16 ngày chiến đấu giành sự sống cho bệnh nhân COVID-19 từ tay “tử thần”
Xã hội - Ngày đăng : 21:00, 16/08/2020
Một kỷ niệm đặc biệt!
Ngày 16/8/2020 đánh dấu một bước ngoặt đầy niềm vui, hạnh phúc đối với tập thể y bác sĩ tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng khi bệnh nhân số 582 được công bố khỏi bệnh. Đây là bệnh nhân tiên lượng rất nặng, phải nằm hồi sức tích cực và chăm sóc đặc biệt, chạy ECMO, lọc máu… Bệnh nhân được so sánh mức độ nặng như bệnh nhân số 91 là phi công người Anh khi có nhiều bệnh nền rất nặng, nằm trong số các bệnh nhân tiên lượng nặng của Bộ Y tế.
Bác sĩ Trần Thanh Linh, Bệnh viện Chợ Rẫy thành phố Hồ Chí Minh, người trực tiếp điều trị khỏi cho bệnh nhân 91 và bệnh nhân 582 chia sẻ: Bệnh nhân có bệnh nền gồm tăng huyết áp, suy tim. Ngày đầu nhập vào Bệnh viện Đà Nẵng, qua X-quang phổi cho thấy bệnh nhân bị tổn thương phổi. 2 ngày sau đó thì tổn thương phổi bên phải khá nặng nề, đặc biệt là bệnh nhân có bệnh lý nền của suy giảm miễn dịch.
Các y bác sĩ túc trực gần như 24/24h với bệnh nhân để kịp thời xử lý mọi tình huống |
Thời điểm đó, tại Bệnh viện Phổi chưa thiết kế khu ICU nên e-kip của Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuyển bệnh nhân 582 điều trị tại khoa Y học nhiệt đới của Bệnh viện Đà Nẵng. Tại đây, ngày 2/8, diễn tiến phổi của bệnh nhân nhanh nên ê -kip điều trị đã triển khai ECMO và đồng thời lọc máu.
"Anh em quyết tâm làm tất cả để cứu sống bệnh nhân. Thời điểm làm ECMO thì trên monitor, nhịp tim rất chậm, thể hiện tình trạng tổn thương tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp và suy tim. Ngoài ECMO, bệnh nhân 582 còn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở" -bác sĩ Linh chia sẻ.
Bệnh viện Phổi chưa có thang máy, y bác sĩ đã khiêng bệnh nhân này lên thang bộ |
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, sau 4 ngày điều trị, đáng mừng là các chỉ số tim, phổi của bệnh nhân này được cải thiện và sau đó được chuyển về Bệnh viện Phổi. Tại Bệnh viện Phổi, bệnh nhân được cai ECMO vào ngày 5/8. Tại đây, các y bác sĩ đã túc trực chăm sóc toàn diện cho bệnh nhân cùng chăm sóc vật lý trị liệu, theo dõi các thông số. Sau khi cai ECMO, bệnh nhân này còn phụ thuộc vào máy thở và có các đợt nhiễm trùng nên tiếp tục được lọc máu và thay huyết tương.
“Sau 4 lần xét nghiệm âm tính, bệnh nhân đủ tiêu chuẩn khỏi COVID-19. Bệnh nhân được di chuyển để rời khu ICU tránh lây nhiễm chéo. Như mọi người đã biết hiện Bệnh viện Phổi chưa có thang máy, anh em y bác sĩ đã khiêng bệnh nhân này lên thang bộ. Đây là kỷ niệm rất đặc biệt với những người làm y tế chúng tôi" - bác sĩ Linh nói.
Bệnh nhân 582 trở về từ "cửa tử" đã cầm được bút để viết lời cảm ơn và tặng hoa các y bác sĩ |
Với bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng hôm nay cũng là một ngày đầy xúc động: “Tôi luôn nhớ câu của Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn rằng mỗi lần thông tin một bệnh nhân tử vong là một lần cảm thấy như muối đang sát vào tim mình. Do đó, sáng hôm nay chúng ta công bố một bệnh nhân từ cõi chết trở về là một thành công rất lớn mà chúng tôi thay mặt ngành y tế Đà Nẵng rất cảm ơn bác sĩ Linh là kíp trưởng của Khoa Hồi sức - tích cực. Cảm ơn tất cả các anh em y bác sĩ hồi sức của ba miền từ Chợ Rẫy, Bạch Mai và bệnh viện Đà Nẵng cũng như bệnh viện Phổi chúng ta đã cố gắng hết sức chăm chút từng li từng tí để cứu sống bệnh nhân “- bác sĩ Yến chia sẻ.
Vào tâm dịch chỉ với một bộ quần áo
Được tăng cường chi viện cho Đà Nẵng, bác sĩ Trần Thanh Linh nhận lệnh lên đường sau vài ngày trở về từ ca hội chẩn phẫu thuật cho các bệnh nhân trong vụ tai nạn lật xe ở Kom Tum khiến 5 người tử vong. Bác sĩ Linh tâm sự: hành trang đến Đà Nẵng lúc bấy giờ chỉ có một bộ đồ, khi đó mọi người đều nghĩ chỉ có một ca bệnh nặng là bệnh nhân 416. Tuy nhiên, sau đó có thêm nhiều trường hợp bệnh nhân nặng khác phải điều trị.
“Không riêng chúng tôi mà nhiều anh em y, bác sĩ từ Bệnh viện Chợ Rẫy cũng mong muốn hỗ trợ, chung tay cùng Đà Nẵng khống chế dịch bệnh, cứu sống bệnh nhân càng nhanh càng tốt. Hành trang bây giờ chúng tôi luôn mang theo đó là quyết tâm đẩy lùi dịch COVID-19 càng sớm càng tốt và khi nào hết dịch thì các anh em mới trở về. “- bác sĩ Linh chia sẻ.
Lời cảm ơn ghi trên giường bệnh của bệnh nhân 582 |
Nhìn lại hành trình 16 ngày giành lại sự sống cho bệnh nhân, bác sĩ Linh cho rằng trước tiên phải khẳng định đây là thành công của tập thể chứ không riêng cá nhân nào, đó là sự gắn kết của tất cả các anh em làm y tế, không chỉ từ những chỉ đạo đúng đắn trong phác đồ điều trị trong các cuộc hội chuẩn trực tuyến quốc gia của các giáo sư, chuyên gia đầu ngành cho đến kinh nghiệm từ y bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chợ Rẫy. Điều thuận lợi là chúng ta đã kinh qua những ca bệnh nặng, đặc biệt là ca bệnh 91.
Những bệnh nhân có bệnh lý nặng, phải theo dõi xuyên suốt hằng ngày và không chỉ là bác sĩ, mà các điều dưỡng lúc nào cũng ở bên cạnh bệnh nhân trong việc chăm sóc toàn diện từ vệ sinh hút đờm, nhớt cho đến vật lý trị liệu...không ngại khó, khổ sẵn sàng vì một mục tiêu chung cứu sống người bệnh, đưa người bệnh sớm khỏi bệnh càng sớm càng tốt.
“Hiện nay chúng ta còn khá nhiều bệnh nhân ở Trung tâm y tế Hoà Vang, 3 đến 4 bệnh nhân trên nền bệnh lý suy thận nặng, còn ở Bệnh viện Phổi cũng còn 3 đến 4 bệnh nhân vẫn còn tiên lượng nặng. Chúng tôi sẽ nỗ lực để cứu những bệnh nhân khác để hạn chế tử vong ở những ca bệnh nặng tiếp theo, đó là sự xoa dịu lớn nhất cho chúng tôi, cho cộng đồng và cũng như cho những người có thân nhân là bệnh nhân đã ra đi.”- bác sĩ Linh nói.
Y bác sĩ ở Đà Nẵng đang quyết tâm cứu những bệnh nhân khác để hạn chế tử vong ở những ca bệnh nặng tiếp theo |
Vất vả, đôi lúc là kiệt sức thế nhưng mỗi ngày, các y bác sĩ trên tuyến đầu chống dịch ở Đà Nẵng vẫn đang đều đặn vào ca, vẫn khoác lên mình bộ đồ bảo hộ kín mít để vào với bệnh nhân. Để rồi, một dòng chữ giản dị cảm ơn các bác sĩ của bệnh nhân cũng đủ khiến họ có động lực lớn lao tiếp tục vào “trận chiến COVID-19”.