Chưa nên nới “room” cho người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam
Bất động sản - Ngày đăng : 16:56, 14/08/2020
Theo báo cáo của Hội Môi giới BĐS Việt Nam về tình trạng nhu cầu mua BĐS của người nước ngoài tại Việt Nam rất lớn nhưng bị cản trở bởi luật Nhà ở năm 2014 (tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư), dẫn đến hạn chế một phần nguồn lực đổ vào BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.
HoREA đã thực hiện một cuộc khảo sát thống kê sơ bộ về tình hình bán nhà cho tổ chức, cá nhân nước ngoài trong 5 năm qua (2015 - 2020) của 17 tập đoàn, doanh nghiệp (DN) BĐS lớn. Kết quả, nếu giả định 17 tập đoàn và DN được khảo sát chiếm khoảng 70 - 80% thị phần nhà ở bán cho các cá nhân nước ngoài, thì có thể ước số lượng căn nhà mà người nước ngoài đã mua trong 5 năm qua trên phạm vi cả nước chỉ vào khoảng 14.800 - 16.000 căn.
Số lượng người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam chưa nhiều. |
Đáng chú ý, trong 5 tập đoàn hàng đầu được nhiều người nước ngoài lựa chọn mua nhà, với 10.571 căn, chiếm 85,7% tổng số nhà đã bán cho người nước ngoài, không có dự án của DN nào đụng “trần” 30% theo quy định. Số ít các dự án đã đạt “trần” thì người nước ngoài chuyển sang ký “Hợp đồng thuê mua nhà (leasing)” dài hạn 50 năm.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, khẳng định qua những số liệu trên có thể thấy thực tế không có “làn sóng” người nước ngoài mua nhà tại nước ta trong 5 năm qua. Nhu cầu sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam ít, không nhiều đến nỗi phải áp lực nới room. Mặt khác, với số ít dự án có tỷ lệ sở hữu đụng “trần”, người nước ngoài sẽ chọn 1 trong 2 phương án thuê trả tiền ngắn hạn hoặc thuê mua nhà dài hạn 50 năm. Điều này sẽ hỗ trợ rất tốt cho hoạt động đầu tư của chủ căn hộ người Việt cũng như cho chủ đầu tư dự án.
“Rất nhiều người nước ngoài có nhu cầu ở Việt Nam nhưng đa phần sẽ chọn thuê nhà vì với quy định người nước ngoài ở Việt Nam quá 180 ngày/năm phải đóng thuế thu nhập cá nhân theo luật của Việt Nam, họ sẽ không mua sắm tài sản cố định để rồi bỏ phí cả nửa năm không sử dụng”, ông Châu nhấn mạnh và nói thêm: “Giữ room 30% vừa không ảnh hưởng mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), xuất khẩu tại chỗ, vừa đảm bảo giữ ưu thế cho người Việt trong phân khúc BĐS này”.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, khách nước ngoài chủ yếu thích mua phân khúc bất động sản cao cấp và nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, luật Nhà ở năm 2014, tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa nhà chung cư. Nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm biệt thự, liền kề thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà trong một khu dân cư tương đương cấp phường.
Bên cạnh đó, người nước ngoài cũng không được sở hữu nhà quá 50 năm trong các thỏa thuận giao dịch mua bán, cho thuê, thừa kế. Chỉ trong trường hợp người nước ngoài kết hôn với công dân Việt Nam mới được sở hữu nhà ở ổn định, lâu dài. Điều này đã hạn chế một phần nguồn lực đổ vào BĐS, đặc biệt là phân khúc cao cấp.