Đoàn công tác BCĐ Trung ương về phòng, chống thiên tai làm việc tại Long An
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 11:25, 19/08/2020
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái phát biểu tại buổi làm việc |
Tại buổi làm việc, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái – Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của Long An trong ứng phó, nhất là công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua. Địa phương đã có sự chủ động, lồng ghép vào các phương án ứng phó, PCTT, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại gây ra.
Điểm nổi bật nhất là Long An đã kịp thời kiện toàn Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) các cấp, nâng cao năng lực hoạt động của các thành viên, vận dụng kịp thời và hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai kết hợp tổ chức lại sản xuất, thích ứng biến đổi khí hậu.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái lưu ý, tỉnh Long An cần khắc phục những hạn chế, tồn tại trong công tác PCTT, đặc biệt là việc xây dựng những kịch bản ứng phó phù hợp, mang tính lâu dài cho từng vùng, từng khu vực dựa trên sự đúc kết kịp thời những bài học kinh nghiệm trong thực tiễn ứng phó hạn mặn, giảm nhẹ thiên tai trong thời gian qua.
Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng công tác dự báo, cảnh báo, phòng chống thiên tai đảm bảo tiêu chí nhanh, kịp thời, rộng rãi đến mọi tầng lớp nhân dân; khai thác tốt các bản tin dự báo khí tượng thủy văn phục vụ phòng chống thiên tai, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương, kết hợp với bảo vệ nguồn tài nguyên đất và nước, bảo vệ môi trường sinh thái.
Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Đại diện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An báo cáo với Đoàn công tác |
Theo Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái, chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác phòng chống thiên tai; nguồn lực cho phòng chống thiên tai còn hạn chế; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các địa phương chưa gắn với công tác phòng chống thiên tai… và đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid 19 đang diễn biến phức tạp.
Do đó, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Long An phải xem công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, không chủ quan để hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai.
Chia sẻ tại buổi làm việc với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trước tác động của BĐKH toàn cầu và nhu cầu về phát triển nhanh của các quốc gia đã kéo theo thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp các vùng miền trong cả nước.
Đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn đã đến sớm hơn, gay gắt hơn như mùa khô năm 2015-2016. Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển cũng liên tục diễn xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của người, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở trên mức báo động 1 và xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.
Các đại biểu tham dự buổi làm việc |
Qua đó, để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế xã hội, Giáo sư, Tiến sĩ Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Long An cần tập trung vào các nội dung theo đề cương báo cáo đã gửi trước.
Qua đề xuất định hướng cho giai đoạn 2021-2025 của Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An, Đoàn công tác cũng đã ghi nhận ý kiến, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương quan tâm hỗ trợ kinh phí kinh phí để tỉnh Long An đầu tư các dự án sạt lở ven sông, kênh, rạch; nâng cấp, sửa chữa công trình và nối dài đường ống cấp nước nông thôn; xây dựng, sửa chữa, nâng cấp và nạo vét công trình thủy lợi;…
Báo cáo với Đoàn công tác của Trung ương, đại diện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An cho biết, thời gian qua, được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát từ trung ương, sự tập trung lãnh đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, nên việc tổ chức triển khai thực hiện trong công tác PCTT và TKCN trên địa bàn tỉnh Long An khá chặt chẽ, từ cấp tỉnh đến các sở, ban ngành, địa phương.
Nhìn chung, các Sở, ngành, địa phương có sự chủ động trong công tác phòng chống thiên tai như: Chủ động củng cố Ban Chỉ huy PCTT và TKCN; xây dựng quy chế tổ chức và hoạt động; tổ chức trực ban nghiêm túc; thường xuyên tổ chức kiểm tra công trình phòng chống thiên tai; xây dựng các kế hoạch phòng chống thiên tai hàng năm.
Đoàn công tác Trung ương kiểm tra thực tế công tác PCTT tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An |
Bên cạnh đó, rà soát hoàn chỉnh phương án ứng phó thiên tai; chú trọng thực hiện các giải pháp công trình và phi công trình để kịp thời nâng cao nhận thức cho người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiên tai; chế độ thông tin hai chiều giữa Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh và các địa phương tương đối tốt.
Đồng thời, thực hiện nhắn tin diễn biến thiên tai đến zalo của tất cả thành viên BCH PCTT và TKCN tỉnh, huyện, xã… để kịp thời nắm rõ thông tin và có chỉ đạo phòng chống, ứng phó hiệu quả hơn.
Ngay từ đầu năm 2020, Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An đã tham mưu trình UBND tỉnh ban hành Chỉ thị về công tác PCTT và TKCN năm 2020. Đến nay các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Long An đã tổ chức thực hiện và triển khai đến Ban Chỉ huy PCTT và TKCN các cấp.
Cùng với đó, thường xuyên kiểm tra, quản lý vận hành công trình thủy lợi, đề xuất kịp thời các giải pháp phòng ngừa, ứng phó trước các tác động bất lợi của thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và giảm thiểu thấp nhất thiệt hại trong điều kiện thời tiết thiên tai ngày càng cực đoan, khắc nghiệt…
Tuy nhiên, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh Long An đã xảy ra nhiều loại hình thiên tai như: hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất, mưa dông, lốc xoáy…. Nhưng nguồn kinh phí chi cho công tác PCTT của tỉnh còn hạn chế, trong khi nhu cầu đề xuất của các địa phương rất lớn; hiện tại chủ yếu là chi từ nguồn trung ương hỗ trợ và Quỹ PCTT tỉnh để hỗ trợ khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra.