Bộ TN&MT triển khai thực hiện 2 Hiệp định CPTPP và EV-FTA
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 16:24, 19/08/2020
Bộ TN&MT đã ban hành Kế hoạch thực hiện 2 Hiệp định CPTPP và EV-FTA |
Việc ban hành Kế hoạch nhằm chủ động, thực hiện đầy đủ, hiệu quả các cam kết liên quan đến tài nguyên và môi trường trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Đồng thời, xác định rõ và phân công trách nhiệm thực hiện của Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan; quy định các biện pháp chỉ đạo, điều hành và các biện pháp khác để triển khai thực hiện 2 Hiệp định.
Trên cơ sở nội dung 2 Hiệp định, Bộ TN&MT đã đề ra 5 nhiệm vụ chủ yếu, bao gồm: tuyên truyền, phổ biến CPTPP và EVFTA; hoàn thiện chính sách, pháp luật; tăng cường tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng thiết chế tổ chức thực hiện và tăng cường năng lực. Tùy từng nhiệm vụ sẽ có thời gian thực hiện thường xuyên hoặc hoàn thành cụ thể trong giai đoạn 2020 – 2025.
Đối với nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, pháp luật, các Vụ, Tổng cục, Cục, Viện trực thuộc Bộ sẽ chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế để rà soát các cam kết, nghĩa vụ bắt buộc thực hiện trong CPTPP và EVFTA thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường. Trên cơ sở này nội luật hóa hoặc có giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp.
Tổng cục Môi trường có trách nhiệm chủ trì xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết Luật Bảo vệ môi trường; rà soát, đánh giá, tổng kết thi hành và đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đa dạng sinh học phù hợp với cam kết, yêu cầu của CPTPP và EVFTA. Bên cạnh đó, Tổng cục cũng sẽ xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn về môi trường phù hợp yêu cầu bảo vệ môi trường và yêu cầu của 2 Hiệp định.
Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường chủ trì nghiên cứu, đề xuất xây dựng chính sách, pháp luật thúc đẩy thương mại và đầu tư hàng hóa, dịch vụ môi trường phù hợp với 2 hiệp định. Trong khi đó, Vụ Pháp chế chủ trì nghiên cứu, đánh giá tác động của 2 hiệp định lên hệ thống pháp luật về TN&MT của Việt Nam và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về TN&MT.
Với nhiệm vụ tăng cường tuân thủ pháp luật về BVMT, các đơn vị thuộc Bộ TN&MT sẽ thường xuyên thực hiện hiệu quả các cam kết về BVMT của Việt Nam trong các hiệp định đa phương về môi trường, biến đổi khí hậu, đa dạng sinh học mà Việt Nam đã tham gia.
Tổng cục Môi trường chịu trách nhiệm chủ trì ban hành và thực hiện quy chế tiếp nhận, giải quyết, phản hồi các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong thực hiện các quy định của pháp luật về BVMT và các cam kết môi trường trong CPTPP và EVFTA. Tổng cục cũng sẽ phối hợp với Thanh tra Bộ tăng cường thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT.
Riêng việc khảo sát và đánh giá tác động của việc thực hiện Chương Môi trường của CPTPP và Chương Thương mại và Phát triển bền vững của EVFTA và kiến nghị các giải pháp thực thi hiệu quả CPTPP và EVFTA sẽ được thực hiện trong năm 2025.
Trong năm 2020, Bộ TN&MT sẽ thành lập Tổ công tác giúp Bộ trưởng thực hiện CPTPP và EVFTA, bao gồm giải quyết các tranh chấp phát sinh và trao đổi thông tin với các đối tác trong 2 Hiệp định. Đồng thời, thành lập, điều phối và phối hợp Nhóm tư vấn trong nước (DAG) theo yêu cầu của EVFTA.
Kế hoạch đã phân công nhiệm vụ cụ thể và trên cơ sở này, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Định kỳ trước ngày 30/11 hằng năm, gửi báo cáo về Vụ Pháp chế để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng.