp Nhà máy Điện rác Sóc Sơn hoàn thành đúng tiến độ, chạy đúng công suất, cũng chỉ xử lý được khoảng 90% lượng rác thải đổ về Khu liên hiệp xử lý Sóc Sơn. Và khi cả 5 dự án nêu trên đi vào vận hành, vẫn còn gần 40% lượng rác thải sinh hoạt phải chôn lấp.