Nguy cơ ô nhiễm từ các khu chợ tự phát
Môi trường - Ngày đăng : 18:07, 14/08/2020
Một trong những khu có nhiều chợ cóc, chợ tạm có thể kể đến đường Pháo Đài Láng. Nơi này khác hẳn với đường Nguyễn Chí Thanh ngay sát cạnh đó. Một con đường thì từng được mệnh danh “Con đường đẹp nhất Việt Nam”, còn nơi còn lại thì nguyên con phố gần như đều bị biến thành khu chợ đông đúc, luôn luôn tấp nập.
Đường Pháo Đài Láng đã biến thành đường "chợ", lúc nào cũng tấp nập, có cả người mua, người bán, hộ dân khu vực và cả những người tham gia giao thông |
Những người dân sinh sống lâu năm ở đây không biết chợ này có từ khi nào. Chợ có cả các hộ dân tự kinh hoanh và những cá nhân từ nơi khác đến bày bán. Người bán rau, người bán cá, bán hoa…, mỗi người một sạp hàng dần dần thành cái chợ. Khung giờ cao điểm, kẻ bán người mua chen chúc nhau giữa đường gây ách tắc giao thông trầm trọng.
Hai bên đường bày tràn lan các sạp hàng với đủ loại hàng hóa |
Lý giải về thói quen mua hàng ở chợ tự phát, chị Nguyễn Thị Thu Thủy (Chùa Láng, Hà Nội) cho biết: “Khu chợ tiện đường mình đi từ chỗ làm về nhà nên mình hay ghé vào. Mình cũng hay mua chỗ quen được giới thiệu nên khá an tâm về chất lượng thực phẩm”.
Thế nhưng cũng có người lo ngại là vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm. Nguồn hàng từ nhiều nơi khác nhau đổ về không có sự quản lý, nên khó kiểm nghiệm chất lượng. Hình ảnh các đống rác lớn, bé xuất hiện khắp mọi nơi. Khu vực bán gà, lợn, cá còn có dịch vụ giết mổ tươi sống tại chỗ, xả trực tiếp nước bẩn ra đường. Mùi rác thải phân hủy, mùi hôi tanh của thịt, cá bốc lên nồng nặc.
Rác thải xả ra cả trên vỉa hè lẫn dưới lòng đường bốc mùi hôi thối |
Trái ngược với sự “tiện lợi” của người mua đưa ra, bác Mai, một người dân sinh sống tại phố Pháo Đài Láng chia sẻ: “Khu chợ này họp cả ngày nên đường phố lúc nào cũng nhếch nhác, giao thông ùn tắc. Nắng nóng đã oi bức giờ còn phải hít thêm mùi thực phẩm hôi tanh ảnh hưởng đến sức khỏe vô cùng”.
Ở chợ cóc tại phố Tôn Thất Tùng, nằm sát cạnh khu bán đồ lưu niệm, chợ cóc chỉ họp vào buổi sáng và giờ tan tầm chiều. Không gian tuy chật hẹp nhưng người mua kẻ bán vẫn tấp nập và náo nhiệt. Các cơ quan chức năng ở địa phương cũng nhiều lần nhắc nhở, dùng biện pháp cứng rắn để xử lý nhưng rồi đâu lại vào đó. Người bán cứ bán, người mua cứ mua, thấy bóng dáng cơ quan chức năng đến thì… chạy.
Người tiêu dùng lựa chọn mua sắm ở chợ cóc vì lý do "tiện" |
Chị Nguyễn Thị Hằng, một tiểu thương hàng ngày mang cá lên bán tại chợ cóc Tôn Thất Tùng chia sẻ rằng, gia đình chị thuộc vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội nên chỉ thỉnh thoảng chạy hàng lên bán tại chợ cóc này. Nếu vào hẳn các khu chợ chính bán, với đủ các chi phí chị không đủ để trang trải cuộc sống.
“Biết là mình có làm ô nhiễm môi trường, nhưng người mua thường có nhu cầu muốn cá phải được sơ chế trước, họ chỉ cần mua về chế biến luôn thôi. Nếu mình làm trước thì họ lại nghĩ mình bán cá chết, không tươi nên bắt buộc phải để sống. Ai mua thì mình sơ chế tại chỗ luôn, sẽ không tránh khỏi việc máu me, nước tanh tràn ra đường” – chị Hằng phân trần.
Người bán thường có dịch vụ sơ chế tại chỗ luôn để đáp ứng nhu cầu khách hàng |
Trên thực tế, những năm qua, Hà Nội cũng đã có nhiều chủ trương và biện pháp quyết liệt trong việc dẹp bỏ chợ tự phát, nhưng hiệu quả đạt được không đáng kể. Bởi lẽ việc cưỡng chế xét đến cùng mới chỉ là giải quyết phần “ngọn” còn vấn đề mưu sinh của người người buôn bán tại các chợ này vẫn chưa được giải quyết.
Thiết nghĩ, về lâu dài cần nghiên cứu, bố trí, xây dựng hệ thống chợ dân sinh một cách hợp lý. Có thể sử dụng diện tích đất xen kẹt để bố trí địa điểm buôn bán tạm cho người dân.