19 tháng Tám: Khúc ca vang mãi trong lòng người Việt

Xã hội - Ngày đăng : 07:20, 18/08/2020

(TN&MT) - Một trong những ca khúc ghi nhận “bước ngoặt” vĩ đại của dân tộc trong Cách mạng Tháng Tám thành công năm 1945 của thế kỷ 20 là ca khúc “19 tháng Tám”.

Nhạc sĩ Xuân Oanh (1923-2010), ảnh TL

Cho đến bây giờ sau ¾ thế kỷ, “19 tháng Tám” vẫn là ca khúc sống mãi trong lòng người Việt, gợi nhớ về những ngày tháng hào hùng của dân tộc nhất tề đứng lên lật đổ chính quyền cũ, làm nên Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.  

Khúc ca đặc biệt ra đời ngày đặc biệt

Người sáng tác ca khúc “19 tháng Tám” là nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh. Ông thuộc lớp nhạc sĩ sinh thời chế độ phong kiến, nhưng lại có tư tưởng cấp tiến về cải tiến văn hóa chế độ thời bấy giờ. 

Đỗ Xuân Oanh chia sẻ, ông hoàn thành ca khúc “19 tháng Tám” đúng lúc ông và đồng đội tiến vào Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Ngày đó cả thành phố Hà Nội không ngủ. Mới 3 giờ sáng, hàng ngàn người dân từ năm cửa ô tiến về trung tâm thành phố với khí thế sôi sục. Tất cả đều có chung niềm tự hào dòng máu Việt đứng lên đấu tranh đòi quyền sống, quyền tự do của một dân tộc có chủ quyền. Trên các tuyến phố, hàng ngàn người không phân biệt già, trẻ, gái, trai thành phần tôn giáo, dân tộc, tầng lớp cầm biểu ngữ hô to: “Toàn dân Việt Nam vùng lên! Vùng lên!”, “Thề đem xương máu quyết chiến đấu! Chiến đấu”.

Nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh lúc đó là một người lính, ông hòa mình vào dòng người tranh đấu của Hà Nội. Trước những giây phút thiêng liêng của dân tộc, cảm xúc trong ông đã tuôn trào thành những tứ chữ đầu tiên: “Toàn dân Việt Nam đứng đều lên góp sức một ngày. Thề đem xương máu quyết lòng chiến đấu cho tương lai...”. Những nốt nhạc hùng hồn chảy trong đầu ông như dòng sông tranh đấu của triệu người con Hà Thành ngày ấy. Những câu tiếp theo của bài hát “19 tháng Tám” cứ chảy, cứ thôi thúc và tuôn trào trong tim ông.

Vừa đi giữ đoàn người, ông vừa hát to “Mười chín tháng Tám, chớ quên là ngày khởi nghĩa. Hạnh phúc sáng tô non sông Việt Nam”. Mọi người thấy ông hát, cũng hát theo chứ chưa hiểu lúc đó là bài gì. Thời gian trên đoạn đường hành quân đến Nhà Hát lớn Hà Nội không xa, nhưng những câu từ đã hoàn thiện trong đầu nhạc sĩ Xuân Oanh. Để rồi khi bước chân ông đặc lên bậc thềm Nhà hát lớn, cũng là lúc bản nhạc bất hủ ấy được tuyên truyền cho mọi người xung quanh. Ngay giữa sân Nhà hát lớn ngày 19-8-1945, những ca từ “Người Việt Nam đều thống nhất reo vang lời thề” được hàng ngàn người reo vang sống dậy khí thế đấu tranh sôi sục.

Sau đó ít ngày, bài hát được Đài Tiếng nói Việt Nam thu âm và phát sóng liên tục cả tuần tiếp đó. Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội và đó cũng là ngày ca khúc “19 tháng Tám” chính thức có tên tuổi và đi vào lòng người Việt.

Bản nhạc ca khúc “19 tháng Tám” ảnh TL

Ca khúc để đời của nhạc sĩ đất Mỏ

“19 tháng Tám” là ca khúc để đời của nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh. Ca khúc này đã làm nên tên tuổi của người con đất Mỏ Quảng Ninh thời đó. So với những ca khúc cách mạng cùng thời, “19 tháng Tám” chỉ có 10 câu ngắn gọn, nhưng lại dồn nén cả khí thế hào hùng của một dân tộc anh hùng nhất tề đứng dậy. Câu đầu tiên của ca khúc “Toàn dân Việt Nam đứng lên góp sức một ngày” vừa là lời hiệu triệu, vừa là “đòn bẩy” để triệu người như một nhất tề đứng dậy làm cuộc cách mạng long trời lở đất mang dấu ấn đặc biệt của thế kỷ 20.

Sau khi ca khúc “19 tháng Tám” được chính thức phát sóng, nó đã nhanh chóng vượt ra năm cửa ô của Hà Nội, vượt ra chiến trường Việt Bắc, len lỏi trong rừng sâu và âm vang cả nhiều nơi bưng biền miền Nam ruột thịt.

Nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh sinh năm 1922, ở huyện Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; trong gia đình thợ mỏ nghèo, mẹ mất sớm. Bản thân chỉ được học hết bậc tiểu học và học dở dang trung học. 14 tuổi đã phải về Hải Phòng làm đủ nghề để kiếm sống. Một ít “vốn liếng” về âm nhạc, hội họa và ngoại ngữ, năm 19 tuổi, ông lên Hà Nội làm gia sư dạy trẻ, vẽ mẫu quần áo, sửa chữa giày dép và được nhà văn Nguyễn Đình Thi hướng dẫn làm công tác tuyên truyền cho Mặt trận Việt Minh. Công việc cụ thể là đi phân phát, giới thiệu báo Cờ Giải phóng, báo Hồn Nước...  

Ngoài ca khúc “19 tháng Tám”, ông còn có những ca khúc để đời như “Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa”, “Quê hương anh bộ đội”, “Ca ngợi chế độ ta tươi đẹp”. Sinh thời, nhạc sĩ Đỗ Xuân Oanh cũng là người thành thạo hai ngoại ngữ Anh, Pháp. Để kiếm thêm nguồn sống, ông dịch thuật hơn 10 tác phẩm văn học nổi tiếng như: “Cuộc chiến tranh giữa các vì sao”, “Trần trụi giữa bầy sói”, “Cuộc phiêu lưu của Héc Quyn”...

Người nhạc sĩ ấy, người lính tài năng ấy đã vĩnh hằng năm 2010, nhưng ca khúc “19 tháng Tám” vẫn vang lên hùng tráng mỗi độ tháng Tám thu về.

“19 tháng Tám” vang lên như thúc giục trong trái tim của mỗi người dân Việt Nam mỗi độ Thu về. “19 tháng Tám” không chỉ là “khúc ca truyền lửa” khí thế đấu tranh cách mạng, mà còn là mốc ghi dấu ấn đặc biệt của đất nước ngày đặc biệt nhất- ngày Cách mạng tháng Tám thành công.

Lê Khanh