Thói quen sử dụng đồ nhựa vô tội vạ đang giết chết hành tinh

Thế giới - Ngày đăng : 13:54, 16/08/2020

(TN&MT) - Các nhà khoa học đã rất sốc khi phát hiện ra các khu vực sâu xa nhất của Thái Bình Dương bị ô nhiễm bởi rác thải nhựa. Theo họ, những đồ nhựa này sẽ tồn tại lâu hơn cả con người.

Theo phát hiện của các nhà khoa học, nhựa mà chúng ta sử dụng để bảo quản thực phẩm của chúng ta cũng chính là nguyên nhân gây ô nhiễm hành tinh. Ảnh: Justin Hofman / Greenpeace / PA

Cách đất liền 200 km, ở giữa Nam Thái Bình Dương, các nhà khoa học nhận thấy “chỗ nào cũng là nhựa”.

“Nhựa mà chúng ta sử dụng một cách thiếu suy nghĩ hàng ngày, vứt bỏ mà không cần suy nghĩ trong giây lát, nó vẫn tồn tại và tiếp tục giết chết hành tinh của chúng ta, giết chết sinh vật biển của chúng ta, và giết chết chúng ta một cách từ từ nhưng chắc chắn”, các nhà khoa học cho biết.

“Tôi ở đây với tư cách là một thành viên của nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Nam Thái Bình Dương đang thu thập các mẫu nước biển xa nơi sinh sống của con người”, Andrew Paris, người nhận học bổng Chương trình hợp tác Hàng hải giữa Liên minh châu Âu và các nước Thái Bình Dương (PEUMP) cho biết.

Mục tiêu của Paris là so sánh nồng độ hạt vi nhựa ngoài khơi với nồng độ gần bờ hơn.

2 trong số 3 con cá được thu thập từ môi trường ven bờ Suva được phát hiện có chứa vi nhựa. Một con cá được phát hiện có chứa 68 hạt nhựa đáng kinh ngạc.

Mức độ ăn nhựa của các loài sống ven bờ phổ biến này tương đương ở Trung Quốc.

Ở Nam Thái Bình Dương, cá chiếm hơn gấp đôi mức tiêu thụ protein động vật trung bình toàn cầu, đây là điều đáng báo động.

Nồng độ vi nhựa trong nước biển xung quanh Suva có thể so sánh với các vùng của Địa Trung Hải.

Các trầm tích ven biển được bao phủ bởi vi nhựa ở mức độ tương tự như các trầm tích dọc theo bờ biển Singapore và Bồ Đào Nha.

“Chúng tôi phát hiện ra rằng loại nhựa mà chúng ta sử dụng để bảo quản thực phẩm của chúng ta cũng chính là loại đang làm ô nhiễm đại dương. Polyetylen, loại nhựa được sử dụng rộng rãi nhất trên cạn cũng có mặt ở khắp mọi nơi trong nước”, Paris nhấn mạnh.

Riêng năm 2017, Fiji đã nhập khẩu hơn 2.000 tấn polyethylene.

Trên các hòn đảo xa xôi ở phía Bắc và phía Đông của Fiji, các đường bờ biển tràn ngập polyethylene dưới nhiều dạng. Tất cả mọi thứ từ áo sơ mi đến dây tàu đều làm từ loại nhựa này.

“Một lần nữa, chúng ta đang ở đây, trên tuyến đầu của một thảm họa môi trường sắp xảy ra”, Paris nói.

Nghiên cứu đánh giá toàn diện đầu tiên về vi nhựa trong vùng nước bề mặt Nam Thái Bình Dương, sẽ cung cấp dữ liệu cơ bản, giúp các chương trình giám sát phát hiện những thay đổi môi trường và đánh giá nỗ lực kiểm soát ô nhiễm nhựa.

Mai Đan