Vì sao Dự án Khu du lịch Suối Voi chậm tiến độ?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 06:46, 19/08/2020

(TN&MT) - Dự án Khu du lịch Suối Voi dự kiến khởi công từ tháng 3/2019 và hoàn thành, đưa vào hoạt động năm 2021. Thế nhưng đến nay, dự án vẫn “chậm như rùa” bởi việc đền bù, giải phóng mặt bằng còn nhiều bất cập...

Dự án Khu du lịch Suối Voi (xã Lộc Tiến, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) do Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Hoa Lư - Huế làm chủ đầu tư, được Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư ngày 24/1/2017, với diện tích 51,79 ha, tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 400 tỷ đồng.

Phối cảnh dự án Khu du lịch Suối Voi

Khi dự án hoàn thiện, đây sẽ là khu du lịch sinh thái cao cấp, đầy đủ tiện nghi bao gồm khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng, nhà hàng ẩm thực, dịch vụ vui chơi, giải trí kèm theo các dịch vụ phụ trợ. Phía chủ đầu tư cho hay Khu du lịch suối Voi sẽ có quy mô lớn thứ ba ở Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, chỉ sau Laguna Lăng Cô và Khu du lịch nghỉ dưỡng Quốc tế Minh Viễn.

Theo kế hoạch, dự án chính thức được khởi công giai đoạn 1 vào cuối tháng 3/2019 và hoạt động vào năm 2021. Tuy nhiên hiện tại dự án đã chậm tiến độ hơn một năm...

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế, đến nay, nhà đầu tư đã hoàn thành thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, triển khai công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng; chưa thực hiện các thủ tục về thẩm định thiết kế, xin thuê đất và chưa được cấp giấy phép xây dựng. Do khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, một số hộ dân không hợp tác nên thời gian thực hiện kéo dài dẫn đến dự án chậm tiến độ và công ty chưa được cho thuê đất để triển khai thực hiện dự án.

Dự án chậm tiến độ đã hơn một năm

Về tình hình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế đã cung cấp một số thông tin đến PV.

Theo đó, tổng diện tích đất thu hồi để thực hiện dự án Khu du lịch Suối Voi khoảng 51,8 ha; tổng số hộ bị ảnh hưởng là 108 hộ (trong đó 57 hộ bị ảnh hưởng về đất, 25 hộ kinh doanh chính, 16 hộ kinh doanh phụ bán bánh lọc, 1 hộ xây dựng nhà quán, 7 hộ kinh doanh nhà nghỉ, 2 tổ chức là Hợp tác xã Song Thủy và Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Hải Vân); không có hộ bố trí tái định cư.

Đến nay, đã ban hành quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ (6 đợt) với diện tích thu hồi đất là 41 ha, giá trị phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ là 12.522.015.000 đồng; tổng số kinh phí nhà đầu tư đã chuyển cho Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm huyện Phú Lộc để chi trả khoảng 6,9 tỷ đồng, còn lại khoảng 5,6 tỷ đồng. Hiện tại, kinh phí chi trả cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng đã giải ngân khoảng 4,2 tỷ đồng, diện tích đất đã bàn giao là 360.227,8m2 (36,0 ha); còn lại 27 hộ chưa nhận kinh phí bồi thường, hỗ trợ, với số tiền khoảng 8,3 tỷ đồng, diện tích đất chưa bàn giao là 50.592,8m2 (lý do là 3 hộ đất rừng đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp; 21 hộ kinh doanh chính; 3 hộ kinh doanh nhà nghỉ).

Cụ thể, đối với 21 hộ kinh doanh chính, kinh phí chi trả là 5.541.889.000 đồng, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm huyện đã có 3 lần gửi văn bản đề nghị nhà đầu tư chuyển kinh phí để chi trả cho người dân; tuy nhiên, nhà đầu tư chưa thực hiện chuyển kinh phí để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng. Đối với các hộ kinh doanh nhà nghỉ, kinh phí chi trả là 3.638.587.000 đồng, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư các dự án trọng điểm huyện Phú Lộc đã thông báo chi trả cho các hộ; đến nay có 3 hộ đã nhận tiền với kinh phí khoảng 1,2 tỷ đồng, còn lại 3 hộ chưa nhận tiền với kinh phí 2,4 tỷ đồng.

Người dân từng bức xúc vì không đồng ý với việc đền bù của chủ đầu tư

Cũng theo Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của dự án gặp một số khó khăn, vướng mắc như một số hộ dân chưa nhận tiền đền bù do khiếu nại đơn giá bồi thường, hỗ trợ thấp; chưa đồng ý với phương án sinh kế, bố trí lại mặt bằng cho các hộ tái kinh doanh trong dự án do chủ đầu tư đề xuất; việc xác định nguồn gốc, mục đích sử dụng một số thửa đất còn gặp khó khăn.

“Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, đôn đốc nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, Ban đã tổ chức nhiều cuộc họp với đại diện lãnh đạo công ty, UBND huyện Phú Lộc và UBND xã Lộc Tiến; yêu cầu nhà đầu tư tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, đảm bảo hoàn thành dự án theo thời gian đã được phê duyệt trong quyết định chủ trương đầu tư dự án. Trong thời gian tới, Ban sẽ tiếp tục đôn đốc nhà đầu tư triển khai dự án; phối hợp Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc, xã Lộc Tiến hỗ trợ công ty đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án. Trường hợp dự án được cho thuê đất nhưng công ty không thực hiện, chậm tiến độ thực hiện thuộc diện chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật, Ban sẽ rà soát, tham mưu báo cáo UBND tỉnh thực hiện thủ tục quyết định chấm dứt hoạt động dự án theo quy định”, đại diện Ban Quản lý Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế thông tin thêm.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thanh - Giám đốc Trung tâm phát triển Quỹ đất huyện Phú Lộc cho hay, trong thời gian qua công tác phối hợp của chủ đầu tư với chính quyền địa phương chưa thật sự đồng bộ, thiếu sự phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, chưa chuyển kinh phí kịp thời để chi trả cho các hộ bị ảnh hưởng, chưa hoàn thiện các hồ sơ đo vẽ có liên quan đến các hộ có yêu cầu kiểm tra lại diện tích.

“Đơn vị đã họp nhiều lần với chủ đầu tư và đề nghị chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thành công tác đo vẽ đối với các hộ dân có kiến nghị kiểm tra lại diện tích. Trong thời gian tới, UBND huyện sẽ tổ chức làm việc với nhà đầu tư liên quan kinh phí bồi thường, hỗ trợ để tiến hành chi trả cho các hộ dân và một số nội dung vướng mắc liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư...”, ông Thanh nói.

Việc giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn nhiều bất cập

Trước đó, Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường cũng đã có rất nhiều bài viết phản ánh về việc, người dân tại Khu du lịch Suối Voi không đồng tình với việc đền bù, hỗ trợ của chủ đầu tư và họ tìm mọi cách ngăn cản chính quyền bàn giao mặt bằng để chủ đầu tư khởi công.

Được biết mỗi năm, các hộ dân ở Suối Voi vẫn đóng các thuế đầy đủ với số tiền hàng chục triệu cho chính quyền. Nơi này cũng là “miếng cơm manh áo”, xem như duy nhất để họ bám víu làm ăn, để nuôi sống hầu hết các gia đình từ trước đến nay. Ngày nay, Suối Voi đã nổi tiếng không chỉ ở Huế mà còn ở miền Trung, lượng khách du lịch đổ về rất đông, nhất là mùa hè và các ngày lễ tết...

Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...

Bài, ảnh: Văn Dinh