Đức Thọ - Hà Tĩnh: Lò đốt rác chưa kịp hoạt động đã đắp chiếu
Môi trường - Ngày đăng : 17:00, 14/08/2020
Nhằm giải quyết bài toán rác thải sinh hoạt trên địa bàn, năm 2017, huyện Đức Thọ làm chủ đầu tư lò đốt xử lý rác thải ở bãi Phượng Thành với tổng nguồn vốn đầu tư là 6 tỷ đồng, trong đó phí xây lắp 2, 5 tỷ. Theo thiết kế, khi đi vào hoạt động đảm bảo khả năng xử lý 24 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày.
Lò đốt xử lý rác thải sinh hoạt ở bãi rác Phượng Thành, huyện Đức Thọ |
Được biết, trước khi đầu tư dự án, huyện Đức Thọ đã “thất thủ” trong việc tìm kiếm điểm xử lý rác thải. Tại thời điểm đó, cảnh tượng ngập tràn rác thải có thể bắt gặp bất cứ nơi đâu ở trên địa bàn huyện này: Rác được chất đống tại các hộ gia đình, các khu dân cư, góc đường,...gây bức xúc dư luận trong thời gian dài.
Dự án được đầu tư 6 tỷ đồng, hoàn thành và đi vào hoạt động(Ảnh: Ngọc Thanh) |
Đến ngày 22/3/2018, lò xử lý rác thải được hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động, công trình sau đó được chủ đầu giao cho Công ty TNHH- Dịch vụ xây dựng Sông La có trụ sở tại huyện Đức Thọ vận hành. Lò đốt xử lý chất thải sinh hoạt Phượng Thành đi vào hoạt động không những góp phần vận dụng có hiệu quả các giải pháp cải thiện, kiểm soát ô nhiễm mà còn đáp ứng tiêu chí bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết tận gốc vấn đề bức xúc về rác thải ở huyện Đức Thọ.
Chỉ một tháng hoạt động lò đốt rác đã nằm đắp chiếu nhiều năm nay |
Tuy nhiên, xét theo Quy chuẩn 01/2008 của Bộ Xây dựng, vị trí lò đốt rác này lại không đảm bảo yêu cầu do vướng khu dân cư (tối thiểu phải cách 500m), cũng như nằm đầu nguồn nước. Do vậy, dự án sau ngày đi vào hoạt động đã gặp sự phản đối mạnh mẽ từ người dân, chỉ đáp ứng trong vòng một tháng rồi dừng hoạt động cho đến nay.
Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) chia sẽ thêm: “Năm 2018, thực hiện Nghị quyết 32 của HĐND tỉnh, huyện đã triển khai dự án xây dựng lò đốt ở bãi rác Phượng Thành. Khi thực hiện xong thì người dân thôn Đông Xá, xã Đức Hòa phản đối, với lý do vị trí thực hiện không đảm bảo vệ sinh môi trường, vì vậy phải dừng hoạt động lò đốt”.
Để giải quyết tình trạng ứ đọng rác thải, huyện Đức Thọ đã hợp đồng với nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh vận chuyển, xử lý (Ảnh: Ngọc Thanh) |
Giải quyết bài toán tồn ứ rác thải ngày càng nhiều gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn, tình thế buộc UBND huyện Đức Thọ đã ký hợp đồng với các công ty xử lý chất thải trên địa bàn các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để vận chuyển rác về các nhà máy xử lý. Dù vậy, phương án tốn kém này đến nay huyện Đức Thọ vẫn chưa tìm được phương án khác để thay thế.
Bài toán xử lý rác thải ở huyện Đức Thọ đến nay rất cần lời giải về lâu dài (Ảnh: Ngọc Thanh) |
Được biết, với 16 đơn vị hành chính (15 xã và 1 thị trấn), bình quân mỗi ngày đêm, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) thải ra khoảng 40 tấn chất thải rắn sinh hoạt. Théo đó, giá hợp đồng xử lý rác thải như hiện nay là 1,4 triệu đồng/ tấn thì huyện Đức Thọ đang phải chi ngân sách hàng chục triệu đồng mỗi ngày cho vấn đề này.
Trước thực trạng lò đốt rác hàng tỷ đồng nằm đắp chiếu, người dân lo lắng nếu không sử dụng rất dễ bị biến thành phế thải. Ông Thái Sơn Vinh- Trưởng Phòng TN&MT huyện Đức Thọ thừa nhận: “Chúng tôi đã tính đến vấn đề này và có văn bản đề xuất với tỉnh cho tháo gỡ lò đốt rác để tiện trong việc bảo quản. Đến nay, đang chờ ý kiến chỉ đạo”.