Điện Biên: Khu định cư Si Văn chưa bàn giao đã hư hỏng nặng
Tiếng dân - Ngày đăng : 11:31, 18/08/2020
Chờ đợi mặt bằng, 30 hộ gia đình bản Si Văn phải sống trong những căn nhà tam bợ, không điện, nước thiếu thốn đủ bề. |
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Tài nguyên Môi trường, tại mặt bằng điểm định cư Si Văn đã xuất hiện nhiều vết nứt kéo dài vài chục mét, rộng hàng chục cm; hàng chục nền nhà, và trên 90% đường bê tông nội bản cùng hệ thống rãnh thoát nước bị lún nứt, đứt gẫy sâu trên 20cm, không thể khắc phục do nền đất vẫn tiếp tục lún.
Hệ thống đường nội bản, công trình thoát nước bị nứt gẫy, sụt lún nghiêm trọng. |
Theo anh Quàng Văn Phiêng, một trong số 30 hộ gia đình được bố trí định cư tại điểm định cư Si Văn cho biết: Khi dự án điểm định cư Si Văn được triển khai, gia đình anh chấp nhận di dời nhà ở để nhường đất cho đơn vị thi công tiến hành san ủi, giải phóng mặt bằng. Nhưng tới nay, sau hơn 2 năm trời, gia đình anh vẫn chưa được cấp lại đất như lời chủ đầu tư đã hứa, buộc phải ở trong căn nhà tạm bợ, hễ mưa gió là dột thấm đủ bề, khốn khổ lắm.
Cũng theo anh Phiêng, điểm bố trí mặt bằng cho 30 hộ dân bản Si Văn định cư trước đây rất trũng, đơn vị thi công san đất đồi xuống để làm mặt bằng nhưng lại lu nèn sơ sài, nên cứ mưa xuống là đất nền lún nhìn thấy, đất lún sâu đường bê tông và rãnh thoát nước cứ “há hoác” ra, người dân chưa được sử dụng mà công trình đã hư hỏng nghiêm trọng, nhìn mà sót xa tiền của đầu tư của nhà nước.
Hiện trạng đường nội bản khu đinh cư Si Văn |
Một người dân ở bản Si Văn bức xúc nói: Đơn vị thi công làm đường, làm rãnh thoát nước khai thác cát tại chỗ, cát lẫn nhiều đất phù xa vẫn cố tình đổ bê tông làm đường, đây là nguyên nhân khiến một số hạng mục công trình đã thi công xong 2 năm nay rồi, chúng tôi vẫn dùng tay bẻ từng miếng bê tông ra được, làm sao mà người dân yên tâm nhận những công trình kém chất lượng thế này.
Hệ thống thoát nước lún sâu khoảng 20cm, tách rời khỏi mặt đường. |
Sau vài trận mưa, những vết nứt nền kéo dài hàng vài chục mét phía taluy âm gây nguy cơ sạt lở đất xuống khu dân cư Púng Bon. |
Nhiều điểm sạt lở đến sát nền nhà dự kiến cấp cho nhân dân. |
Trao đổi với PV, ông Lò Văn Liên, Chủ tịch UBND xã Pa Thơm, huyện Điện Biên cho biết: Chính quyền địa phương đã nhiều lần kiến nghị huyện, tỉnh quan tâm, tìm giải pháp khắc phục sớm, vì dự án cứ “treo” mãi như thế, người dân không có chốn an cư để ổn định cuộc sống. Gần đây nhất, ngày 20/04/2020, xã Pa Thơm có báo cáo số 40/BC-UBND báo cáo về việc kiểm tra hiện trạng mặt bằng san nền khu dân cư bản Púng Bon, Si Văn xã Pa Thơm, huyện Điện Biên theo đề án bảo tồn dân tộc Cống. Theo đó, hiện trạng mặt bằng có 15 nền nhà, hệ thống đường nội bản, rãnh thoát nước và kè chắn sạt lở bị vỡ, sạt lở, một số điểm mặt bằng không đảm bảo dựng nhà.
Tại buổi làm việc với đại diện chủ đầu tư là Ban dân tộc tỉnh Điện Biên, để tìm hiểu về nguyên nhân chậm tiến độ dự án này, ông Giàng A Dình, trưởng Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên cho biết: Ban Dân tộc tỉnh được UBND tỉnh Điện Biên giao làm đại diện chủ đầu tư. Tuy nhiên, do Ban Dân tộc không đủ năng lực để thực hiện dự án nên chúng tôi đã hợp đồng với các Ban quản lý dự án của tỉnh để điều hành thực hiện dự án này. Do đó, theo ông Dình, trách nhiệm của các sở, ngành, các Ban quản lý dự án, đơn vị tư vấn thiết kế, được tỉnh giao nhiệm vụ để xảy ra sai ở khâu nào thì đơn vị đó phải chịu trách nhiệm. Ngoài ra, theo ông Dình, vị trí mặt bằng bản Si Văn là do các gia đình bản Si Văn lựa chọn thì người dân phải chịu trách nhiệm về sự lựa chọn của mình.
Ông Dình cũng cho biết thêm: “Trong quá trình thực hiện san ủi mặt bằng điểm định cư Si Văn, bản thân tôi cũng thấy bức xúc vì mặt bằng thiết kế không được thoả mãn, đáp ứng nguyện vọng của người dân, nhưng đơn vị tư vấn thiết kế được nhà nước chứng nhận đã thiết kế như vậy, Sở xây dưng tỉnh Điện Biên đã thẩm định như thế rồi, tôi có muốn cũng không thể làm thay đổi cái mặt bằng này được”.
Được biết, 2 đơn vị được Ban Dân tộc tỉnh Điện Biên hợp đồng điều hành thực hiện dự án là: Ban Quản lý dự án các công trình DD&CN tỉnh Điện Biên, có địa chỉ tại tổ 14, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ và Công ty cổ phần tư vấn và đầu tư xây dựng A&T có địa chỉ tại bản văn hoá Him Lam I, phường Him Lam, TP. Điện Biên Phủ. Hợp đồng nêu rõ, nhiệm vụ công việc của tư vấn quản lý điều hành dự án: Giúp chủ đầu tư trong việc tổ chức uản lý, thực hiện dự án từ bước chuẩn bị đầu tư cho đến thanh quyết toán dự án hoàn thành; trực tiếp quản lý hồ sơ dự án, kiểm tra đánh giá chất lượng công trình, ký nghiệm thu các hạng mục công trình, tham mưu, phối hợp với chủ đầu tư ký nhận, nghiệm thu bàn giao công trình khi đơn vị thi công hoàn thành bàn giao…
Đối với đơn vị tư vấn, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng và bố trí đủ nhân lực thực hiện giám sát tại công trường phù hợp với quy mô, yêu cầu của công việc thực hiện giám sát; kiểm tra điều kiện khởi ông công trình xây dựng theo quy định tại điều 107 của Luật Xây dựng; kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng gồm: Nhân lực, thiết bị thi công; kiểm tra và chấp thuận vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình…
Dự án san nền, giao thông, thoát nước điểm dân cư Si Văn và Púng Bon, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên có tổng nguồn vốn đầu tư gần 6 tỷ đồng. Công trình mặc dù chưa chính thức bàn giao, tuy nhiên nhiều hạng mục công trình đã hư hỏng nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận. Tỉnh Điện Biên cần làm rõ trách nhiệm của đại diện chủ đầu tư và các, sở, ngành, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án này.
Báo Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.