Kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai tại Tiền Giang
Ngành TN&MT - Ngày đăng : 14:42, 18/08/2020
Ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT phát biểu tại buổi làm việc |
Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT do ông Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ TN&MT) - Ủy viên Ban Chỉ đạo Trung ương PCTT làm Trưởng đoàn.
Cùng tham gia Đoàn công tác có đại diện Tổng cục PCTT - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT, Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, Văn phòng Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tiềm kiếm cứu nạn (TKCN) và các đơn vị chuyên môn trực thuộc Bộ TN&MT. Về địa phương có ông Phạm Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cùng các thành viên trong Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh.
Báo cáo với Đoàn công tác, đại diện Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Tiền Giang cho biết: Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã triển khai thực hiện công tác PCTT theo quy định của Luật PCTT và văn bản hướng dẫn dưới luật như: các Nghị định, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Chỉ thị, Thông tư và chiến lược, kế hoạch PCTT quốc gia, các phương án ứng phó thiên tai.
Hàng năm, tổ chức sơ tổng kết, rút kinh nghiệm kiện toàn bộ máy, phân công cụ thể từng thành viên Ban Chỉ huy PCTT&TKCN, bổ sung hoàn chỉnh phương án PCTT và TKCN cụ thể trên phạm vi ngành, địa phương của mình đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”; củng cố, bổ sung lực lượng xung kích TKCN của ngành và địa phương, tổ chức tập huấn và sẵn sàng ứng cứu khi có lệnh điều động.
Trong giai đoạn năm 2016 - 2020, toàn tỉnh Tiền Giang đã đầu tư 4.090 tỷ đồng cho công trình thủy lợi để phục vụ cho công tác PCTT. Đối với xâm nhập mặn 2019-2020, tỉnh Tiền Giang đã được sự hỗ trợ tích cực của trên 100 tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để phục vụ công tác ứng phó xâm nhập mặn.
Ngoài ra, mở 168 vòi nước công cộng và mở 50 điểm lấy nước qua bồn chứa nước để cấp nước miễn phí cho những hộ dân chưa tiếp cận được trạm cấp nước hoặc đã tiếp cận được nguồn nước từ trạm cấp nước nhưng không có nước sử dụng; vận chuyển nước ngọt bằng xà lan từ Mỹ Thuận về bổ cấp cho 02 nhà máy Đồng Tâm và Bình Đức...
Từ năm 2016-2019, trên địa bàn Tiền Giang đã tiến hành xử lý 415 điểm sạt lở bờ sông, bờ kênh với tổng chiều dài khoảng 42.612m, kinh phí gần 232 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu mùa mưa 2020, tình hình sạt lở trên địa bàn các huyện phía Tây đã xuất hiện 92 điểm sạt lở bờ sông, kênh rạch với tổng chiều dài 3.607m, ước tổng kinh phí xử lý 83,4 tỷ đồng.
Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai với tỉnh Tiền Giang |
Theo Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Tiền Giang, địa phương vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Cơ sở vật chất, phương tiện, trang tiết bị, công cụ hỗ trợ về phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế, chưa đảm; Tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại về tài sản, diện tích đất bị mất ngày càng tăng; tình hình thiên tai, xâm nhập mặn hiện đang ảnh hưởng rất lớn đời sống dân sinh và sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, do nguồn lực của Tiền Giang còn nhiều hạn chế, tỉnh Tiền Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương xem xét ghi vốn đầu tư công giai đoạn trung hạn 2021-2025 để hỗ trợ tỉnh đầu tư các dự án trọng yếu PCTT tại địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Trần Hồng Thái - Trưởng đoàn công tác ghi nhận và đánh giá cao sự chủ động của Tiền Giang trong ứng phó, PCTT, nhất là công tác ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vừa qua. Địa phương đã có sự chủ động, lồng ghép vào các phương án ứng phó, PCTT, đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, giảm thiểu thiệt hại gây ra.
Ông Trần Hồng Thái nhấn mạnh, trước tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và nhu cầu về phát triển nhanh của các quốc gia đã kéo theo thiên tai xảy ra ngày càng phức tạp, khó lường và có thể xảy ra mọi lúc, mọi nơi trên khắp các vùng miền trong cả nước.
Đặc biệt tại khu vực ĐBSCL, tình hình xâm nhập mặn đã đến sớm hơn, gay gắt hơn như mùa khô năm 2015-2016. Bên cạnh đó, tình hình sạt lở bờ sông, bờ biển cũng liên tục diễn xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng, tài sản của người, ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Đỉnh lũ năm 2020, ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc có khả năng ở trên mức báo động 1 và xuất hiện vào cuối tháng 9. Khả năng xuất hiện lũ lớn là không nhiều, tuy nhiên nguy cơ lũ lên nhanh hơn bình thường do mưa lớn trong thời gian ngắn có thể gây tác động tiêu cực đến vùng ĐBSCL.
Qua đó, để chủ động ứng phó với các tình huống thiên tai có thể xảy ra, giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, môi trường, các hoạt động kinh tế - xã hội, ông Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Tiền Giang tập trung vào 13 nội dung theo đề cương báo cáo.
Ông Trần Hồng Thái cũng cho rằng, trong thời gian vừa qua, công tác phòng, chống thiên tai đã đạt được nhiều kết quả, đã giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản. Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả đạt được, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế.
Theo ông Trần Hồng Thái, chính quyền, người dân ở một số vùng còn chủ quan, chưa quan tâm đúng mức đến công tác PCTT; nguồn lực cho PCTT còn hạn chế; công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội của các địa phương chưa gắn với công tác PCTT… và đặc biệt do tình hình dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp.
Do đó, ông Trần Hồng Thái đề nghị tỉnh Tiền Giang phải xem công tác PCTT là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục, theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo, không chủ quan để hướng tới xã hội an toàn trước thiên tai.
Theo chương trình làm việc, chiều 18/8, Đoàn công tác của Trung ương về PCTT sẽ đi kiểm tra thực tế một số vị trí trọng yếu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Ngày 19/8, Đoàn công tác tiếp tục làm việc với Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh Long An về việc chỉ đạo, triển khai công tác PCTT tại địa phương.