Xử lý tình trạng khai thác cát sỏi lòng sông: Cần quyết liệt và khoanh định vùng cấm

Tài nguyên - Ngày đăng : 11:31, 18/08/2020

(TN&MT) - Nghị định số 23/2020 NĐ-CP về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông quy định rõ, các khu vực đang bị sạt, lở; Khu vực đã bị sạt, lở và có nguy cơ tiếp tục bị sạt, lở; Khu vực bờ sông không ổn định, có nguy cơ sạt, lở…là những khu vực cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông.

Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại các khu vực này vẫn đang tái diễn trước sự lúng túng và thiếu quyết liệt của chính quyền các cấp.

Tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại một số huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn ra phức tạp. Nguồn: NPV

Diễn biến phức tạp

Vào những ngày đầu tháng 8/2020, các ban thuộc HĐND thành phố Hà Nội đã tiến hành khảo sát công tác quản lý khai thác cát, sỏi lòng sông và quản lý bến thủy nội địa tại một số huyện trên địa bàn thành phố và nhận thấy, tình trạng khai thác cát, sỏi lòng sông tại các địa phương vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn, sạt, lở bờ sông.

Đơn cử như tại huyện Mê Linh hiện có 2 đơn vị khai thác cát, sỏi lòng sông theo giấy phép là Công ty cổ phần Thương mại Tiền Giang và Công ty TNHH Phước An. Mặc dù chính quyền địa phương đã quản lý chặt chẽ và kịp thời ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản lòng sông, thăm dò, khai thác, tập kết kinh doanh cát, sỏi và vật liệu trái phép, nhưng địa phương vẫn thừa nhận rằng, tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện chưa được giải quyết một cách triệt để. Hoạt động khai thác cát trái phép lòng sông Hồng thuộc địa bàn huyện vẫn diễn ra, đa số lén lút hoạt động vào ban đêm.

Đặc biệt, do huyện Mê Linh giáp ranh với huyện Đan Phượng và các huyện Yên Lạc, Bình Xuyên (tỉnh Vĩnh Phúc), nên việc xác định địa giới hành chính trong xử lý hoạt động bến thủy nội địa, khai thác cát, sỏi lòng sông gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, trên địa bàn huyện Thường Tín không có tổ chức, cá nhân nào được cấp phép khai thác khoáng sản; không có dự án, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình nào có hoạt động khai thác cát, sỏi tại địa bàn huyện.

Tuy nhiên, trên địa bàn huyện vẫn xảy ra một số vụ vi phạm về khai thác cát trái phép trên sông Hồng. Từ năm 2011 đến nay, huyện đã kiểm tra, xử lý 51 vụ, tịch thu 2 tàu thuyền là phương tiện vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính hơn 800 triệu đồng.

Theo Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thường Tín Phạm Văn Tập, mặc dù các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về khai thác cát, sỏi nhưng do lực lượng kiểm tra mỏng, đối tượng thường hoạt động vào ban đêm nên công tác kiểm tra, bắt giữ rất khó khăn.

Khẩn trương tổ chức khoanh định khu vực cấm khai thác

Theo Phó Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội Đoàn Việt Cường, việc khai thác khoáng sản lòng sông trái phép, chủ yếu là cát, sỏi đã diễn ra từ lâu, các lực lượng chức năng đã tăng cường xử lý, song do nhiều nguyên nhân nên chưa xử lý được triệt để. Đáng lưu ý, công tác phối hợp giữa chính quyền các địa phương với lực lượng chức năng của thành phố từ khi phát hiện hành vi vi phạm đến khi xử lý còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ.

Để bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản, góp phần ngăn chặn sạt lở đê, kè, bờ sông do ảnh hưởng của việc khai thác cát, sỏi trái phép, UBND thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đặc biệt là cát xây dựng; giám sát chặt chẽ hoạt động cấp phép, khai thác, kinh doanh cát, sỏi lòng sông…

UBND thành phố cũng đã ký kết quy chế phối hợp trong công tác quản lý, bảo vệ cát, sỏi lòng sông tại khu vực giáp ranh với các tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Bắc Giang… nhằm phối hợp, ngăn chặn khai thác trái phép.

Trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội chủ trì phối hợp với các đơn vị, sở, ngành và các địa phương  mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý các điểm khai thác cát trên địa bàn, các điểm tập kết vật liệu xây dựng. Trong đó, ngoài việc duy trì các biện pháp thường xuyên và liên tục, cần thành lập 2 tổ kiểm tra giám sát việc chấp hành của các đơn vị khai thác, chủ bãi tập kết, trung chuyển.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để quản lý hiệu quả nguồn khoáng sản cát, sỏi lòng sông, thành phố Hà Nội cần khẩn trương tổ chức khoanh định khu vực cấm hoặc tạm thời cấm hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông trên địa bàn, lấy ý kiến các cơ quan theo quy định của pháp luật về khoáng sản, gửi Bộ TN&MT để rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng quy định tại Nghị định số 23/2020 NĐ-CP.

Phạm Oanh