Dự báo sát tác động của bão số 4

Ngành TN&MT - Ngày đăng : 22:01, 18/08/2020

(TN&MT) - Tối 18/8, GS.TS Trần Hồng Thái, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ huy PCTT của Bộ TN&MT, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thuỷ văn chủ trì cuộc họp trực tuyến giao ban về tình hình bão số 4 trên biển Đông, tên quốc tế là Higos.

Tham dự cuộc họp có các Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV: Lê Hồng Phong, Hoàng Đức Cường, La Đức Dũng; đại diện các đơn vị trong Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai Bộ TN&MT. Cuộc họp được trực tuyến tại Trung tâm Điều hành tác nghiệp Khí tượng thuỷ văn và 12 điểm cầu ở các Đài KTTV khu vực, Đài KTTV tỉnh.

GS.TS Trần Hồng Thái (thứ 3 từ phải sang), Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV chủ trì cuộc họp. Ảnh: Tiến Dũng

Sáng 19/8, bão số 4 đổ bộ đất liền tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, hồi 19 giờ, vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,1 độ Vĩ Bắc; 114,9 độ Kinh Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 470km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 150km tính từ tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc). Đến 19 giờ ngày 19/8, vị trí tâm bão ở khoảng 22,3 độ Vĩ Bắc; 110,0 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Nam tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh từ cấp 6 trở lên, giật từ cấp 8 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 19,5 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông. Toàn bộ tàu thuyền hoạt động trong vùng nguy hiểm đều có nguy cơ cao chịu tác động của gió mạnh và lốc xoáy.

Theo Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp. Đến 19 giờ ngày 20/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 23,1 độ Vĩ Bắc; 104,8 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt Nam-Trung Quốc. Sức gió mạnh nhất gần trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Từ chiều đến đêm 20/8, ở phía Bắc Vịnh Bắc Bộ (bao gồm cả huyện đảo Bạch Long Vĩ, đảo Cô Tô) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7; sóng biển cao từ 2,0-3,0m; biển động.

Nhận định tình hình bão số 4, các chuyên gia đã thảo luận và thống nhất cho biết, sáng mai (19/8), bão số 4 sẽ đổ bộ vào phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc), sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, tiếp tục dịch chuyển sang phía Tây suy yếu thành vùng áp thấp ở biên giới Việt Nam – Trung Quốc.

Đường đi bão số 4 cập nhật tại bản tin lúc 21h ngày 18/8/2020 của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, ảnh hưởng lớn nhất của bão số 4 là gây mưa lớn. Từ ngày 20/8 đến ngày 21/8 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to (phổ biến 100-200mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt). Từ chiều 20/8 đến ngày 22/8 ở khu vực Việt Bắc, Tây Bắc có mưa rất to (phổ biến 200-300mm/đợt, có nơi trên 350mm/đợt); các khu vực khác ở đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, có nơi mưa to (phổ biến 50-100mm/đợt).

“Đặc biệt lưu ý nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Không chỉ đợi ảnh hưởng của mưa do hoàn lưu bão số 4 mà ngay trong đêm nay và ngày mai (19/8) cũng cần cảnh báo ở mức độ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền núi phía Bắc”, ông Lâm nói.

Bên cạnh đó, đề phòng nguy cơ ngập lụt tại các tỉnh, thành phố như: Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, TP Việt Trì (Phú Thọ), TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc), TP Uông Bí (Quảng Ninh)…

Dự báo, cảnh báo sát thực tiễn

Với những nhận định về tình hình bão số 4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV Hoàng Đức Cường lưu ý vấn đề đánh giá cường độ của cơn bão số 4. Đồng thời, cùng với đánh giá lượng mưa ở Việt Nam, lưu ý lượng mưa do lũ từ Trung Quốc về. Tiếp tục theo dõi và phát tin, xem xét tần suất và tiêu đề tin bão số 4.

Kết luận cuộc họp, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái cho biết, mặc dù bão số 4 được dự báo không gây gió lớn, nhưng cần quan tâm xoáy lốc trước, trong và sau bão.

Đặc biệt nhấn mạnh vấn đề cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái đề nghị sớm thành lập tổ công tác liên quan đến dự báo vùng tác động. Cần cải thiện chất lượng cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo bám sát thực tiễn.

“Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia tiếp tục theo sát diễn biến bão số 4 và đưa ra các bản tin sát thực tiễn, tin cậy”, Tổng cục trưởng Trần Hồng Thái yêu cầu.

Tuyết Chinh